Các công ty công nghệ toàn cầu có học theo mô hình đại cải tổ của Alibaba?
Kế hoạch chia tập đoàn thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba Group Holding thành sáu công ty nhỏ có thể giới thiệu một mô hình tiềm năng cho những gã khổng lồ công nghệ toàn cầu đang đối mặt với sức ép phân tách ngày càng lớn.
Kế hoạch chia tập đoàn thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba Group Holding thành sáu công ty nhỏ đã khiến giá cổ phiếu của tập đoàn tăng vọt vào ngày 28/3, đồng thời giới thiệu một mô hình tiềm năng cho những gã khổng lồ công nghệ toàn cầu đang đối mặt với sức ép phân tách ngày càng lớn.
Chứng chỉ lưu ký của Alibaba tại Mỹ đã tăng tới 15% vào ngày 28/3, là đợt tăng tốt nhất kể từ tháng 6/2022 sau khi công ty công bố kế hoạch “xé nhỏ” đế chế công nghệ trị giá 255 tỷ USD thành các bộ phận nhỏ hơn có thể huy động vốn riêng lẻ.
Động thái này dường như được thiết kế để xoa dịu các nhà quản lý Trung Quốc trong bối cảnh chính phủ nước này thực hiện các cuộc trấn áp những “gã khổng lồ” công nghệ trong nước gần một năm qua. Đây cũng được coi là một mô hình mẫu để các công ty tương tự học hỏi.
Tom Masi, Giám đốc quản lý danh mục đầu tư tại GW&K Investment Management, cho biết: “Đây là yếu tố thay đổi cuộc chơi trong việc nâng cao kỳ vọng cho các công ty khác. Nếu nó phù hợp với định hướng mà chính phủ mong muốn và các cổ đông phản hồi tích cực, các công ty khác có thể sẽ theo đuổi con đường này”.
Theo ông Masi, tập đoàn Tencent Holdings có lẽ là ứng viên tiềm năng nhất tiếp bước theo Alibaba vì Tencent có rất nhiều thực thể có khả năng trở thành các đơn vị độc lập. Cổ phiếu Tencent tại Mỹ đã tăng tới 7,3% trong cùng ngày Alibaba công bố cải tổ cấu trúc. Trong khi đó, giá cổ phiếu của các nhà bán lẻ trực tuyến JD.com và Baidu đều tăng khoảng 5%.
Trong một ghi chú gửi tới khách hàng của Morgan Stanley, nhà phân tích Gary Yu đã viết phản ứng nhiệt tình của thị trường đối với chiến lược của Alibaba là đáng chú ý.
Theo nhà phân tích Marvin Chen của trang mạng Bloomberg Intelligence, kế hoạch chia nhỏ công ty của Alibaba phù hợp với chính sách của Trung Quốc đang nhằm giảm bớt bản chất độc quyền của những công ty công nghệ lớn trong nước.
“Mặc dù các công ty con công nghệ của Trung Quốc không phải là hiếm, nhưng động thái của Alibaba có vẻ bao quát hơn, bao gồm cả các hoạt động kinh doanh cốt lõi, có thể đóng vai trò là kế hoạch chi tiết cho ngành trong tương lai”, nhà phân tích Chen chỉ rõ.
Tại Mỹ, những “gã khổng lồ” công nghệ như Meta Platform (công ty mẹ của Facebook) và Amazon có thể học theo mô hình và xé lẻ trước những lo ngại về quyền riêng tư và nhằm mở khóa giá trị cho cổ đông đang ở mức cao nhất mọi thời đại.
Ông Jim Osma, người sáng lập công ty nghiên cứu các tình huống đặc biệt The Edge Consulting Group, cho biết nếu Amazon tách riêng các đơn vị dịch vụ của mình, giá trị cổ phiếu của các công ty bị xé lẻ sẽ cao hơn 70% so với giá cổ phiếu hiện tại.
Ngày 28/3, tập đoàn Alibaba Group Holding thông báo sẽ tổ chức lại thành sáu công ty kinh doanh và theo đuổi việc niêm yết công khai trên sàn chứng khoán cho 5 công ty trong số đó. Theo thông báo, sáu công ty kinh doanh mới sẽ tập trung vào các lĩnh vực như điện toán đám mây, thương mại điện tử và hậu cần.
Sáu công ty mới sẽ bao gồm: Cloud Intelligence Group, Taobao Tmall Commerce Group, Local Service Group, Cainiao Smart Logistics, Global Digital Commerce Group và Digital Media & Entertainment Group.
Mỗi công ty sẽ được điều hành bởi CEO và ban giám đốc riêng, các CEO chịu trách nhiệm hoàn toàn về hiệu quả hoạt động của công ty.