Các công ty lớn của Mỹ đối mặt 'làn sóng' sa thải
Giới quan sát cho rằng gần như không có lĩnh vực nào sẽ thoát được 'làn sóng' sa thải và cho nhân viên nghỉ việc tạm thời.
Do những ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong khi số phận gói kích thích mới của Chính phủ Mỹ vẫn còn mơ hồ, Disney, American Airlines và United Airlines đã tuyên bố sa thải 60.000 nhân viên chỉ trong 24 giờ qua. Động thái này diễn ra khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ chỉ còn cách một tháng nữa.
*"Làn sóng" thất nghiệp
Giới quan sát cho rằng gần như không có lĩnh vực nào sẽ thoát được “làn sóng” sa thải và cho nhân viên nghỉ việc tạm thời. Nhìn chung, hiện hơn 26,5 triệu người Mỹ đang nhận một số loại viện trợ có liên quan đến mất thu nhập do đại dịch COVID-19.
Công ty bảo hiểm Allstate ngày 1/10 cảnh báo rằng họ sẽ phải cắt giảm 3.800 việc làm, trong khi công ty dầu mỏ Marathon Petroleum dự kiến sẽ cắt giảm hơn 2.000 việc làm, tương đương 12% lực lượng lao động của họ.
Tập đoàn tài chính khổng lồ Goldman Sachs cũng thông báo sẽ cắt giảm số nhân viên khá "khiêm tốn" là 400 người, qua đó chấm dứt lệnh cấm cắt giảm việc làm mà họ tự áp đặt vào thời điểm đại dịch lan tràn.
Khi công bố sa thải 28.000 nhân viên, Disney cho biết họ đã "làm việc không mệt mỏi" để cố gắng tránh bất kỳ quyết định nào như vậy. Nhưng những thiệt hại về tài chính mà công ty phải gánh chịu do hoạt động kinh doanh công viên giải trí bị đình trệ và các rạp chiếu phim đóng cửa khiến điều này là không thể tránh khỏi.
Vào thời điểm cuộc khủng hoảng COVID-19 bắt đầu tại Mỹ vào đầu năm nay, ngành du lịch và khách sạn, nhà hàng cùng các hoạt động giải trí là những ngành đầu tiên buộc phải cắt giảm việc làm số lượng lớn để duy trì hoạt động.
Một số công ty lớn, như các hãng hàng không, đã nhận viện trợ của chính phủ để cứu hàng chục nghìn việc làm. Nhưng phần lớn gói viện trợ đó đã hết hạn còn các cuộc tranh cãi giữa đảng Cộng hòa và Dân chủ đang đưa gói kích thích mới rơi vào tình trạng không chắc chắn.
Một gói cho vay được công bố ngày 29/9 dành cho bảy hãng hàng không Mỹ với tổng trị giá lên tới 25 tỷ USD được cho là sẽ giúp họ vượt qua thời kỳ suy thoái “dài hơi” trước mắt, nhưng sẽ không ngăn chặn được quyết định cho nhân viên nghỉ việc tạm thời của các hãng này.
American Airlines và United Airlines sẽ bắt đầu cho lần lượt 19.000 và 13.000 lao động nghỉ việc tạm thời từ ngày 2/10. Các hãng hàng không nhỏ hơn như Hawaiian Airlines cũng sẽ phải sa thải một số công nhân.
* Bức tranh đa sắc của thị trường lao động
Báo cáo mới nhất của Bộ Lao động Mỹ không giúp bức tranh tổng thể của thị trường việc làm nước này lạc quan hơn. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới trong tuần vừa qua tuy giảm 36.000 đơn so với tuần trước đó xuống 837.000 đơn song vẫn cao hơn số liệu tương ứng của tuần tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hồi năm 2008-2010.
Bên cạnh đó, số người nộp đơn đăng ký cho chương trình Hỗ trợ Thất nghiệp do Đại dịch (PUA) vốn cho những người lao động không đủ điều kiện tham gia chương trình hỗ trợ bình thường đã tăng hơn 34.000 lên 650.120 trong cùng giai đoạn.
Ông Ian Shepherdson, chuyên gia thuộc công ty tư vấn Pantheon Macroeconomics, lưu ý số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu giảm trung bình chưa tới 12.000 đơn/tuần trong bốn tuần qua.Với tốc độ này, số đơn trên sẽ đứng ở mức 665.000 mỗi tuần vào tháng 1/2021, tương đương tuần tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Trong khi đó, chuyên gia Rubeela Farooqi thuộc công ty tư vấn High Frequency Economics cho biết các số liệu tiêu cực của thị trường lao động Mỹ vẫn cao bất thường. Điều đáng chú ý là tốc độ sa thải không chậm lại mặc dù nền kinh tế đã mở cửa lại trên quy mô rộng lớn hơn và ngày càng nhiều doanh nghiệp hoạt động trực tuyến.
Tuy nhiên, không phải tin tức nào về thị trường việc làm của Mỹ cũng là tin xấu. Báo cáo từ công ty chuyên về quản lý nhân sự ADP công bố ngày 1/10 cho thấy các nhà tuyển dụng tư nhân của Mỹ đã tạo ra thêm 749.000 việc làm trong tháng Chín, vượt qua kỳ vọng của các nhà phân tích và vượt số liệu của tháng Tám.
Sau khi đạt “đỉnh” vào tháng Tư là 14,7%, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ đã giảm xuống còn 8,4% vào tháng Tám. Đây là con số đáng khích lệ nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mức trước đại dịch là 3,5%.
Trong khi đó, các nhà kinh tế tại chi nhánh St Louis của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho biết tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ cao hơn nhiều so với các nước phương Tây khác là do chiến lược của chính phủ.
Trong một bài đăng trên nhật ký điện tử (blog) gần đây, các chuyên gia này cho hay ở châu Âu và Nhật Bản, cách tiếp cận của chính phủ đối với vấn đề thất nghiệp trong thời kỳ COVID-19 là tập trung vào việc duy trì mối quan hệ giữa người tuyển dụng lao động và người lao động.
Còn ở Mỹ, chính sách tập trung vào trợ cấp thất nghiệp cho những người lao động đã bị sa thải hoặc mất việc làm.
Đối với một số công ty nhất định, đại dịch COVID-19 đã giúp hoạt động kinh doanh của họ phát triển mạnh. Ví dụ như doanh số bán hàng trực tuyến tăng mạnh đã giúp “đại gia” thương mại điện tử Amazon tạo ra 100.000 việc làm mới ở khu vực Bắc Mỹ vào tháng Chín.
Ngoài ra, nhiều công ty đang cố gắng giữ chân nhân sự đã qua đào tạo và có kinh nghiệm của họ, để đảm bảo doanh nghiệp có thể phục hồi nhanh chóng hơn trong giai đoạn hậu COVID-19./.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/ca-c-cong-ty-lo-n-cu-a-my-doi-mat-lan-song-sa-thai/171361.html