Các công ty năng lượng sạch châu Âu cảnh giác với chính sách năng lượng của ông Trump
Các công ty năng lượng xanh châu Âu đang trì hoãn các quyết định về hoạt động của họ tại Mỹ trong bối cảnh ngày càng có nhiều thông tin rằng chính quyền Donald Trump sẽ không ủng hộ các chính sách năng lượng sạch.
Kể từ khi Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) được thông qua cách đây hai năm, nhiều công ty châu Âu đã bị thu hút đến Mỹ với các ưu đãi hào phóng mà Đạo luật này đưa ra cho các giải pháp năng lượng xanh sáng tạo.
IRA có gần 370 tỷ USD cho các điều khoản về khí hậu và năng lượng sạch, bao gồm tín dụng đầu tư và sản xuất cho năng lượng mặt trời, gió, lưu trữ, khoáng sản quan trọng, tài trợ cho nghiên cứu năng lượng và tín dụng cho sản xuất công nghệ năng lượng sạch như tua bin gió và tấm pin mặt trời.
Lo ngại chính sách năng lượng xanh bị lật ngược
Nếu giành chiến thắng vào tháng 11, châu Âu lo ngại ông Trump sẽ lật ngược hoặc ít nhất là cố gắng lập rào cản với nhiều chính sách về năng lượng và khí hậu của Tổng thống Biden, bao gồm các quy tắc về khí mê-tan, lệnh tạm dừng cấp phép xuất khẩu LNG mới, lệnh bắt buộc về xe điện, cho thuê dầu khí liên bang và thậm chí là một số phần của Đạo luật giảm lạm phát.
Tuy nhiên, việc phá bỏ IRA trước tiên sẽ cần một Quốc hội do đảng Cộng hòa kiểm soát ở cả Hạ viện và Thượng viện. Và ngay cả khi đó, vẫn có thể khó thu hẹp hoặc hủy bỏ các ưu đãi, vì chúng chủ yếu mang lại lợi ích cho các dự án và việc làm ở các tiểu bang của đảng Cộng hòa, các nhà phân tích cho biết.
Tại một cuộc biểu tình gần đây, ông Trump đã chỉ trích các chính sách xanh của đảng Dân chủ và "sự lãng phí tiền thuế của người dân một cách vô lý và thực sự đáng kinh ngạc" vào "những thứ liên quan đến các dự án năng lượng xanh".
Bên cạnh đó, ông Trump đã tuyên bố sẽ chuyển hướng tiền vào các dự án cơ sở hạ tầng và không cho phép chi tiêu vào "những ý tưởng xanh mới vô nghĩa".
"Sự tê liệt trong phân tích" các quyết định đầu tư
Đối mặt với một nhiệm kỳ nữa của Trump, các công ty châu Âu trong chuỗi cung ứng năng lượng xanh - vốn đã đổ xô đến xứ cờ hoa với các cơ sở sản xuất trong năm qua - hiện đang tạm dừng các quyết định và chờ xem kết quả của cuộc bầu cử Hoa Kỳ.
Marcus Berret, giám đốc điều hành toàn cầu tại Roland Berger, đã nói với Reuters rằng những bất ổn ngày càng tăng về các chính sách năng lượng xanh của Hoa Kỳ sau cuộc bầu cử có thể dẫn đến "sự tê liệt trong phân tích" trong các quyết định đầu tư.
Sau khi IRA được thông qua, một số công ty châu Âu đã công bố kế hoạch xây dựng các cơ sở sản xuất tại Hoa Kỳ để tận dụng các ưu đãi trong Đạo luật.
Hiện tại, một số công ty khác đã có các kế hoạch như vậy trước đây đang trì hoãn các quyết định trong bối cảnh mọi người đều miễn cưỡng cam kết đầu tư vào năng lượng xanh của Hoa Kỳ cho đến cuộc bầu cử.
Ví dụ, SMA Solar, nhà sản xuất biến tần năng lượng mặt trời của Đức đã ban hành cảnh báo lợi nhuận vào đầu tháng này khi công ty cắt giảm hướng dẫn thu nhập trong bối cảnh bất ổn chính trị gia tăng với Nghị viện châu Âu thiên hữu mới được bầu và cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ sắp tới.
Nel Hydrogen có trụ sở tại Na Uy đã công bố kế hoạch xây dựng một cơ sở sản xuất máy điện phân gigawatt tự động mới tại Michigan vào năm ngoái. Công ty vẫn chưa đưa ra quyết định đầu tư cuối cùng cho nhà máy, dự kiến sẽ được xây dựng theo từng bước để cân bằng cung cầu.
Ở chiều ngược lại, nhà sản xuất tua bin gió Đức Nordex Group có vẻ lạc quan hơn khi tuyên bố vào tháng 6 rằng họ sẽ khởi động lại sản xuất tại cơ sở sản xuất của mình ở Iowa. Nordex sẽ sản xuất nacelle cho cả biến thể tua bin N163 hiện tại và một sản phẩm được thiết kế riêng cho thị trường Hoa Kỳ tại cơ sở sản xuất của mình ở West Branch, Iowa.
Đầu năm nay, Nordex đã công bố ý định tập trung ngày càng nhiều vào Bắc Mỹ để hưởng lợi từ sự tăng trưởng dự kiến tại thị trường Hoa Kỳ và Canada.
“Bắt đầu từ nửa đầu năm 2025, năng lực sản xuất sẽ được tăng cường theo sự phát triển của khối lượng đơn hàng”, Manav Sharma, Tổng giám đốc điều hành của Bộ phận Bắc Mỹ cho biết.
Wood Mackenzie cho biết vào tháng 5 rằng một nhiệm kỳ tổng thống của Trump có thể gây nguy hiểm cho 1 nghìn tỷ USD đầu tư vào năng lượng sạch.
Mặc dù ông Trump - nếu đắc cử - không được dự đoán sẽ bãi bỏ hoàn toàn IRA năm 2022, nhưng ông có khả năng sẽ hủy bỏ các chính sách năng lượng sạch lớn, bao gồm cam kết khử cacbon cho lưới điện vào năm 2035. Ông cũng sẽ nới lỏng các mục tiêu và quy định giảm phát thải, theo WoodMac.
Công ty tư vấn năng lượng này dự kiến Hoa Kỳ sẽ chứng kiến khoản đầu tư 7,7 nghìn tỷ USD cho ngành năng lượng từ nay đến năm 2050. Nhưng các nhà phân tích của Wood Mackenzie cho biết, việc ít hỗ trợ chính sách hơn cho năng lượng sạch và cải thiện cơ sở hạ tầng sẽ làm giảm dự báo đầu tư cơ bản này khoảng 1 nghìn tỷ USD.
David Brown, giám đốc Nghiên cứu chuyển đổi năng lượng của Wood Mackenzie nhận định: "Chu kỳ bầu cử này thực sự sẽ ảnh hưởng đến tốc độ đầu tư năng lượng, cả trong năm năm tới, thậm chí tới năm 2050".