Các công ty Thái Lan và Malaysia rút khỏi mỏ khí đốt ở Myanmar
Các công ty PTTEP của Thái Lan và Petronas của Malaysia hôm thứ Sáu (29/4) cho biết rằng họ sẽ từ bỏ các hoạt động của mình trên một mỏ khí đốt ở Myanmar, quốc gia hiện do chính quyền quân sự cai trị, nơi các công ty lớn quốc tế khác gần đây đã tuyên bố rời đi.
Mỏ liên quan là Yetagun, nằm trên biển, ngoài khơi bờ biển Myanmar, với diện tích khoảng 24.000 km2.
Carigali, một công ty con của Petronas, nắm giữ 41% cổ phần và PTTEP, một công ty con của tập đoàn năng lượng quốc gia Thái Lan, nắm giữ 19,31% cổ phần.
Trong một tuyên bố, Giám đốc điều hành PTTEP Montri Rawanchaikul nói đây là một quyết định "chiến lược" nhằm "tái tập trung vào các dự án đảm bảo an ninh năng lượng" ở Thái Lan.
PTTEP cho rằng cổ phần của họ tại Yetagun sẽ được phân phối lại mà không phải bồi thường tài chính cho các đối tác khác, cụ thể là Công ty Nippon Oil and Gas Exploration của Nhật Bản và Công ty Dầu khí Quốc gia Myanmar (MOGE) do quân đội Myanmar kiểm soát.
Trong một tuyên bố, Petronas, đã hoạt động tại Yetagun từ năm 2003, cũng đề cập đến "chiến lược hợp lý hóa tài sản", nhằm "thích ứng với môi trường công nghiệp đang thay đổi" và "đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng".
Tuy nhiên, PTTEP sẽ không rời Myanmar, nơi họ đã tiếp quản quyền quản lý một mỏ khí đốt khác (mỏ Yadana), sau khi công ty Mỹ Chevron và Công ty TotalEnergies của Pháp rời đi vào tháng Giêng.
Mỏ này không những cung cấp nhiên liệu phát điện cho Myanmar, mà còn cho Thái Lan.
TotalEnergies, nhà điều hành chính (31,24%), chỉ ra rằng việc rút khỏi Yadana sẽ mất vài tháng. Các đối tác khác là Unocal-Chevron (28,26%), PTTEP (25,5%) và MOGE (15%).
Tập đoàn Pháp đã biện minh cho sự ra đi này bởi "bối cảnh tiếp tục xấu đi ở Myanmar về nhân quyền".
Theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), các hoạt động khí đốt ở Myanmar tạo ra hơn 1 tỷ USD mỗi năm.