Các công việc cấp bách cần triển khai để giảm thiểu thiệt hại do bão số 3

Tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8, cập nhật thông tin về cơn bão số 3, ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Đê điều và Phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Đêm nay và sáng mai, bão sẽ di chuyển sâu vào đất liền, đi qua các khu vực ven biển và tiếp tục ảnh hưởng đến Hà Nội và các tỉnh phía Bắc với những đợt mưa lớn. Các công việc cấp bách cần triển khai sắp tới để giảm thiểu thiệt hại do bão gây ra.

Thứ nhất, thực hiện nghiêm ba công điện của Thủ tướng Chính phủ và theo dõi sát sao diễn biến bão, mưa lũ để chủ động ứng phó. Đặc biệt, tại các khu vực tiền tuyến, cần duy trì lệnh cấm tàu thuyền ra khơi vì bão hiện đang rất mạnh. Với cấp độ hiện tại, vùng ảnh hưởng của bão rất rộng, từ Quảng Ninh đến các địa phương lân cận. Không để người dân quay lại tàu thuyền, lồng bè hay chòi canh khi bão chưa qua hoàn toàn, nhằm tránh những rủi ro có thể xảy ra. Đồng thời, cần đảm bảo an ninh và an toàn cho các khu vực sơ tán và nơi neo đậu tàu thuyền. Lực lượng an ninh phải giữ gìn trật tự để người dân yên tâm sơ tán, không quay trở về nhà quá sớm.

Đối với các khu vực ven biển, cần sẵn sàng lực lượng và phương tiện để ứng phó với các tình huống xấu. Các tuyến đê biển từ Quảng Ninh đến Ninh Bình chỉ được thiết kế chống bão cấp 9-10, trong khi bão hiện nay có thể đạt cấp 14 với gió giật cấp 17, gây nguy cơ lớn cho đê biển. Lực lượng quân đội cần sẵn sàng bảo vệ và gia cố các điểm đê xung yếu, đảm bảo cung cấp đầy đủ nhu yếu phẩm và nơi trú ẩn an toàn cho người dân sơ tán. Cần tăng cường công tác quản lý và vận hành hồ đập, đặc biệt ở những khu vực có nguy cơ ngập úng, đảm bảo vận hành kịp thời các trạm bơm và hệ thống tiêu thoát nước, nhất là ở các khu đô thị như Hà Nội.

Ông Phạm Đức Luận lưu ý, hiện nay, một số khu vực ở Quảng Ninh đã mất điện diện rộng. Do đó, cần chuẩn bị lực lượng, phương tiện để khắc phục sự cố ngay khi bão qua. Đặc biệt, yêu cầu người dân không ra đường trong thời gian bão đổ bộ vì nguy cơ cây cối đổ gãy rất cao. Đối với các khu vực miền núi phía Bắc, cần triển khai lực lượng để kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét, và đảm bảo không để người dân và phương tiện qua lại nếu không đảm bảo an toàn.

Công tác đảm bảo an toàn cho các hầm lò, khu khai thác ở Quảng Ninh cũng rất quan trọng, nhất là trong tình hình mưa lớn, nguy cơ vỡ bãi thải có thể xảy ra. Ngoài ra, cần tăng cường thông tin truyền thông đến người dân và các cấp chính quyền cơ sở để kịp thời ứng phó và khắc phục hậu quả sau bão, hỗ trợ người dân sửa chữa nhà cửa, đặc biệt là các hộ bị tốc mái hoặc hư hỏng nặng.

Cục trưởng Cục Quản lý đê điều về phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Phạm Đức Luận thông tin về tình hình cơn bão số 3.

Cục trưởng Cục Quản lý đê điều về phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Phạm Đức Luận thông tin về tình hình cơn bão số 3.

Đào Tuấn

Nguồn Chính Phủ: https://media.chinhphu.vn/cac-cong-viec-cap-bach-can-trien-khai-de-giam-thieu-thiet-hai-do-bao-so-3-10224090717565586.htm