Các cuộc không kích mới phá vỡ thỏa thuận ngừng bắn tại Sudan
Ngày 27/4, tại thủ đô Khartoum của Sudan đã xảy ra các cuộc không kích, bất chấp thỏa thuận ngừng bắn đạt được trước đó giữa quân đội Sudan và nhóm bán vũ trang Các Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) với sự trung gian của Mỹ.
Trong khi đó, giao tranh bùng phát tại vùng Darfur trong bối cảnh xung đột giữa hai bên bước sang ngày thứ 13.
Kể từ khi giao tranh bùng phát tại Khartoum ngày 15/4 giữa quân đội Sudan do Tướng Abdel Fattah al-Burhan đứng đầu và RSF do cấp phó của Tướng al-Burhan là Mohamed Hamdan Daglo chỉ huy, đã có nhiều nỗ lực thúc đẩy ngừng bắn, song đều không đạt kết quả.
Các nhân chứng cho biết giao tranh vẫn tiếp diễn bất chấp lệnh ngừng bắn kéo dài 3 ngày có hiệu lực hôm 25/4. Các máy bay chiến đấu vẫn tuần tra trên bầu trời vùng ngoại ô phía Bắc thủ đô Khartoum, trong khi dưới mặt đất liên tục xảy ra giao tranh bằng pháo kích và súng máy hạng nặng.
Xung đột cũng đã bùng phát ở bên ngoài thủ đô, đặc biệt là tại khu vực Darfur miền Tây Sudan. Nhiều nhân chứng cho biết các cuộc đụng độ giữa quân đội và RSF đã nổ ra ngày thứ hai liên tiếp ở Geneina, thủ phủ Tây Darfur. Nhiều dân thường đã di tản đến khu vực biên giới giáp CH Chad gần đó.
Trước đó, tối muộn 26/4, quân đội Sudan cho biết đã đồng ý tiến hành các cuộc đàm phán tại thủ đô Juba của quốc gia láng giềng Nam Sudan về việc gia hạn thỏa thuận ngừng bắn sẽ hết hiệu lực vào ngày 28/4 theo sáng kiến của Khối khu vực Đông Phi (IGAD).
Quân đội cho biết thêm Tướng al-Burhan đã đồng ý với đề xuất của IGAD đàm phán nhằm gia hạn thỏa thuận thêm 72 giờ nữa. Tuy nhiên, phía RSF chưa phản hồi đề xuất này.
Ngày 26/4, Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) cho biết đã ghi nhận các vụ dân thường thiệt mạng, các vụ cướp bóc và đốt phá ở Geneina. Cơ quan này cũng ước tính có khoảng 50.000 trẻ suy dinh dưỡng cấp tính không có đủ thức ăn do chiến sự. Ngoài ra, giao tranh ác liệt khiến nhiều dân thường mắc kẹt trong nhà và phải chịu cảnh thiếu trầm trọng thực phẩm, nước uống và điện.
Liên hợp quốc (LHQ) cảnh báo nhiều khả năng có tới 270.000 người tại Sudan sẽ sang lánh nạn tại các quốc gia láng giềng nghèo hơn là Nam Sudan và CH Chad. Nhiều công dân nước này cũng đang tìm cách di tản về phía Bắc sang Ai Cập và về phía Đông sang Ethiopia, song đây là những tuyến đường tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.
Hiện LHQ đã tiếp nhận thông báo về việc hàng chục nghìn người đang tới CH Trung Phi, Chad, Ai Cập, Ethiopia và Nam Sudan.
Ngoại trưởng Anh James Cleverly đã hối thúc công dân nước này tại Sudan lên các chuyến bay sơ tán trong ngày 27/4 để trở về nước khi lệnh ngừng bắn tạm thời sắp kết thúc.
Trả lời phỏng vấn của hãng tin Sky News, ông Cleverly nêu rõ giới chức trách không thể dự đoán chính xác điều gì sẽ xảy ra khi lệnh ngừng bắn kết thúc nhưng nhận định tình hình sẽ khó khăn hơn rất nhiều và có khả năng không thể tiến hành hoạt động sơ tán. Vì vậy, Ngoại trưởng Cleverly khuyến nghị các công dân Anh rời khỏi Sudan càng sớm càng tốt.
Theo Bộ Ngoại giao Anh, nước này đã sơ tán 536 người trên 6 chuyến bay kể từ cuối ngày 25/4. Các chuyến bay tiếp theo được lên kế hoạch trong ngày 27/4.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Pháp thông báo nước này đang tiến hành đợt sơ tán mới tại Sudan, không chỉ gồm công dân Pháp mà còn có công dân Anh, Mỹ, Canada, Hà Lan, Italy, Thụy Điển và Ethiopia.
Bộ trên cho biết thêm rằng tính đến nay, Pháp đã sơ tán tổng cộng 936 người ra khỏi Sudan.