Các 'đại bàng' Nhật Bản quan tâm đến chiến lược phát triển giao thông tại Thanh Hóa
Mới đây, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có buổi làm việc với đại diện 17 doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam. Qua đây, các doanh nghiệp Nhật Bản rất quan tâm đến kế hoạch phát triển giao thông tại địa phương này.
Tại buổi làm việc, đại diện đoàn công tác, ông Masuoka Hiroyoshi – Tổng Giám đốc Công ty TNHH KCN Thăng Long Vĩnh Phúc trân trọng cảm ơn sự đón tiếp trọng thị, quan tâm, tạo điều kiện của lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, các sở, ngành đối với chuyến thăm, tìm hiểu cơ hội đầu tư của đoàn. Sau thời gian quay lại Thanh Hóa, ông rất ấn tượng với sự phát triển của tỉnh những năm gần đây.
Đại diện lãnh đạo Công ty TNHH Tiếp vận Thăng Long nhận định, sau chuyến đi khảo sát tại tỉnh Thanh Hóa, ông rất ngạc nhiên vì khoảng cách giữa Thanh Hóa và Hà Nội rất gần, chỉ khoảng 2 tiếng di chuyển bằng ô tô, với chuyên môn về logistics, ông thực sự rất quan tâm về khoảng cách, về kết nối giao thông. Đại diện Công ty TNHH Tiếp vận Thăng Long cũng muốn biết thêm trong tương lai Thanh Hóa có kế hoạch phát triển giao thông như thế nào.
Một số doanh nghiệp mong muốn, có thêm thông tin về doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ tại Thanh Hóa để kết nối kinh doanh; các chính sách đối với doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa qua Cảng Nghi Sơn Thanh Hóa; các giải pháp, chính sách về hạ tầng, về đào tạo nguồn nhân lực... nhằm tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp yên tâm đầu tư, phát triển.
Sau khi nghe các ý kiến của các doanh nghiệp, ông Đỗ Minh Tuấn – Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, Thanh Hóa có vị trí thuận lợi về giao thông với đủ các loại hình gồm: đường bộ, đường sắt cao tốc Bắc - Nam, đường thủy và đường hàng không. Các tuyến đường bộ chạy qua gồm: Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh; Quốc lộ 217; Quốc lộ 10; 15; 45; 47; đường cao tốc Bắc - Nam; tuyến đường bộ ven biển từ tỉnh Quảng Ninh đến Nghệ An (dự kiến hoàn thành vào năm 2024).
Bên cạnh đó, Thanh Hóa cũng đang tập trung cho các dự án kết nối giao thông giữa phía Tây và phía Đông Thanh Hóa. Đồng thời, đang chuẩn bị báo cáo Chính phủ dự án đường giao thông nối với các tỉnh Tây Bắc như Hòa Bình, Sơn La... Nếu dự án này hoàn thành, sẽ rút ngắn 100km khoảng cách từ các tỉnh phía Bắc đi Cảng nước sâu Nghi Sơn so với đi Cảng Hải Phòng... Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa khẳng định, khi tập trung phát triển giao thông thì sẽ thúc đẩy các lĩnh vực khác như lĩnh vực logistics.
Thanh Hóa cũng là một trong trung tâm năng lượng của cả nước, vì vậy việc đầu tư và truyền tải điện luôn được bảo đảm. Điều này đã được khẳng định qua hoạt động của các doanh nghiệp đang hoạt động tại Thanh Hóa. Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng giới thiệu cụ thể về các chính sách ưu đãi khi đầu tư tại Khu kinh tế Nghi Sơn. Đây là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, được Chính phủ Việt Nam lựa chọn là một trong 08 khu kinh tế ven biển trọng điểm, có chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn nhất trong cả nước.
Tính từ năm 1997 đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã được Chính phủ Nhật Bản tài trợ thực hiện 10 chương trình, dự án ODA với tổng vốn 45,5 triệu USD. Ngoài ra, từ năm 1992 - 2022, Đại sứ quán Nhật Bản đã thực hiện 24 dự án viện trợ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa về các lĩnh vực y tế, nước sạch, giáo dục... Và hiện tỉnh Thanh Hóa đã có 13.346 tu nghiệp sinh sang làm việc tại các xí nghiệp của Nhật Bản.