Các dân tộc đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững
Đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Định đã tích cực phát huy những kết quả, thành tích đạt được, hăng hái thi đua lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo, góp phần tích cực xây dựng tỉnh Bình Định ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Ngày 26/9, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh (Tp. Quy Nhơn), UBND tỉnh Bình Định tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh lần thứ IV-năm 2024 với sự tham gia của 250 đại biểu đại diện cho 47.700 đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh.
Ghi nhận đóng góp tích cực của đồng bào các DTTS
Ông Đinh Văn Lung – Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bình Định, cho hay, giai đoạn 2019-2024, tỉnh Bình Định triển khai các chính sách xã hội trong vùng DTTS và miền núi, góp phần mang lại nhiều hiệu quả tích cực.
Đời sống người dân cải thiện, những mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội cơ bản hoàn thành và vượt so với kế hoạch.
Trong lĩnh vực sản xuất, tỉnh chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, chuyển giao kỹ thuật, ứng dụng khoa học kỹ thuật phát triển chuỗi sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ; hình thành chuỗi liên kết giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng nâng cao giá trị, tăng thu nhập cho người dân.
Các chương trình, chính sách, dự án hỗ trợ cho vùng DTTS từng bước phát huy hiệu quả. Từ nguồn vốn các chương trình này, vùng DTTS xây dựng 604 công trình cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống của nhân dân, tổng kinh phí 1.172 tỷ đồng. Đến nay, các xã thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh cơ bản đã giải quyết các công trình hạ tầng thiết yếu.
Hệ thống chính trị cơ sở ở miền núi, vùng đồng bào DTTS ngày càng hoàn thiện, nâng cao hiệu quả hoạt động, nhất là năng lực triển khai thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Phát biểu tại đại hội, ông Phạm Anh Tuấn – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho hay, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Bình Định là nơi sinh sống lâu đời, đoàn kết và hòa thuận của các dân tộc anh em: Bana, Chăm, H'rê… là địa bàn có vị trí chiến lược không chỉ về mặt kinh tế - xã hội mà cả về quốc phòng - an ninh.
Trên địa bàn tỉnh có 39 DTTS sinh sống, chiếm khoảng 3% dân số cả tỉnh (chủ yếu là 3 dân tộc Chăm, Bana, H'rê).
Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cùng với sự đoàn kết, nỗ lực thi đua phấn đấu vươn lên, đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh nhà đã triển khai thực hiện có kết quả các chương trình, dự án, chính sách của Trung ương và của tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực.
Đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh giảm bình quân 4,76%/năm, vượt kế hoạch từ 1,5%-2%/năm và đã có 2 huyện thoát nghèo là Vân Canh và Vĩnh Thạnh.
Văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số tiếp tục được bảo tồn, phát huy; công tác y tế, chăm sóc sức khỏe cho đồng bào ngày càng được quan tâm hơn; công tác quốc phòng an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội vùng dân tộc thiểu số được giữ vững và ổn định"- ông Tuấn cho hay.
Nỗ lực rút ngắn khoảng cách giữa miền núi và đồng bằng
Theo ông Đinh Văn Lung –Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những hạn chế. Đại hội lần này nhằm lắng nghe các ý kiến, tham luận, chia sẻ kinh nghiệm cách làm hay để nâng cao hiệu quả hoạt động công tác, chính sách dân tộc trong nhiệm kỳ mới.
Mục tiêu đến năm 2029, tỷ lệ giảm nghèo hàng năm 3-4%; giảm từ 50% trở lên số xã đặc biệt khó khăn (xã khu vực III); 100% số thôn đặc biệt khó khăn ngoài xã khu vực III so với hiện nay. Tỷ lệ người DTTS trong độ tuổi lao động được đào tạo nghề phù hợp; 100% các xã có đầy đủ hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục đạt chuẩn...
Ban Dân tộc tỉnh rà soát, đôn đốc triển khai các chương trình, chính sách, dự án hỗ trợ; tiếp cận đúng người, đúng đối tượng để phát huy được hiệu quả.
Ông Hồ Quốc Dũng – Bí thư Tỉnh ủy Bình Định đánh giá cao những kết quả trong nhiệm kỳ vừa qua. Để, phát huy những thuận lợi, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, từng bước thu hẹp khoảng cách về phát triển kinh tế - xã hội với miền xuôi, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các cấp, các ngành tập trung vào 3 vấn đề mấu chốt: tăng cường công tác tuyên truyền chính sách; phát động và lan tỏa phong trào thi đua yêu nước, sản xuất tốt; phát triển toàn diện lĩnh vực văn hóa- xã hội...
Phát biểu tại đại hội, ông Y Thông – Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đánh giá cao những kết quả đã đạt được.
Theo ông Y Thông, hiện nay đời sống của một bộ phận đồng bào DTTS ở các xã vùng sâu, vùng xa vẫn còn nhiều khó khăn; điều kiện sống mặc dù đã được cải thiện, nhưng vẫn còn thấp so với các khu vực khác của địa phương; tỷ lệ hộ nghèo và hộ tái nghèo trong đồng bào DTTS hàng năm vẫn còn ở mức cao (năm 2023 là 40,2%).
Bên cạnh đó, trong các năm gần đây, do biến đổi khí hậu, rủi ro thiên tai mưa bão, hạn hán thường xuyên xảy ra, diễn biến hết sức phức tạp, đã gây thiệt hại đến tài sản, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của đồng bào DTTS tại các địa phương.
"Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Định cần tiếp tục khẳng định mạnh mẽ về những công lao to lớn, những thành tựu đạt được đáng phấn khởi tự hào trong 5 năm qua để tăng thêm niềm tin vào sự nghiệp đổi mới của Đảng và của địa phương mình, để quyết tâm phấn đấu đạt được những thành tựu cao hơn, to lớn hơn", Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông nhấn mạnh.
Đồng thời, cũng cần nghiêm túc nhìn nhận và đánh giá sâu sắc hơn những khó khăn, thách thức và tiềm năng, lợi thế của địa phương, mạnh dạn đổi mới sáng tạo, xác định cụ thể nhiệm vụ, giải pháp thực hiện cho giai đoạn 2024-2029, coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của tỉnh để đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Định lần thứ XXI nhiệm kỳ 2025 -2030 để tập trung triển khai thực hiện.