Các địa phương chủ động ứng phó với bão số 1

Ngày 18/7, bão số 1 có tên quốc tế là Talim sẽ đi vào đất liền. Tỉnh Ninh Bình nằm trong vùng ảnh hưởng của cơn bão. Do vậy, các ngành, địa phương trong tỉnh đã chủ động triển khai các giải pháp cấp bách để ứng phó.

Các tàu thuyền đã về neo đậu an toàn tại khu vực Trạm kiểm soát biên phòng cửa Đáy thuộc Đồn Biên phòng Kim Sơn, huyện Kim Sơn.

Các tàu thuyền đã về neo đậu an toàn tại khu vực Trạm kiểm soát biên phòng cửa Đáy thuộc Đồn Biên phòng Kim Sơn, huyện Kim Sơn.

Là địa phương ven biển, ngay khi có thông tin về cơn bão số 1, huyện Kim Sơn đã triển khai hàng loạt các biện pháp để ứng phó. Trong đêm 17/7, Đồn Biên phòng Kim Sơn đã tổ chức bắn pháo hiệu thông báo cho các chủ tàu, thuyền tìm nơi trú ẩn an toàn; đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm soát phương tiện, nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi.

Đến thời điểm này, hơn 300 thuyền viên/108 phương tiện khai thác thủy hải sản, đã vào nơi tránh thú an toàn. Toàn bộ các bến đò ngang trên địa bàn huyện được lệnh ngưng hoạt động kể từ 19 giờ ngày 17/7/2023. Thông tin về vị trí, hướng di chuyển của bão số 1 cũng đã được thông báo đến các đơn vị thi công khu vực từ đê Bình Minh III đến Cồn Mờ và khoảng 350 lao động ở trên 200 lều chòi để chủ động phòng tránh, di rời khi có lệnh.

Về sản xuất nông nghiệp, để bảo vệ an toàn cho 4.500 ha lúa mới cấy, huyện Kim Sơn chỉ đạo các xã, thị trấn, huy động các lực lượng khơi thông dòng chảy trên các kênh tiêu và có phương án phòng chống úng phù hợp, bảo đảm tiêu thoát nước kịp thời không để tình trạng ngập úng. Đối với các hộ nuôi trồng thủy sản, yêu cầu khẩn trương thu hoạch các đối tượng nuôi đạt kích cỡ thương phẩm, đồng thời tăng cường gia cố, tu sửa bờ ao, cống lấy nước, hệ thống đăng chắn tránh thất thoát khi mực nước dâng cao.

Người dân xã Khánh Thủy, huyện Yên Khánh tổ chức cắt tỉa cây xanh trước khi bão về.

Tại Yên Khánh, theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, hiện trên địa bàn có 7.676 ha lúa, 500 cây màu. Cây lúa đang giai đoạn đẻ nhánh rộ, cây màu ở giai đoạn phát triển thân lá. Để bảo vệ sản xuất, huyện yêu cầu các hộ dân dừng việc chăm bón, tổ chức rút cạn nước trên đồng ruộng. Tổ chức giải tỏa, bèo, đăng, đó, vó cườm, khơi thông dòng chảy. Chi nhánh Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi huyện phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện tiêu hệ thống và những vùng thấp trũng; sẵn sàng vận hành các công trình tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp.

Cùng với Kim Sơn, Yên Khánh, thực hiện Công điện số 01/CĐ-BCH về chủ động ứng phó với cơn bão số 01 của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các huyện, thành phố trong tỉnh cũng đang tập trung triển khai rà soát, sẵn sàng tiêu úng khu vực trũng thấp, khu đô thị và khu công nghiệp.

Chỉ đạo kiểm tra và có phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, nhất là các hồ chứa thủy lợi xung yếu; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra. Đồng thời cảnh báo chủ đầu tư các công trình liên quan đến đê điều, hồ đập, công trình phòng chống thiên tai đang thi công dở dang sẵn sàng triển khai phương án bảo vệ an toàn cho công trình, người và máy móc, thiết bị tại công trường.

Lực lượng chức năng tổ chức cắt tỉa cành cây; chủ động triển khai chằng chống, gia cố nhà ở, biển hiệu, các công trình công cộng, khu công nghiệp, nhà máy, kho tàng, các công trình cột tháp cao, hệ thống lưới điện. Sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông.

Bài, ảnh: Nguyễn Lựu

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/cac-dia-phuong-chu-dong-ung-pho-voi-bao-so-1/d2023071814210263.htm