Các địa phương quyết liệt, chủ động phòng, chống bão số 3
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, bão số 3 với sức gió mạnh, vẫn đang di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, có khả năng đổ bộ trực tiếp vào khu vực từ tỉnh Hưng Yên đến tỉnh Ninh Bình. Thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các địa phương đang quyết liệt, khẩn trương triển khai những biện pháp ứng phó với bão, đặc biệt là nguy cơ mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất có thể xảy ra, theo phương châm '4 tại chỗ', nhằm đảm bảo an toàn, tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân và doanh nghiệp.

Các lực lượng hiệp đồng phường Thiên Trường tham gia chuẩn bị vật tư phòng, chống bão số 3.
Phường Duy Tân nằm ven sông Hồng với tuyến đê dài hơn 5 km, trong đó cống Mộc Nam là trọng điểm phòng, chống thiên tai (PCTT) cấp tỉnh. Phía ngoài đê sông Hồng, có khoảng 200 ha đất canh tác nông nghiệp trồng chuối tiêu hồng, cây dược liệu (húng quế); Khu chăn nuôi bò sữa tập trung có trên 30 trang trại, tổng hơn 1.600 con bò; do vậy công tác phòng, chống bão số 3 được phường đặc biệt quan tâm. Phường thành lập các tổ kiểm tra, đánh giá hiện trạng, năng lực toàn bộ công trình PCTT trên địa bàn; từ đó, có biện pháp chủ động bảo vệ, ứng phó khi có sự cố xảy ra. Nguồn vật tư tại chỗ, gồm: Bao tải, đất, đá, cọc tre… được chuẩn bị đảm bảo số lượng. Phường đã thành lập đội xung kích gồm 240 người, sẵn sàng huy động khi cần thiết… UBND phường đã chỉ đạo các Tổ dân phố theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 3, mưa, lũ sau bão để chủ động các biện pháp phòng, chống, di dời người, tài sản, vật nuôi đến nơi an toàn. Lực lượng công an xã chia thành nhiều tổ xuống địa bàn kiểm tra, hướng dẫn và hỗ trợ người dân chằng, chống nhà cửa, cắt tỉa cành cây…

Kiểm tra vật tư phòng, chống thiên tai tại phường Duy Tân.
Đồng chí Vũ Mạnh Hải, Phó Chủ tịch UBND phường cho biết: “Đến nay, mọi công tác ứng phó với bão và nguy cơ lũ trên sông Hồng lên cao đang được triển khai thực hiện. Diện tích sản xuất chuối tiêu hồng ven sông được người dân tỉa bớt lá chống đổ. Tại các trang trại chăn nuôi bò sữa ngoài đê, công tác chằng, chống chuồng trại, tích trữ thêm thức ăn cho bò đã được các chủ trang trại hoàn tất. HTX thông báo cho các thành viên theo dõi sát sao các bản tin, thông báo về bão, lũ để kịp thời di dời đàn bò sữa vào nơi an toàn khi lũ sông Hồng lên cao có nguy cơ gây ngập”.

Cống và âu thuyền Tắc Giang - một trong những trọng điểm, phòng chống thiên tai.
Cũng trên tuyến đê sông Hồng, trọng điểm PCTT cấp tỉnh là Cụm công trình đầu mối cống và âu thuyền Tắc Giang nằm giữa phường Duy Tiên và xã Nam Xang cũng đang triển khai các biện pháp ứng phó với lũ, bão. Tổ quản lý tại đây kiểm tra toàn bộ hệ thống cánh cống, cánh âu, máy đóng mở để đảm bảo trạng thái hoạt động tốt nhất. Các cánh phai phụ cũng được chuẩn bị sẵn sàng khi cần thiết. Tổ quản lý thực hiện trực 24/24 giờ, thường quyên tuần tra để sớm phát hiện sự cố (nếu có) giúp xử lý tốt giờ đầu. Về phía Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Hà Nam là đơn vị quản lý, vận hành cống, đã tích cực phối hợp với các địa phương trong việc triển khai thực hiện PCTT cho công trình theo phương châm “4 tại chỗ”. Ông Lê Văn Hòa, Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Hà Nam cho biết: “Cống và âu thuyền Tắc Giang được xác định là trọng điểm PCTT cấp tỉnh nên đơn vị đặc biệt quan tâm trong vận hành và đảm bảo an toàn công trình. Các tình huống sự cố đều được đặt ra và có phương án ứng phó phù hợp, hiệu quả. Công ty xác định không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống, nhất là thời điểm bão đổ bộ”.
Trên địa bàn phường Tam Chúc có đoạn đê xung yếu từ K95+000 - K97+000 và kè Đanh Xuyên tại vị trí K96,033 - K96,950 được lát mái bằng đá hộc lát khan. Để đảm bảo an toàn cho công trình đê điều và phục vụ công tác PCTT năm 2025, phường đã xây dựng phương án hộ đê bảo vệ trọng điểm với các tình huống:Trượt mái đê phía thượng lưu do mái dốc; xử lý sự cố sạt nông mái đê phía đồng do thấm; xử lý sự cố lỗ rò ở mái đê bị thấm sũng nước và xử lý sự cố sủi đùn bùn cát ở ao, hồ, thùng đấu.

Công nhân Công ty cổ phần môi trường và công trình đô thị phát quang cây cối hạn chế ảnh hưởng của bão số 3 tại phường Phủ Lý.
Đồng chí Phạm Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND phường Tam Chúc cho biết: Các tình huống đặt ra đều được chuẩn bị sẵn sàng theo phương châm “4 tại chỗ”, bảo đảm huy động nhanh nhất lực lượng, vật tư, phương tiện và hậu cần tại chỗ để ứng phó, xử lý sự cố hiệu quả ngay trong giờ đầu. Ứng phó với bão số 3, phường đã thành lập lực lượng tuần tra, canh gác đê và thường trực trên các điếm canh đê, khi có báo động lũ dâng cao. Khi lũ ở báo động I trở lên, đội xung kích theo dõi chặt chẽ diễn biến tình trạng đê điều, kiểm tra kỹ toàn bộ mái đê phía đồng, phía sông, mặt đê, khu vực hành lang bảo vệ đê phía đồng, mặt ruộng, hồ ao gần chân đê phía đồng để phát hiện kịp thời sự cố. Khi phát hiện có hư hỏng lực lượng tuần tra, canh gác phải báo cáo ngay cho cán bộ quản lý đê điều phụ trách tuyến đê và Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự phường để có phương án xử lý kịp thời, hạn chế thiệt hại xảy ra.
Phường Thiên Trường quy mô hơn 31 nghìn dân; trên địa bàn phường có tuyến đê Hữu Hồng, dài 7,93km và có 2 tuyến đê bối: Tuyến đê bối Hồng Hà, dài 5,2km, bao quanh 2 thôn; Tuyến đê bối Hồng Long, dài 5,8km, bao quanh 6 thôn. Đồng chí Chủ tịch UBND phường Thiên Trường Mai Hồng Diên cho biết: Thực hiện Công điện của UBND tỉnh về việc tập trung ứng phó bão số 3 và mưa lũ, Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự phường xây dựng phương án PCTT và TKCN để ứng phó; thành lập Đội xung kích PCTT gồm 70 người, Đội tuần tra canh gác đê mùa mưa bão.
Ngay trong ngày 21/7, Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự phường trực 24/24 giờ tại trụ sở UBND phường để triển khai nhiệm vụ chống bão, lũ tới các đơn vị, thôn, tổ dân phố. Tổ chức rà soát, sẵn sàng phương án sơ tán những hộ dân ở khu vực nguy hiểm (thôn Hồng Hà 1 và Hồng Hà 2, Hồng Phong 1, Hồng Phong 2), nhất là sơ tán người già, trẻ em, phụ nữ mang thai, người khuyết tật, di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm, đến nơi an toàn. Chỉ đạo Tổ thủy nông phường triển khai phương án tiêu nước đệm trong đồng, mở phai cầu Bơi, cống 6 cánh, cánh phai bể hút trạm bơm kênh sả T3-19; xây dựng các phương án tiêu úng cho 70ha hoa khu vực Hồng Hà, 28ha lúa và 65ha hoa khu vực Hồng Long. Chuẩn bị 10 nghìn bao tải, 2000 cây tre, 20 xe ô tô tải; giao cho mỗi hộ chuẩn bị 2 bao tải đất để sẵn ở nhà, huy động vận chuyển về nơi tập kết khi có lệnh.
Bác sĩ Nguyễn Thị Phòng, Trạm trưởng Trạm y tế phường cho biết: Trạm đã thành lập 3 tổ y tế cấp cứu cơ động và tại chỗ (gần 100 người), phân công đội ngũ y, bác sĩ trực tiếp tham gia cứu hộ, có kế hoạch phòng, chống dịch bệnh cho vùng bị úng lụt; có phương án khi phải chuyển nhiều người lên tuyến trên cấp cứu do hậu quả của bão, lũ gây ra. Phân công phụ trách các miền dân cư, tuyên truyền hướng dẫn cho nhân dân làm tốt công tác vệ sinh môi trường theo dõi và giám sát tình hình dịch bệnh, tổ chức cấp cứu. Chuẩn bị một số cơ số thuốc chữa trị các bệnh về đường ruột, cảm cúm, thuốc tiêm, thuốc uống, bông băng và một số thiết bị y tế cần thiết khác.

Lãnh đạo phường Nam Định kiểm tra các hộ dân sinh sống trong những ngôi nhà yếu, nguy hiểm tại phố Hoàng Văn Thụ.
Theo thống kê, rà soát, trên địa bàn phường Nam Định có 462 hộ đang sinh sống trong các căn nhà yếu, xuống cấp, có nguy cơ bị đổ sập. Đối với khu nhà ở cũ thuộc sở hữu Nhà nước, UBND phường đã lập phương án chủ động di dời đến nơi an toàn khi có tình huống xấu xảy ra. Theo đó, các hộ dân đang sinh sống trong các khu nhà cũ tại số 177, 181, 207 đường Hoàng Văn Thụ được di dời đến trụ sở Trạm Y tế phường Nguyễn Du (cũ); các hộ khác đều có phương án di dời tránh trú tạm tại nhà người thân, hàng xóm hoặc các điểm sơ tán tập trung theo phương án PCTT. Tính đến 15 giờ chiều 21/7, các hộ dân tại địa chỉ số 177, 181, 207 đường Hoàng Văn Thụ đã chấp hành phương án di dời đến nơi tránh trú an toàn. UBND phường yêu cầu các lực lượng theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão để quyết định thời gian di dời người dân tại khu vực nhà ở nguy hiểm khác đến nơi tránh trú để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân xong trước 19 giờ ngày 21/7.

Lãnh đạo UBND xã Hải Thịnh, Ban Quản lý Dự án chuyên ngành Nông nghiệp và PTNT Nam Định kiểm tra công tác phòng, chống bão số 3 tại kè Hải Thịnh 3.
Tại xã Hải Thịnh, đồng chí Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Long cho biết: Căn cứ hiện trạng đê, kè, cống, UBND xã xác định 5 trọng điểm PCTT năm 2025 và xây dựng phương án bảo vệ trọng điểm gồm: Cống 1/5: K5+968; Đê, kè Hải Thịnh 3; Vị trí đang thi công thuộc tuyến đê kè Hải Thịnh 2, Hải Thịnh 3; Vị trí đang thi công thuộc tuyến đê Gót Tràng. Đối với các vị trí đang thi công: Vật tư, phương tiện, trang thiết bị PCTT do đơn vị thi công đảm nhiệm theo phương án PCTT đã được các cơ quan chuyên môn xác nhận. Ngoài ra UBND xã cử cán bộ phối hợp với các đơn vị thi công để kiểm tra, theo dõi, phát hiện và xử lý kịp thời các tình huống phát sinh; sẵn sàng hỗ trợ nhân lực, vật tư, phương tiện khi cần thiết. Vật tư dự trữ của xã được chuẩn bị theo chỉ đạo của UBND huyện Hải Hậu trước đây đã giao chỉ tiêu cho các xã, thị trấn trước khi sáp nhập, cụ thể: 13.890 bao tải, 17.120 cọc tre, 12 xe vận tải, 8 xe khách. Hiện trong kho của UBND xã có trên 30 nghìn bao tải. Các vật tư còn lại đã được địa phương rà soát năng lực và ký kết hợp đồng cung ứng với các cơ sở kinh doanh trên địa bàn, đảm bảo luôn sẵn sàng huy động khi có tình huống xảy ra. Ngoài ra, địa phương đã rà soát, thống kê tất cả các cơ sở, hộ kinh doanh vật tư (bao tải, cọc tre luồng), phương tiện (xe tải, xe khách, máy xúc…) trên địa bàn để sẵn sàng huy động khi cần thiết. Trong tình huống cấp bách có thể khai thác rừng phi lao ven biển để làm cọc.

Kho vật tư phòng, chống chống bão của xã Hải Thịnh.
Với tinh thần chủ động, sẵn sàng ứng phó với bão số 3 Wipha, xã Giao Ninh đã chủ động phối hợp với Đồn Biên phòng Quất Lâm và Trạm Kiểm ngư Quất Lâm rà soát, kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú, di dời người dân tại các khu vực nguy hiểm, cũng như chuẩn bị lực lượng, phương tiện ứng trực nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão gây ra. Hiện toàn bộ 134 tàu, thuyền với 357 lao động thường xuyên tham gia khai thác trên biển của xã và 3 người trông coi nhà đầm, chòi canh đã vào nơi tránh trú an toàn. Qua rà soát, trên địa bàn xã có 282 trường hợp đối tượng và công trình dễ bị ảnh hưởng khi có bão xảy ra. Các cơ sở xóm, tổ dân phố có kế hoạch sơ tán người dễ bị tổn thương và người dân ra khỏi công trình không đảm bảo an toàn, khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, sạt lở, nhất là ở cửa sông và ven biển. Xã cũng xác định và lên phương án bảo vệ 3 trọng điểm là Đê Cổ Vạy, Khu du lịch Quất Lâm, tuyến đê tả sông Sò từ cầu Hà Lạn đến cống Thức Hóa. Hiện xã phối hợp với Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Xuân Thủy khoanh vùng, vận hành linh hoạt hệ thống công trình thủy lợi để tiêu thoát nước chống ngập úng do mưa lớn.

Ngư dân xã Giao Ninh chủ động neo tàu, chằng chống phương tiện tại khu neo đậu tàu tránh trú bão cửa Hà Lạn.
Ngay từ chiều 20/7, xã Giao Thủy đã thành lập đoàn công tác kiểm tra công tác phòng, chống bão số 3 tại các điểm xung yếu như Bến phà Cồn Nhất, bến đò ngang ông Tứu và khu nuôi trồng thủy sản tại tổ dân phố Thắng Lợi. Tại các nơi kiểm tra, đoàn đã thông tin diễn biến của bão, dự báo khả năng gây gió mạnh, mưa lớn, lũ lụt, ảnh hưởng trực tiếp khu vực ven sông Hồng. Đồng thời đề nghị Công ty TNHH vận tải thủy bộ Phà Cồn Nhất, chủ bến đò ngang ông Tửu ký cam kết chấp hành nghiêm quy định vận tải. Đặc biệt, yêu cầu Phà Cồn Nhất dừng hoạt động từ 16h ngày 20/7. Các bến phà, bến đò và chủ bãi vật liệu được yêu cầu di dời phương tiện, thiết bị lên nơi cao ráo, gia cố lán trại, không tập kết vật liệu tại khu vực dễ ngập. Đối với các hộ nuôi trồng thủy sản, chính quyền xã đề nghị chủ động vật tư, có phương án bảo vệ tài sản; người dân ở nhà tạm tại đầm phải sơ tán về nơi an toàn. Các biện pháp trên nhằm góp phần bảo vệ tính mạng và hạn chế thiệt hại tài sản cho nhân dân khi có tình huống bão, lũ xảy ra trên địa bàn.

Cống CT11- đê Bình Minh 3, xã Kim Đông một trong những điểm trọng yếu về phòng, chống thiên tai.
Là địa phương ven biển có địa hình bãi ngang rộng lớn, xã Kim Đông hiện đang quản lý gần 82km² diện tích tự nhiên với hơn 9.100 nhân khẩu, trong đó, có hơn 1.000 hộ dân đang hoạt động nuôi trồng thủy sản ở khu vực ngoài đê, nơi được đánh giá có nguy cơ chịu ảnh hưởng nặng nề nếu bão đổ bộ. Đồng chí Trần Đức Thuận, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Ngay khi nhận được Công điện của UBND tỉnh, xã đã thành lập Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự và đội xung kích PCTT. Từng cán bộ trong Thường trực Đảng ủy, HĐND, UBND xã đều được phân công phụ trách các địa bàn trọng điểm để trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra công tác phòng, chống bão. Các phương án di dân, cứu hộ cứu nạn và đảm bảo hậu cần đã được chuẩn bị sẵn sàng”.
Theo báo cáo nhanh: đến 16h ngày 20/7, xã đã chuẩn bị gần 3.000 bao tải, 2.000kg gạo, 2.000 bánh mì, mì tôm, lương khô và các dụng cụ cứu hộ như đèn pin, áo phao, máy phát điện… Đồng thời, đã thông báo cho toàn bộ 700 hộ dân ngoài đê sẵn sàng sơ tán khi có yêu cầu; 21 tàu thuyền đang hoạt động tại vùng biển cũng đã được hướng dẫn di chuyển về nơi neo đậu an toàn. Địa phương cũng đã thiết lập 9 chốt chặn tại các điểm xung yếu, thường xuyên cập nhật bản tin thời tiết để thông tin kịp thời đến người dân. Các xóm cũng được yêu cầu chuẩn bị đầy đủ công cụ, lương thực, nước uống từ 5-7 ngày để sẵn sàng ứng phó với tình huống xấu nhất. Cùng với đó, công tác phối hợp liên ngành được xã Kim Đông thực hiện chặt chẽ. Các biên bản ghi nhớ giữa UBND xã với các đơn vị như Đồn Biên phòng Kim Sơn, Giáo xứ Cồn Thoi, UBND xã Bình Minh đã được ký kết, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tổ chức di dân và hỗ trợ cứu hộ khi cần thiết.
Với tinh thần khẩn trương, chủ động, các địa phương trong tỉnh quyết tâm phòng, chống hiệu quả bão số 3, bảo đảm an toàn cho sản xuất, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra.