Các địa phương quyết liệt phòng, chống xâm nhập mặn
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn tỉnh Sóc Trăng, độ mặn đo được tại các sông, kênh đang ở mức độ cao, theo dự đoán trong tuần độ mặn sẽ ở mức từ 4,2 - 21‰ và tiếp tục sẽ tăng cao trong vài ngày tới. Chính vì vậy, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống mặn theo kế hoạch hàng năm cũng như thực hiện theo chỉ đạo của ngành nông nghiệp, UBND tỉnh, nhằm đảm bảo sản xuất nông nghiệp cho bà con nông dân khi mặn lên cao...
Trước tình hình xâm nhập mặn đang diễn biến phức tạp, chúng tôi đã đến một số địa phương trên địa bàn tỉnh để tìm hiểu về công tác ứng phó mặn của các địa phương, triển khai thực hiện để đảm bảo nguồn nước cung ứng cho cây trồng, vật nuôi.
Là huyện nằm ven theo tuyến sông Hậu, có hệ thống sông, kênh, rạch khá nhiều, kể cả gần biển nên huyện Long Phú (Sóc Trăng) chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nhất là hạn hán, xâm nhập mặn hàng năm trong các tháng mùa khô. Do đó, để kịp thời ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn, nhất là hiện nay tình hình mặn diễn ra gay gắt, UBND huyện Long Phú đã quyết liệt thực hiện các biện pháp công trình và phi công trình để phòng, chống hạn, mặn.
Theo Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Long Phú Lâm Văn Vũ, để ứng phó hạn, mặn, đơn vị đã triển khai nhanh các giải pháp như tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao năng lực và nhận thức trong cộng đồng về biến đổi khí hậu và nước biển dâng, về hạn, xâm nhập mặn và việc phòng, chống hạn, xâm nhập mặn. Theo dõi chặt chẽ diễn biến của hạn, xâm nhập mặn, nguồn nước trên các sông, rạch để điều tiết hợp lý các hệ thống công trình cũng như thông báo thời gian vận hành hệ thống cống, để người dân chủ động lấy và trữ nước phục vụ sản xuất. Đồng thời, đối với trồng trọt, khuyến cáo người dân xuống giống theo lịch thời vụ và sử dụng các giống cây trồng có khả năng chống chịu trong điều kiện khô hạn, xâm nhập mặn, khuyến cáo mức độ chịu mặn của một số cây trồng phổ biến để người dân biết và lấy nước tưới phù hợp, đặc biệt kiên quyết không để người dân sản xuất ở những khu vực có nguy cơ xâm nhập mặn do thiếu nước tưới.
Là hộ dân trồng cây vú sữa tím tứ quý, với diện tích lớn, cho trái quanh năm, có giá trị kinh tế cao nên việc bảo vệ vườn cây ăn trái khi độ mặn tăng cao là vấn đề ông Trần Anh Nhân, xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách (Sóc Trăng) đặc biệt quan tâm, bởi vườn vú sữa của ông cũng nằm cặp theo con sông Hậu. Ông Nhân thông tin, cây vú sữa tím tứ quý trồng tại hộ nếu độ mặn dưới 3‰, việc lấy nước tưới cho cây không bị ảnh hưởng nhưng nếu độ mặn lên cao hơn mức trên, thì ông sẽ sử dụng nguồn nước ngọt dự trữ trong các mương vườn trước đó để tưới cho cây. Bởi theo thông lệ hàng năm vào các tháng mùa khô, ông thường chủ động dự trữ nguồn nước ngọt để tưới cho cây trong các tháng thường xuất hiện tình trạng hạn, mặn và áp dụng hệ thống tưới phun tự động để tiết kiệm nước tưới.
TX. Ngã Năm (Sóc Trăng) cũng là địa phương chịu tác động của hạn, mặn những năm 2015 - 2016, làm thiệt hại đến nhiều diện tích lúa trên địa bàn thị xã, nhưng từ đầu năm 2021, khi có cống Âu thuyền Ninh Quới thì việc điều tiết nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhất là ngăn mặn được đảm bảo. Tuy nhiên, để đảm bảo mùa vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thị xã, trong những tháng mùa khô, trước tình hình độ mặn lên cao, Trưởng Phòng Kinh tế TX. Ngã Năm Hồng Minh Nhật chia sẻ, một số giải pháp địa phương ứng phó mặn là tiến hành khảo sát, kiểm tra hệ thống các công trình thủy lợi trên địa bàn để kịp thời duy tu, sửa chữa các công trình bị hư hỏng, xuống cấp và nạo vét hệ thống kênh, mương, đắp các đập tạm ngăn mặn, tận dụng tối đa nguồn nước, giảm thất thoát nguồn nước.
"Để bảo vệ việc sản xuất nông nghiệp của người dân trước tình hình độ mặn đang ở mức cao, đơn vị vận động người dân chủ động đắp đập, gia cố các bờ bao để ngăn mặn, nạo vét các kênh nội đồng trữ nước ngọt cũng như khuyến cáo người dân xuống giống theo đúng lịch thời vụ và phù hợp với khả năng đáp ứng nguồn nước của từng khu vực, sử dụng các giống gieo trồng thích nghi hạn, mặn, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác cây trồng trong điều kiện thiếu nước ngọt. Còn trong nuôi trồng thủy sản, hướng dẫn người dân bố trí thời vụ nuôi thủy sản theo tình hình thực tế xâm nhập mặn và về chăn nuôi gia súc, gia cầm, hướng dẫn người dân trữ thức ăn, nước uống cho đàn vật nuôi…" - đồng chí Hồng Minh Nhật thông tin thêm.