Các doanh nghiệp cần bình tĩnh trước thông tin Mỹ áp thuế cao đối với Việt Nam

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký Sắc lệnh hành pháp, áp dụng mức thuế tối thiểu và bổ sung lên 180 thị trường nhập khẩu. Trong đó, đối với riêng Việt Nam, mức thuế theo công bố là 46%, thuộc tốp cao thế giới. Thông tin trên khiến 'gây sốc' cho các doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp đang xuất khẩu sang thị trường này.

Mỹ là nước nhập khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ, Mỹ là thị trường nhập khẩu nhiều nhất trong 16,2 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Mỹ là nước nhập khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ, Mỹ là thị trường nhập khẩu nhiều nhất trong 16,2 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Mỹ là thị trường lớn đối với các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam

Theo số liệu báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường), năm 2024, Việt Nam xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản đạt 62,5 tỷ USD. Trong đó, xét thị trường theo quốc gia, Mỹ và Trung Quốc tiếp tục là hai thị trường lớn nhất của Việt Nam, với thị phần lần lượt là 21,7% và 21,6%.

Các thị trường này đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt là xuất khẩu sang Hoa Kỳ, với mức tăng lên đến 24,6%, và Trung Quốc tăng 11%.

Xét về các mặt hàng, Mỹ là nước nhập khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ, Mỹ là thị trường nhập khẩu nhiều nhất trong 16,2 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, chiếm thị phần 55,5%. Về thủy sản, Mỹ nhập khẩu 18,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu 10,07 tỷ USD.

Còn theo số liệu thống kê của Cục Hải quan, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 2/2025 đạt 1,03 tỷ USD, tăng 33,9% so với tháng 2/2024; trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 665,7 triệu USD, giảm 32,2% so với tháng 1/2025, nhưng tăng 38,9% so với tháng 2/2024.

Tính chung 2 tháng đầu năm 2025, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 2,45 tỷ USD, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2024; trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 1,65 tỷ USD, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2024.

Báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho thấy, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong 2 tháng đầu năm 2025 gặp nhiều thuận lợi, trị giá xuất khẩu tới các thị trường chính đều ghi nhận mức tăng trưởng tích cực. Dẫn đầu về trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ là thị trường Mỹ đạt 1,3 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2024.

Đánh giá về tác động của đợt thay đổi thuế quan lần này với ngành nông nghiệp, Thứ trưởng Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến cho rằng, mức thuế mới hiện nay của Mỹ, nông sản Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp. Mặc dù vậy lãnh đạo ngành nông nghiệp và môi trường khuyến cáo doanh nghiệp cần bình tĩnh phải “dĩ bất biến, ứng vạn biến” để ứng phó với những biến đổi của thị trường.

Thứ trưởng Tiến cũng cho biết: Trong cơ cấu thị trường nông sản của Việt Nam, năm 2024, Mỹ đóng góp 13,8 tỷ USD, đứng đầu, sau đó là Trung Quốc 13,6 tỷ USD, đứng thứ hai.

Cơ cấu này cho thấy lợi thế của chúng ta nghiêng về thị trường Mỹ. Nhưng khi nông sản Việt Nam vào Mỹ, chúng ta phải đối mặt với nhiều rào cản, như thuế chống bán phá giá, hay phải có tiêu chuẩn tương đương, và chúng ta đều vượt qua.

Thứ trưởng Nông nghiệp và Môi trường khuyến cáo giai đoạn này các doanh nghiệp cần bình tĩnh để ứng phó với những biến đổi của thị trường.

Thứ trưởng Nông nghiệp và Môi trường khuyến cáo giai đoạn này các doanh nghiệp cần bình tĩnh để ứng phó với những biến đổi của thị trường.

“Ở mức thuế mới hiện nay của Mỹ, nông sản Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp, nhưng chúng ta phải "dĩ bất biến, ứng vạn biến". Chúng ta phải tập trung chỉ đạo sản xuất, làm sao vừa nâng cao năng suất, chất lượng, vừa có thể hạ giá thành để cạnh tranh với các thị trường khác”, Thứ trưởng Tiến khẳng định.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định: Trong quá trình áp thuế, Việt Nam sẽ tiếp tục có ý kiến với các cơ quan quản lý của Mỹ.

“Hiện tại, Mỹ đang là đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam, ở vị trí hiện tại, tôi tin chúng ta sẽ có giải pháp phù hợp”, Thứ trưởng Tiến nói.

Các doanh nghiệp cần bình tĩnh để ứng phó biến đổi của thị trường

Thứ trưởng Tiến cũng nhấn mạnh các doanh nghiệp cần tập trung vào các nhóm giải pháp về khoa học công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đạt được tiêu chí, tiêu chuẩn, quy chuẩn của thị trường trong nước. Đồng thời, cũng cần mở rộng thị trường xuất khẩu, không để phụ thuộc vào một thị trường khác.

“Chúng ta có thể khai thác nhiều thị trường thí dụ thị trường Trung Quốc với 1,4 tỷ dân đứng thứ hai trong thị trường nhập khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam. Nếu khai thác tốt, Việt Nam còn nhiều mặt hàng có thể xuất sang Trung Quốc, đặc biệt những sản phẩm đã ký nghị định thư như sầu riêng đông lạnh, thủy sản, cá sấu...

Ngoài ra, thị trường châu Âu, cũng là thị trường lớn, chiếm tới 44%. Như vậy chúng ta vừa phải thúc đẩy sản xuất, vừa phải mở rộng các thị trường tiềm năng”, Thứ trưởng Tiến nói.

Đối với mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu đối với ngành nông nghiệp trong năm nay, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết: Vừa rồi Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã họp về mục tiêu tăng trưởng là 4% trong năm 2025. Hết quý I chúng ta dự kiến đạt 3,69%. Trong các quý, thường quý II tăng cao hơn quý I, quý IV tăng hơn quý III. Mục tiêu tăng trưởng chúng ta đặt ra trong quý I là 3,7%, chúng ta đã đạt xấp xỉ.

Thứ nữa, mục tiêu xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm nay là 64-65 tỷ USD, ngay khi quý I kết thúc chúng ta đã đạt 15,7 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, nếu như có tác động từ thị trường Mỹ, chúng ta sẽ phải bàn xem cần tổ chức thực hiện tại các ngành, lĩnh vực thế nào.

Đối với thủy sản được coi là mặt hàng chịu tác động nặng nề và trực tiếp khi Mỹ tăng thuế, Thứ trưởng cho biết cần xem lại cơ cấu từng ngành hàng, thí dụ hai ngành trọng điểm là cá tra, tôm.

“Tôm Việt Nam có sản lượng 1,3 triệu tấn mỗi năm, có thể xuất khẩu mang về 4,3 tỷ USD, trong khi cá tra sở hữu năng suất dẫn đầu thế giới với sản lượng 1,65 triệu tấn, giá trị trên 2 tỷ USD. Với ngành tôm, chúng ta phải làm rõ xem cần làm mới động lực từ ngành này thế nào, để cạnh tranh được với Ấn Độ, với Ecuador. Còn cá tra, mình có lợi thế rồi, thì phát huy lợi thế như thế nào”, Thứ trưởng Tiến nhấn mạnh.

Đối với tôm, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Môi trường nhấn mạnh cần phải mổ xẻ cặn kẽ, để bảo đảm Mỹ vẫn công nhận tương đương với sản phẩm tôm, khi hai năm gần đây Mỹ sang kiểm tra, tôm Việt Nam luôn bảo đảm chất lượng.

Các diện tích nuôi tôm phải chuyển sang nuôi thâm canh thay vì quảng canh để tăng năng suất, phải bảo đảm con giống, tăng tỷ lệ sống của con giống, đầu ra có độ đồng đều cao. Các lô hàng xuất đi cần lưu ý vấn đề kim loại nặng, vi sinh vật, kháng sinh, phải hạn chế mức tối đa để chúng ta duy trì được thị trường.

“Còn hệ thống giống cá tra cũng phải hoàn thiện. Mỗi năm Đồng bằng sông Cửu Long cần 4,5 tỷ con giống cá tra, trong khi Việt Nam mới nghiên cứu được 2 dòng cá tra, và khâu nghiên cứu giống còn trục trặc.

Tóm lại, mỗi đối tượng có điểm nghẽn riêng, cần phải khơi thông. Một là phải nâng cao năng lực, hai là chủ động hội nhập, ba là nâng cao sản lượng, từ đó đóng góp vào mục tiêu xuất khẩu 65 tỷ USD của năm nay và các năm tiếp theo”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

THANH TRÀ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/cac-doanh-nghiep-can-binh-tinh-truoc-thong-tin-my-ap-thue-cao-doi-voi-viet-nam-post869846.html