Tác động của cú sốc thuế đối ứng 46% đến 3 khía cạnh kinh tế chính của Việt Nam

Theo MBS, thuế đối ứng 46% của Mỹ sẽ làm giảm sức cạnh tranh của các mặt hàng Việt Nam vào Mỹ, ảnh hưởng đến dòng vốn FDI và tỷ giá sẽ phải chịu sức ép do Việt Nam cần phải tăng cường nhập khẩu từ Mỹ.

Trong báo cáo phân tích mới đây, Chứng khoán MBS cho biết, ngày 2/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố mức thuế đối ứng đối với các quốc gia trên thế giới, theo đó thuế suất 10% sẽ được áp dụng lên tất cả các mặt hàng nhập khẩu vào Mỹ (hiệu lực từ ngày 5/4) và mức thuế quan cao hơn đối với các quốc gia có thặng dư thương mại lớn với Mỹ (có hiệu lực từ ngày 9/4).

Trước đó, ông Trump đã nhiều lần nhấn mạnh rằng mức thuế đối ứng phản ánh các rào cản thương mại mà các nước này đã áp đặt lên hàng hóa Mỹ trong suốt thời gian qua, cũng như bao hàm cả yếu tố thao túng tiền tệ. Theo đó, Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia chịu mức thuế nhập khẩu cao nhất, lên đến 46%.

Mỹ áp thuế đối ứng 46% gây ra 3 tác động kinh tế chính.

Mỹ áp thuế đối ứng 46% gây ra 3 tác động kinh tế chính.

MBS chỉ ra rằng, trái với nhiều dự đoán trước đó, chính quyền Mỹ đương nhiệm đã lựa chọn cách tính thuế đối ứng dựa trên mức thâm hụt thương mại giữa các nước, thay vì căn cứ vào thuế quan mà đối tác áp dụng lên hàng hóa của Mỹ. Ví dụ, cán cân thương mại giữa Việt Nam và Mỹ đạt khoảng 124 tỷ USD, chiếm 90% tổng kim ngạch thương mại, từ đó dẫn đến việc áp dụng mức thuế 46% đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam – tương đương với một nửa tỷ lệ thâm hụt thương mại.

MBS nhận định mức thuế đối ứng cao sẽ gây tác động tiêu cực lên ba khía cạnh kinh tế chính. Thứ nhất, mức thuế cao làm giảm sức cạnh tranh của các mặt hàng trọng điểm của Việt Nam khi thâm nhập thị trường Mỹ như máy móc thiết bị, linh kiện điện tử, điện thoại, cùng các sản phẩm may mặc, da giày. Trong khi đó, các đối thủ như Trung Quốc (34%), Ấn Độ (26%) và Thái Lan (37%) có mức thuế ưu đãi hơn đáng kể. Thứ hai, Việt Nam – quốc gia chịu thuế đối ứng cao nhất trong khu vực Đông Nam Á – có thể mất đi sức hút đối với dòng vốn FDI sản xuất đang dịch chuyển theo chiến lược "Trung Quốc +1." Thứ ba, áp lực lên tỷ giá sẽ tăng, khi Việt Nam phải tăng cường nhập khẩu từ Mỹ nhằm giảm bớt thặng dư thương mại với quốc gia này.

Hiện tại, mức thuế suất cụ thể đối với từng mặt hàng vẫn chưa được công bố. Tuy nhiên, MBS cho rằng tác động đối với các ngành nghề sản xuất sẽ khác nhau, phụ thuộc vào tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ cũng như sự cạnh tranh trong cùng phân khúc. Đồng thời, một số mặt hàng còn được hưởng ưu đãi mức thuế cam kết theo Hiệp định Thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ, có hiệu lực từ tháng 12/2001.

Do đó, MBS khẳng định rằng các ngành dệt may, thủy sản, đồ gỗ, bất động sản khu công nghiệp và logistics sẽ chịu áp lực tiêu cực nặng nề nhất, trong khi các ngành như cao su, giấy, dây cáp điện chỉ bị ảnh hưởng ở mức trung bình do xuất khẩu sang Mỹ không chiếm tỷ trọng lớn. Ngược lại, ngành sắt thép không bị tác động vì không nằm trong danh sách sản phẩm chịu thuế đối ứng.

H.A

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/tac-dong-cua-cu-soc-thue-doi-ung-46-den-3-khia-canh-kinh-te-chinh-cua-viet-nam-97647.html