Các doanh nghiệp FDI phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch

Báo cáo chỉ số PCI năm 2023 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố cho thấy, năm 2023 chứng kiến dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tăng mạnh. Nhưng khảo sát doanh nghiệp cũng cho thấy, các doanh nghiệp FDI thường gặp những khó khăn liên quan đến chính sách, quy định và thủ tục liên thuế.

Năm 2023 tổng vốn FDI đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần đạt con số ấn tượng, gần 36,61 tỷ USD, tăng 32,1% so với năm 2022. Dòng vốn FDI tăng mạnh đến từ 3.188 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong năm, trong đó vốn đầu tư vào các dự án trong lĩnh vực chế biến và sản xuất đạt tới 23,5 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 64,2% trong tổng vốn FDI.

Về quy mô đầu tư, Singapore, Nhật Bản và Hồng Kông vẫn duy trì vị trí nổi bật trong khi Trung Quốc dẫn đầu về số lượng dự án FDI cấp mới và tăng vốn.

Các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam ghi nhận sự phục hồi vững chắc sau đại dịch Covid-19. Tỷ lệ doanh nghiệp FDI tuyển thêm lao động tăng từ 55,8% năm 2022 lên 59,91% năm 2023. Tình hình kinh doanh của doanh nghiệp FDI có sự cải thiện khá khả quan; tỷ lệ doanh nghiệp FDI báo lãi trong năm 2023 tăng nhẹ lên mức 46,5%, tỷ lệ doanh nghiệp báo lỗ giảm xuống 42,3%.

Tuy nhiên, mức độ lạc quan về triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp FDI có sự giảm sút, khi tỷ lệ doanh nghiệp dự kiến mở rộng sản xuất kinh doanh trong hai năm tiếp theo chỉ là 26%. Con số này phản ánh tâm lý thận trọng hơn của các doanh nghiệp FDI trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khó đoán định hiện nay.

Trong năm 2023, Việt Nam có những bước tiến quan trọng trong quan hệ với các đối tác lớn. Việc Việt Nam và Hoa Kỳ nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện sẽ góp phần quan trọng tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là các lĩnh vực công nghệ cao.

(Ảnh minh họa: BT)

(Ảnh minh họa: BT)

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Nhật Bản và Việt Nam cũng đã chính thức nâng cấp mối quan hệ hai nước lên “Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới”, thể hiện rõ hai bên cùng quan tâm đẩy mạnh hơn nữa hợp tác kinh tế, tập trung vào các lĩnh vực công nghệ tiên tiến, chuyển đổi xanh và số hóa.

Bên cạnh đó, các hoạt động đầu tư từ Trung Quốc đã tăng mạnh trong những năm gần đây, do nhu cầu đa dạng hóa chuỗi cung ứng trong bối cảnh căng thẳng thương mại toàn cầu. Năm 2023, Việt Nam và Trung Quốc cũng đã nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.

Các doanh nghiệp Hoa Kỳ chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực như bán buôn/bán lẻ, thông tin và truyền thông, hành chính và dịch vụ hỗ trợ. Với gần một nửa số doanh nghiệp Hoa Kỳ đặt trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh, có thể thấy doanh nghiệp đến từ quốc gia này ưu tiên hoạt động trong các nhóm ngành yêu cầu lao động có tay nghề và trình độ cao.

Các doanh nghiệp FDI đến từ Trung Quốc, chiếm 7,9% mẫu khảo sát, thường có quy mô lao động lớn và đa dạng hơn; một bộ phận lớn doanh nghiệp Trung Quốc có trên 200 lao động. Địa điểm đầu tư của doanh nghiệp Trung Quốc phân tán trên cả nước song có sự tập trung hơn ở một số địa phương ở miền Bắc nơi có nhiều khu công nghiệp mới và có lợi thế về khoảng cách địa lý gần và chi phí hoạt động cạnh tranh hơn.

Trong khi đó, các doanh nghiệp Nhật Bản tham gia nhiều hơn trong các lĩnh vực yêu cầu kỹ năng cao như hành chính và dịch vụ hỗ trợ, thông tin và truyền thông. Doanh nghiệp đến từ Nhật Bản gặp nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng nhân sự, đặc biệt đối với các vị trí kỹ thuật (22%) và quản lý giám sát (36%).

Các doanh nghiệp Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản đều có những khó khăn riêng trong quá trình sản xuất kinh doanh tại các địa phương. Các doanh nghiệp Hoa Kỳ thường gặp những khó khăn liên quan đến chính sách và quy định (22% doanh nghiệp), thực hiện thủ tục hành chính (16%).

Trong khi đó, khó khăn lớn nhất trong nhiều năm với doanh nghiệp Nhật Bản là các thủ tục hành chính liên quan đến thuế. Có khoảng 72% doanh nghiệp Nhật Bản gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục hoàn thuế, cao hơn đáng kể so với mức 42% của doanh nghiệp đến từ các quốc gia khác. Quyết toán thuế cũng là khó khăn lớn của doanh nghiệp Nhật Bản với 58% doanh nghiệp phản ánh.

Trong khi đó, doanh nghiệp Trung Quốc cho biết ít gặp khó khăn về chính sách, quy định (9%) và thực hiện thủ tục hành chính (5%). Tuy nhiên, biến động thị trường và tìm kiếm khách hàng là những khó khăn lớn của doanh nghiệp Trung Quốc với tỷ lệ lần lượt là 38% và 44%.

Các chuyên gia của VCCI đã khuyến nghị các chính sách cụ thể trong năm 2024 và những năm tới, đó là để tận dụng các cơ hội mang lại từ sự chuyển dịch trong chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, quy định, cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là các thủ tục liên quan đến thuế, phòng cháy chữa cháy, xuất nhập khẩu và môi trường, đồng thời đẩy mạnh việc tạo điều kiện kết nối giữa các nhà đầu tư nước ngoài với các đối tác, khách hàng trong nước.

Bên cạnh đó, việc xây dựng và thực hiện các chính sách hiệu quả hơn là điều cần thiết để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực địa phương. Đặc biệt, cần chú trọng đến việc đào tạo lao động có kỹ năng chuyên môn kỹ thuật cao, để từng bước chuyển dịch cơ cấu lao động trong nước từ chủ yếu dựa vào lợi thế cạnh tranh từ nguồn nhân công giá rẻ sang lực lượng lao động có trình độ cao trong nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài chất lượng cao vào Việt Nam.

Bảo Thoa

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/cac-doanh-nghiep-fdi-phuc-hoi-manh-me-sau-dai-dich-170523.html