Các doanh nghiệp muốn rời Nga: Đi không được, ở lại cũng không xong

Rời đi thì tài sản bị chính phủ Nga quốc hữu hóa, ở lại thì hứng đòn trừng phạt từ phương Tây - các doanh nghiệp nước ngoài muốn rời Nga đang ở thế tiến thoái lưỡng nan.

Trung tâm thương mại Evropeisky ở thủ đô Moscow đã từng là biểu tượng của một nước Nga hội nhập vào nền kinh tế tiêu dùng toàn cầu, theo hãng tin AP.

Tuy nhiên, hiện nơi này đã trở nên yên ắng sau khi các thương hiệu phương Tây từ Apple đến Victoria’s Secret đóng cửa hoạt động tại Nga, sau khi Tổng thống Vladimir Putin phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Tương tự, hàng trăm công ty đã công bố kế hoạch cắt đứt quan hệ với Nga. Tốc độ rút lui khỏi thị trường Nga tăng nhanh hơn sau khi Kiev cáo buộc Moscow khiến cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Ukraine trở nên tồi tệ hơn và sau khi các chính phủ phương Tây áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế.

Công ty dầu khí BP đã từ bỏ khoản đầu tư hàng tỉ USD sau khi phương Tây áp đặt cấm vận lên Nga. Ảnh:

Công ty dầu khí BP đã từ bỏ khoản đầu tư hàng tỉ USD sau khi phương Tây áp đặt cấm vận lên Nga. Ảnh:

Ngày 10-3, ông Putin nói rằng nếu các công ty nước ngoài ngừng làm ăn ở Nga, ông ủng hộ kế hoạch "đưa ban quản lý bên ngoài vào và sau đó chuyển giao các công ty này cho những người muốn làm việc".

Dự thảo luật nói trên có thể cho phép các tòa án Nga bổ nhiệm người quản lý vào các công ty có 25% vốn nước ngoài và đã ngừng hoạt động ở Nga.

Nếu các chủ sở hữu từ chối tiếp tục kinh doanh, cổ phiếu của công ty có thể bị bán đấu giá, đảng Nước Nga Thống nhất gọi đây là "bước đầu tiên để quốc hữu hóa".

Ông Chris Weafer - thành viên công ty tư vấn Macro-Advisory cho biết chính phủ Nga "đang áp dụng cách tiếp cận cây cà rốt và cây gậy đối với hoạt động kinh doanh nước ngoài".

Trong đó, Nga sẽ giúp đỡ các doanh nghiệp ở lại, và quốc hữu hóa các doanh nghiệp rời đi". Theo ông Weafer, lý do chính là điện Kremlin muốn tránh tình trạng thất nghiệp hàng loạt.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki đã chỉ trích "bất kỳ quyết định vô luật pháp nào của Nga nhằm chiếm đoạt tài sản của các công ty này". Bà nói rằng nó "cuối cùng sẽ dẫn đến hậu quả kinh tế thậm chí còn gây ra nhiều đau đớn hơn cho Nga"

Bà nói trong một bài đăng trên Twitter: "Nó sẽ tạo nên thông điệp rõ ràng cho cộng đồng doanh nghiệp toàn cầu rằng Nga không phải là nơi an toàn để đầu tư và kinh doanh".

Apple đã dừng bán các sản phẩm ở thị trường Nga. Ảnh: REUTERS

Apple đã dừng bán các sản phẩm ở thị trường Nga. Ảnh: REUTERS

Từ trước khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, Nga đã nỗ lực nội địa hóa nguồn cung cấp thực phẩm của mình nhằm trụ vững trước các lệnh trừng phạt mà Liên minh châu Âu áp đặt vào năm 2014. Với việc nhập khẩu ít hoặc không có thực phẩm tươi sống từ các đối tác thương mại châu Âu, Nga tập trung nhiều hơn vào thực phẩm trong nước và nhập khẩu từ các quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ.

Các công ty như tập đoàn thực phẩm khổng lồ Danone của Pháp dù đang tạm ngừng đầu tư vốn vào Nga, nhưng vẫn tiếp tục sản xuất ở đó. Tuy nhiên, việc giữ các doanh nghiệp hoạt động ở Nga, ngay cả khi có sự can thiệp của chính phủ, cũng vẫn sẽ không dễ dàng, theo ông Weafer.

Đó là vì các điều kiện khiến các công ty nước ngoài muốn rút khỏi Nga vẫn còn đó: Các lệnh trừng phạt quốc tế, môi lo ngại chuỗi cung ứng bị gián đoạn, và áp lực từ các khách hàng ở châu Âu và Bắc Mỹ.

Ngành công nghiệp ô tô đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng do nó phụ thuộc vào các thiết bị điện tử do nước ngoài sản xuất. Ngay cả những công ty đã ở lại Nga như nhà sản xuất ô tô Pháp Renault cũng đã phải tạm ngừng sản xuất.

Nếu không có hàng nhập khẩu, các doanh nghiệp sản xuất đồ nội thất như Ikea hoặc nhiều nhà bán lẻ thời trang không thể hoạt động và có khả năng sẽ phải rời khỏi thị trường Nga hoàn toàn, theo ông Weafer.

KHÁNH NHƯ

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/cac-doanh-nghiep-muon-roi-nga-di-khong-duoc-o-lai-cung-khong-xong-1048183.html