Các doanh nghiệp Nhà nước thu 1,65 triệu tỷ đồng năm qua
Doanh thu ước thực hiện năm 2023 của khối doanh nghiệp Nhà nước đạt 1,65 triệu tỷ đồng. Trong đó, riêng 19 tập đoàn, tổng công ty và Viettel đóng góp 1,3 triệu tỷ đồng.
Tại Hội nghị gặp mặt đầu xuân các doanh nghiệp Nhà nước tiêu biểu trên toàn quốc với Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các đại biểu tập trung đánh giá tình hình liên quan phát triển doanh nghiệp Nhà nước, những thuận lợi và khó khăn hiện nay cũng như các giải pháp để khai thác hiệu quả tài sản, nguồn vốn đang có tại các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, vấn đề tái cấu trúc các doanh nghiệp Nhà nước về 3 nội dung lớn (quản trị, con người, bộ máy; sử dụng nguồn vốn; chuỗi cung ứng, các nguyên liệu đầu vào) cũng được người đứng đầu Chính phủ quan tâm.
Phân tích thêm về nội dung này, Thủ tướng lấy ví dụ về việc tích cực trao đổi với các đối tác liên quan của Nhật Bản và Kuwait để đi đến thống nhất các nội dung tái cấu trúc dự án nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn dù đã đầu tư hơn 9 tỷ USD nhưng đến nay vẫn lỗ lũy kế lớn.
Khối doanh nghiệp Nhà nước lãi 125.800 tỷ đồng
Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết doanh thu ước thực hiện năm 2023 của khối doanh nghiệp Nhà nước đạt 1,65 triệu tỷ đồng, vượt 4% kế hoạch năm 2023. Trong đó, doanh thu của riêng 19 tập đoàn, tổng công ty và Viettel đạt hơn 1,3 triệu tỷ đồng, chiếm gần 80% tổng doanh thu của toàn bộ khối.
Lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp Nhà nước khoảng 125.800 tỷ đồng, vượt 8% kế hoạch năm. Mức đóng góp ngân sách ước đạt 166.000 tỷ đồng, vượt 8% kế hoạch năm.
Bộ trưởng cho biết trong năm 2023, các doanh nghiệp Nhà nước đã tập trung thực hiện các dự án đầu tư đảm bảo tiến độ, hiệu quả, tiết kiệm theo kế hoạch được duyệt. Riêng 19 tập đoàn, tổng công ty có tổng vốn đầu tư giải ngân ước đạt 161.000 tỷ đồng, đạt gần 80% kế hoạch được giao.
Nhiều dự án trọng điểm được đẩy nhanh tiến độ triển khai có thể kể đến Dự án Nhà máy Điện Nhơn Trạch 3, 4; Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; Dự án mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây...
Doanh nghiệp Nhà nước ngày càng thể hiện vai trò dẫn dắt, chi phối, chủ đạo trong những ngành, lĩnh vực quan trọng, thiết yếu của nền kinh tế; góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, đóng góp thiết thực vào xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Tuy nhiên, hoạt động của khu vực doanh nghiệp Nhà nước còn bộc lộ một số hạn chế như chưa phát huy hết hiệu quả nguồn lực, vốn, tài sản Nhà nước giao; giải ngân vốn đầu tư cả năm 2023 chưa đạt kế hoạch đề ra; một số doanh nghiệp còn thua lỗ; năng lực cạnh tranh, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số còn hạn chế; công tác đổi mới quản trị doanh nghiệp còn chậm, chưa tiệm cận với các nguyên tắc và thông lệ quốc tế tốt.
Ngoài ra, tỷ trọng nguồn vốn đầu tư vào các ngành, lĩnh vực quan trọng, thiết yếu chưa đạt yêu cầu; chưa có các dự án đầu tư phát triển quy mô đủ lớn để tạo động lực bứt phá, sức lan tỏa, tạo ra động lực mới cho tăng trưởng, nhất là trong các lĩnh vực mới như sản xuất năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, công nghệ cao.
Giải pháp cho doanh nghiệp Nhà nước chủ động phát triển
Để các doanh nghiệp Nhà nước phát huy hết tiềm năng, nguồn lực, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng các bộ ngành, địa phương cần khẩn trương thực hiện nhiệm vụ được giao tại các Nghị quyết của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng; đẩy nhanh tiến độ xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm thủ tục hành chính.
Bên cạnh đó, cần hoàn thành trình Quốc hội, Chính phủ ban hành các cơ chế chính sách về đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu Nhà nước; các cơ chế, chính sách đặc thù để các doanh nghiệp Nhà nước quy mô lớn thực hiện vai trò mở đường dẫn dắt trong các ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, tháo gỡ triệt để các vướng mắc về cơ chế pháp lý đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển của doanh nghiệp Nhà nước.
Các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần khẩn trương trình Chính phủ ban hành các Nghị định hướng dẫn chi tiết Luật Đất đai.
Riêng Bộ Tài chính cần khẩn trương hoàn thiện việc xây dựng Luật sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật 69) theo hướng có giải pháp cho doanh nghiệp Nhà nước chủ động phát triển trong môi trường cạnh tranh; khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ sửa đổi các Nghị định hướng dẫn Luật 69/2014/QH13, trong đó, tập trung nghiên cứu tháo gỡ vướng mắc trong việc thoái vốn tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ là công ty đại chúng đang thua lỗ...
Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ khẩn trương triển khai các nhiệm vụ như hoàn thiện trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 10/2019/NĐ-CP nhằm đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tạo tính linh hoạt, chủ động trong hoạt động của các cơ quan đại diện chủ sở hữu và doanh nghiệp Nhà nước.
Bên cạnh đó, Bộ cũng phấn đấu hoàn thiện trình Chính phủ Đề án “Xây dựng cơ chế, chính sách hình thành và phát triển doanh nghiệp dân tộc nhằm phát huy vai trò tiên phong trong một số ngành, lĩnh vực mới nổi, có lợi thế cạnh tranh nhằm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ”.
Đồng thời, hoàn thiện trình Chính phủ ban hành Nghị định về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược, hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước đầu tư vào một số ngành, lĩnh vực mới nổi theo hướng chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, các lĩnh vực tạo động lực mới cho tăng trưởng.