Các đối tượng nên bổ sung vi chất?
Vi chất là những dưỡng chất thiết yếu giúp duy trì sức khỏe và phát triển toàn diện, tuy nhiên không phải ai cũng là đối tượng cần bổ sung. Vậy những nhóm người nào cần đặc biệt chú ý đến việc bổ sung vi chất?
Vi chất có vai trò gì với sức khỏe?
Vi chất dinh dưỡng là những thành phần thiết yếu bao gồm các loại vitamin như A, D, E, K, nhóm vitamin B và vitamin C, cùng với các khoáng chất quan trọng như sắt, kẽm, iốt, canxi, magie, selenium... Mặc dù chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong khẩu phần ăn hàng ngày, vi chất lại đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với sức khỏe con người.
Một trong những chức năng nổi bật của vi chất là tăng cường hệ miễn dịch, giúp cơ thể phòng chống các bệnh nhiễm trùng hiệu quả. Đặc biệt, vi chất còn góp phần quan trọng trong sự phát triển thể chất và trí tuệ, nhất là đối với trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai.

Vi chất đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với sức khỏe
Ngoài ra, các loại vi chất này còn hỗ trợ quá trình chuyển hóa và tạo năng lượng, giúp cơ thể duy trì các hoạt động hàng ngày một cách ổn định và khỏe mạnh. Không những thế, vi chất còn đóng vai trò then chốt trong việc phòng chống nhiều bệnh mãn tính như loãng xương, thiếu máu do thiếu sắt, suy giảm thị lực liên quan đến thiếu vitamin A và nhiều vấn đề sức khỏe khác.
Chính vì vậy, việc đảm bảo cung cấp đầy đủ vi chất dinh dưỡng thông qua chế độ ăn đa dạng, cân đối là yếu tố then chốt giúp nâng cao sức khỏe cộng đồng và phát triển bền vững.
Những đối tượng nên bổ sung vi chất
Vi chất dinh dưỡng đóng vai trò thiết yếu đối với sức khỏe con người, tuy nhiên không phải ai cũng cần bổ sung vi chất giống nhau. Dưới đây là các nhóm đối tượng cần đặc biệt lưu ý bổ sung vi chất nhằm phòng ngừa thiếu hụt và duy trì sức khỏe.
Phụ nữ mang thai và cho con bú là nhóm dễ bị thiếu vi chất nhất. Theo báo cáo của Bộ Y tế năm 2024, phụ nữ mang thai có nguy cơ thiếu sắt, acid folic, vitamin D và canxi rất cao. Thiếu sắt trong thai kỳ dẫn đến thiếu máu, tăng nguy cơ sinh non và trẻ sinh ra nhẹ cân. Số liệu từ Viện Dinh dưỡng Quốc gia năm 2023 cho thấy khoảng 38% phụ nữ mang thai ở Việt Nam bị thiếu máu do thiếu sắt. Do đó, việc bổ sung viên sắt và acid folic ít nhất từ 3 tháng trước khi mang thai và duy trì suốt thai kỳ được khuyến cáo. Bên cạnh đó, bổ sung canxi từ tháng thứ 4 của thai kỳ cũng rất quan trọng để phòng ngừa tiền sản giật và các vấn đề loãng xương sau sinh.
Trẻ em dưới 5 tuổi là nhóm đối tượng đặc biệt cần được chú trọng bổ sung vi chất dinh dưỡng. Trong giai đoạn phát triển nhanh về thể chất và trí não, trẻ dễ bị thiếu hụt các vi chất quan trọng như vitamin A, sắt và kẽm.
Theo Kết quả Tổng điều tra Dinh dưỡng 2019-2020, tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở nhóm trẻ 6-59 tháng tuổi trên cả nước giảm xuống ở mức YNCĐ nhẹ (9,5%), tỷ lệ này vẫn cao nhất ở khu vực Miền núi phía Bắc (13,8%) và Tây nguyên (11,0%). Tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở trẻ em 5-9 tuổi (4,9%) ở mức nhẹ về ý nghĩa sức khỏe cộng đồng theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới.

Phụ nữ mang thai, cho con bú và trẻ em dưới 5 tuổi là nhóm dễ bị thiếu vi chất (Ảnh Thành Long)
Trên toàn quốc, tỷ lệ thiếu kẽm ở trẻ em 6-59 tháng tuổi giảm xuống 58,0%, nhưng vẫn ở mức ý nghĩa sức khỏe cộng đồng nặng theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới. Tỷ lệ này vẫn còn rất cao đối với trẻ em 6-59 tháng tuổi ở miền núi phía Bắc (67,7%) và Tây Nguyên (66,6%).
Để ứng phó với tình trạng này, chương trình bổ sung vitamin A định kỳ cho trẻ từ 6 tháng đến 35 tháng tuổi đã được triển khai rộng rãi tại Việt Nam, với hai đợt bổ sung miễn phí mỗi năm vào các tháng 6 và 12. Bên cạnh vitamin A, việc bổ sung kẽm trong các đợt tiêu chảy cũng được khuyến cáo nhằm hỗ trợ tăng cường hồi phục sức khỏe cho trẻ. Việc bổ sung vi chất cho trẻ nhỏ được các chuyên gia y tế đánh giá là biện pháp thiết yếu để bảo vệ sức khỏe và phát triển toàn diện cho thế hệ tương lai.
Người cao tuổi cũng là nhóm dễ bị thiếu hụt vi chất do quá trình hấp thu dưỡng chất suy giảm theo tuổi tác. Nghiên cứu năm 2024 tại Việt Nam cho thấy khoảng 40% người cao tuổi bị thiếu vitamin D, làm tăng nguy cơ loãng xương, gãy xương. Bổ sung vitamin D và canxi là cần thiết để duy trì sức khỏe xương khớp. Ngoài ra, vitamin B12 cũng cần thiết nhằm phòng ngừa các bệnh về thần kinh và thiếu máu thường gặp ở người cao tuổi.
Những người có chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt hoặc hấp thu kém như người ăn chay trường, ăn kiêng giảm cân quá mức hoặc người mắc bệnh về đường ruột như viêm đại tràng, celiac, viêm Crohn, cũng cần chú ý bổ sung vi chất. Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia (2023), khoảng 15% người ăn chay trường có nguy cơ thiếu vitamin B12 và sắt do hạn chế nguồn thực phẩm động vật. Người bệnh lý đường ruột thường gặp khó khăn trong hấp thu dưỡng chất, nên được tư vấn bổ sung vi chất phù hợp dưới sự hướng dẫn chuyên môn.
Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản nhưng chưa mang thai cũng có nguy cơ thiếu sắt cao do chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng gây mất máu. Do đó, bổ sung viên sắt khi có chỉ định hoặc đảm bảo chế độ ăn giàu sắt từ thịt, cá, rau xanh là rất cần thiết.

Nên bổ sung vi chất khi được chỉ định.
Các lưu ý khi bổ sung vi chất
Việc bổ sung vi chất cần được thực hiện đúng liều lượng và đúng đối tượng để tránh gây hại cho cơ thể. Người dân không nên tự ý mua thuốc bổ hoặc viên uống vitamin khi chưa có chỉ định của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng, vì có thể dẫn đến thừa vi chất, gây ngộ độc vitamin A, D hoặc sắt.
Ưu tiên bổ sung vi chất qua các loại thực phẩm tươi, đa dạng như rau xanh, hoa quả, cá, trứng, sữa để đảm bảo hấp thu tự nhiên và an toàn. Đặc biệt, các nhóm đối tượng có nguy cơ cao nên đi khám sức khỏe định kỳ và làm xét nghiệm máu để phát hiện thiếu hay thừa vi chất, từ đó được tư vấn bổ sung phù hợp.
Việc nhận biết rõ nhóm đối tượng cần bổ sung vi chất và thực hiện đúng cách sẽ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và sức khỏe cộng đồng một cách bền vững.
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cac-doi-tuong-nen-bo-sung-vi-chat-169250701094031022.htm