Các đơn vị chưa hoạt động đúng nghĩa là 'chuyên trách chống tham nhũng'
Các báo cáo thống nhất nhận định, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, năm 2019, tham nhũng đã từng bước được kiềm chế, qua đó tiếp tục khẳng định quyết tâm chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng nhìn chung vẫn chưa đáp ứng yêu cầu.
Ngày 12-9, tiếp tục chương trình nghị sự phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã nghe và thảo luận các báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2019,
Các báo cáo thống nhất nhận định, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, năm 2019, tham nhũng đã từng bước được kiềm chế, qua đó tiếp tục khẳng định quyết tâm chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta.
Đáng lưu ý, liên quan đến công tác kiện toàn tổ chức, đẩy mạnh hoạt động của các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng, các báo cáo nhận định, các đơn vị chuyên trách về chống tham nhũng tại Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao (VKSNDTC) tiếp tục phát huy vai trò trong công tác PCTN.
Cục Phòng, chống tham nhũng - Thanh tra Chính phủ (Cục 4) tập trung thực hiện các nhiệm vụ tham mưu về công tác quản lý nhà nước trong PCTN, tiến hành một số hoạt động thanh tra nhằm phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng; Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu - Bộ Công an (C03) tiến hành khởi tố mới 2 vụ/24 bị can, thụ lý, giải quyết 10 vụ/50 bị can, trong đó tập trung điều tra, xử lý các vụ án nghiêm trọng, phức tạp do Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án tham nhũng, chức vụ - VKSNDTC (Vụ 5) tiếp tục thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ do Ban Chỉ đạo giao…
Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng nhìn chung vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Số vụ việc, vụ án tham nhũng do các cơ quan này phát hiện, điều tra, truy tố còn ít.
Qua thẩm tra các báo cáo của Chính phủ, VKSNDTC…, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nhận định, đơn vị chuyên trách chống tham nhũng của Thanh tra Chính phủ (Cục 4) cần tăng cường hơn việc tham mưu cho Chính phủ trong hoạch định, thực hiện chính sách, pháp luật về PCTN; tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong thực hiện pháp luật về PCTN.
Phân tích rõ những chồng chéo, bất hợp lý trong công tác đấu tranh PCTN hiện nay, báo cáo thẩm tra nêu rõ: “Đơn vị chuyên trách chống tham nhũng của Bộ Công an (C03) bên cạnh chức năng điều tra tội phạm về tham nhũng thì còn được giao điều tra tội phạm về kinh tế, buôn lậu, trong khi việc điều tra nhiều vụ án tham nhũng khác lại được giao cho cơ quan khác thực hiện. Cơ quan chuyên trách chống tham nhũng của VKSNDTC (Vụ 5) bên cạnh việc thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án tham nhũng còn thực hiện nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án chức vụ. Tình hình trên đã dẫn đến việc các đơn vị này không còn đúng nghĩa là đơn vị chuyên trách chống tham nhũng như yêu cầu đặt ra của Luật PCTN khi quy định việc thành lập các đơn vị này”.
Do đó, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, VKSNDTC cần tổng kết, rà soát lại chức năng, nhiệm vụ và đánh giá hiệu quả hoạt động, tìm ra những nguyên nhân của hạn chế, vướng mắc trong hoạt động để điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, bảo đảm phát huy được vai trò nòng cốt trong PCTN của các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng.
Đáng lưu ý, việc để xảy ra tham nhũng ngay trong chính các cơ quan có chức năng chống tham nhũng, các cơ quan bảo vệ pháp luật thời gian qua cũng làm ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả công tác đấu tranh PCTN, làm giảm niềm tin của nhân dân đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật là vấn đề cần được Chính phủ, VKSNDTC, TAND Tối cao đánh giá đúng về thực trạng và có giải pháp khắc phục.
Theo Báo cáo số 145/BC-VKSTC, trong năm qua, VKSNDTC đã khởi tố 15 vụ án tham nhũng trong hoạt động tư pháp (tăng 54,5% so với cùng kỳ).