Chịu trách nhiệm trước Thủ tướng nếu không 'tiêu' hết vốn chương trình phục hồi KT-XH

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa có công điện hỏa tốc về việc đẩy mạnh giải ngân cho các dự án thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đề nghị các đơn vị chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng trong trường hợp chậm trễ, không giải ngân hết vốn.

Quốc hội đã cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước bố trí cho các dự án thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đến hết ngày 31/12/2024. Như vậy, chỉ còn 5 tháng để các bộ, cơ quan trung ương, địa phương thực hiện giải ngân toàn bộ vốn của chương trình. Tỷ lệ giải ngân đã đạt hơn 78%.

Bộ trưởng KH&ĐT đề nghị người đứng đầu các cơ quan, địa phương tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các dự án. Đồng thời, các đơn vị phải báo cáo, làm rõ tình hình phân bổ, giải ngân dự kiến đến hết năm.

“Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng trong trường hợp chậm trễ, không giải ngân hết số vốn thuộc chương trình”, Bộ trưởng KH&ĐT nêu rõ.

Bộ KH&Đ vừa có công điện hỏa tốc về việc đẩy mạnh giải ngân các dự án thuộc chương trình phục hồi.

Bộ KH&Đ vừa có công điện hỏa tốc về việc đẩy mạnh giải ngân các dự án thuộc chương trình phục hồi.

Về giải ngân đầu tư công, Bộ KH&ĐT cho biết, đến hết tháng 7, tỷ lệ thực hiện đạt gần 35% kế hoạch, giảm so với cùng kỳ năm trước (37,8% kế hoạch). Cả nước còn 33 bộ, cơ quan trung ương và 25 địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp hơn trung bình của cả nước.

Các bộ ngành, địa phương có số vốn kế hoạch năm 2024 chiếm tỷ trọng lớn, tuy nhiên tỷ lệ giải ngân thấp, gồm: Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Y tế, TPHCM, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Dương, Quảng Ngãi. 15 bộ, cơ quan trung ương và 33 địa phương có số vốn giải ngân thấp hơn kết quả của chính mình trong cùng kỳ năm 2023.

Nhiều đơn vị cũng không duy trì được kết quả giải ngân tốt như cùng kỳ năm trước. Các địa phương được giao kế hoạch năm 2024 cao hơn năm 2023 nhưng giá trị giải ngân lại thấp hơn đáng kể, như: TPHCM (thấp hơn 4.604 tỷ đồng), Quảng Ngãi (thấp hơn 1.510 tỷ đồng); Hải Phòng (thấp hơn 1.476 tỷ đồng); Bắc Giang (thấp hơn 1.097 tỷ đồng); Đồng Nai (thấp hơn 839 tỷ đồng).

Một số dự án được giao kế hoạch vốn năm 2024 lớn nhưng có tỷ lệ giải ngân thấp như: Dự án Vành đai 3 - TPHCM, dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh…

Các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài cũng chỉ đạt tỷ lệ giải ngân 12%.

Việt Linh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/cac-don-vi-phai-chiu-trach-nhiem-truoc-thu-tuong-viec-cham-tieu-tien-post1662031.tpo