Các dự án cao tốc miền Tây: 'Lụt' tiến độ vì 'đói' cát

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có 4 dự án đường cao tốc là công trình giao thông trọng điểm quốc gia đang được triển khai, gồm: Cần Thơ - Cà Mau, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Cao Lãnh - An Hữu, Mỹ An - Cao Lãnh với tổng chiều dài 355km, tổng vốn đầu tư hơn 82.800 tỷ đồng. Để xây dựng các tuyến đường này, nhu cầu cát đắp nền khoảng 53,68 triệu m3, nhưng đến nay, nhiều dự án rơi vào cảnh nằm chờ cát, chậm tiến độ.

Bài 1: Máy móc phơi sương, công trường vắng vẻ

Sau hơn 9 tháng khởi công, dự án cao tốc Bắc Nam đoạn Cần Thơ – Cà Mau dài 110km gần như đã có mặt bằng sạch toàn tuyến, nhưng tiến độ thi công không như mong đợi. Nhiều vị trí công trường tập kết máy móc nhưng im ắng, thưa vắng công nhân. Nguyên nhân chính là thiếu cát đắp nền.

Hoang vắng, im lìm

Đầu tháng 9, tại công trường nút giao IC3 cao tốc Cần Thơ - Cà Mau giao với quốc lộ 1A (huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang), một nhóm công nhân lái máy xúc đang nạo vét bùn đất quanh khu vực xây dựng cầu vượt qua quốc lộ. Nhiều móng cầu vượt đã hình thành, trong khi một số vị trí móng khác đang được đóng cọc. Không khí có vẻ sôi động, nhưng cách đó chỉ khoảng trăm mét, khuôn đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, vốn đã được giải phóng mặt bằng từ lâu, nay trở thành ao nước, cỏ dại mọc um tùm, hoang vắng, im lìm.

Thi công cầu vượt qua quốc lộ 1 tại nút giao IC3 cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Ảnh: Cảnh Kỳ

Thi công cầu vượt qua quốc lộ 1 tại nút giao IC3 cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Ảnh: Cảnh Kỳ

Tại công trường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đoạn qua xã Đông Phước A (huyện Châu Thành, Hậu Giang) cũng chỉ đang thi công khu vực giao với đường dân sinh, còn mặt bằng đường cao tốc vẫn trong cảnh đìu hiu. Theo ghi nhận của phóng viên Tiền Phong, khuôn đường đã được lót lớp vải kỹ thuật. Sau những cơn mưa lớn dài ngày, nhiều vị trí ngập nước. Anh Tuấn, một người dân có nhà sát khu vực khuôn đường cao tốc, cho biết, chưa thấy máy móc vào triển khai. Khu vực gần nhà anh thời gian qua có bơm được một ít cát lấp nền, nhưng chưa đủ để làm đầy khuôn đường. Anh Tuấn bày tỏ, người dân gặp nhiều bất tiện trong di chuyển, sinh hoạt do mặt đường đã giải phóng mặt bằng phục vụ cho dự án cao tốc.

Tại nút giao cao tốc Cần Thơ - Cà Mau (IC2) ở phường Tân Phú (quận Cái Răng, TP Cần Thơ), khuôn đường cao tốc dù đã được phủ một lớp cát khá dày, nhưng vẫn chưa đủ để nhô cao hơn so với vườn cây hai bên. Máy xúc, máy lu cùng một số vật liệu ở khuôn đường cao tốc nằm bất động. Tại nút giao cao tốc Cần Thơ - Cà Mau với quốc lộ Nam sông Hậu (quận Cái Răng, TP Cần Thơ), công trường thi công cũng im lìm. Một số máy móc thi công công trình được để dưới hố bùn, ngập nước. Trao đổi với phóng viên, một công nhân tại công trường thi công cao tốc Cần Thơ - Cà Mau nói rằng, vài tháng qua, do thiếu cát nên công việc không nhiều. “Anh em công nhân cũng được điều chuyển qua các công trình khác để tránh lãng phí nguồn lực”, anh này cho biết.

Khuôn đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đoạn qua xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang nằm chờ cát. Ảnh: Cảnh Kỳ

Khuôn đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đoạn qua xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang nằm chờ cát. Ảnh: Cảnh Kỳ

Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở đoạn cao tốc Cần Thơ - Cà Mau qua tỉnh Cà Mau. Từng dỡ nhà để đáp ứng mặt bằng phục vụ thi công công trình, nhưng đã qua nhiều tháng, ông Phạm Văn Tính (xã Tân Phú, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) “vẫn chưa thấy họ thi công gì cả”. “Nếu không thiếu cát thì mấy tháng nay đã bơm vô tới đây rồi. Đoạn này chỉ cần khoảng 500 khối nhưng nhiều tháng nay có đâu. Cả đoạn dài cỡ 2km nhưng mới chỉ lót bạt được hơn phân nửa, còn lại chỉ mới đắp được hai bên bờ”, ông Tính nói. Theo người dân nơi đây, cứ cách khoảng 1 - 2 tháng mới có đơn vị thi công xuống làm…

Thiếu cát, chậm tiến độ

Ông Lê Văn Tư (xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) cho biết, khi có thông tin dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đi qua, được chính quyền vận động, hiểu được giá trị của dự án nên bà con có đất bị ảnh hưởng sẵn sàng bàn giao mặt bằng cho dự án. “Ở đây gần nút giao đấu nối lên cao tốc nên người dân rất phấn khởi vì sau này đi lại thuận tiện hơn, nhưng nhiều tháng nay chỉ thấy đổ cọc, đúc trụ làm cầu, còn lại đường sá chưa thấy gì”, ông Tư chia sẻ.

Đại diện Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Châu Thành (tỉnh Hậu Giang) cho biết, dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau qua địa bàn huyện có 377 hộ dân bị ảnh hưởng. Huyện đã rất cố gắng thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất sớm bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư. Tuy nhiên, khi nhiệm vụ của địa phương và người dân hoàn thành, mặt bằng được bàn giao thì dự án lại gặp khó…

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Hải Bắc (Ban điều hành nhà thầu Trường Sơn Nam, Tổng Công ty Trường Sơn), đại diện nhà thầu chính thi công cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, cho hay, công tác đào hữu cơ trên toàn tuyến đã cơ bản hoàn thành, các cầu trên tuyến cũng đang được thi công bình thường, mặt bằng cơ bản đã được bàn giao gần như liền mạch, chỉ còn vướng một vài hộ rải rác. “Khó khăn, vướng mắc lớn nhất vẫn là không có cát để đắp nền đường. Máy móc, con người đã huy động đến nhưng phải nằm chờ… Có cát sẽ tiến hành san lấp, lu lèn, bấc thấm… Nói chung chỉ chờ cát”, ông Bắc nói.

Máy móc nằm phơi sương tại công trường khu vực điểm giao cao tốc với đường Nam Sông Hậu (quận Cái Răng, TP Cần Thơ)

Máy móc nằm phơi sương tại công trường khu vực điểm giao cao tốc với đường Nam Sông Hậu (quận Cái Răng, TP Cần Thơ)

Mới đây, tại cuộc làm việc của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về vật liệu thi công cao tốc ở các tỉnh vùng ĐBSCL, ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ GTVT), chủ đầu tư dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, cho biết, tiến độ thi công toàn tuyến hiện đạt khoảng 9%. Dự án cần tổng cộng 18,1 triệu m3 cát, tuy nhiên, đến nay lượng cát được các tỉnh bố trí cho những dự án này mới chỉ khoảng 1,47 triệu m3, đạt 8% so với nhu cầu. Trong đó, tỉnh Đồng Tháp giao 400.000 m3 từ nguồn tăng 50% công suất, đã được nhà thầu tiếp nhận hết. Tỉnh này cũng giới thiệu thêm 5 mỏ cát khác và hiện các đơn vị thi công đang triển khai thủ tục để tiếp nhận. Còn tại An Giang tuy bố trí được 1,1 triệu m3 thông qua các mỏ nhưng mới lấy được 100.000 m3 thì phải dừng lại vì vướng điều tra, thanh tra…

Theo ông Thi, khó khăn lớn nhất là giải quyết nguồn vật liệu để đắp nền, tiến độ dự án đang chậm khoảng 3 tháng. Theo chỉ đạo của Bộ GTVT, thời gian này, các đơn vị tập trung thi công đường công vụ dọc theo tuyến và các công trình cầu, đặc biệt là cầu lớn để tăng sản lượng giải ngân.

Vùng ĐBSCL có 4 dự án đường cao tốc là công trình giao thông trọng điểm quốc gia đang được triển khai gồm: Cần Thơ - Cà Mau, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Cao Lãnh - An Hữu, Mỹ An - Cao Lãnh, tổng chiều dài 355km. Để xây dựng các tuyến đường này, nhu cầu cát đắp nền khoảng 53,68 triệu m3. Riêng tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cần Thơ - Cà Mau có chiều dài hơn 110km cần 18,1 triệu m3.

Đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP Cần Thơ (chủ đầu tư dự án thành phần 2 thuộc dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng) cho biết, dự án cần khoảng 5 triệu m3 cát đắp nền. Hồi đầu năm, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo An Giang bố trí cho Cần Thơ và Hậu Giang hai mỏ cát nhưng đến nay chưa được bàn giao. Hiện đơn vị thi công đang đào khuôn đường, lót vải địa kỹ thuật, trong 1-2 tháng tới sẽ cần nguồn cát đắp nền rất lớn.

Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh cho hay, địa phương được giao làm chủ đầu tư dự án thành phần 3 dự án cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng. Hiện gói thầu số 1 đã khởi công, đơn vị thi công đang đào khuôn đường; gói thầu số 2 chủ đầu tư đang hoàn thiện hồ sơ để khởi công trong tháng 9. “Khó khăn của tỉnh hiện nay là nguồn cát thi công. Hiện tỉnh đã đăng ký làm việc với tỉnh An Giang về giải pháp khai thác cát phục vụ thi công dự án”, ông Thanh nói.

Nhóm PV ĐBSCL

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/cac-du-an-cao-toc-mien-tay-lut-tien-do-vi-doi-cat-post1568529.tpo