Các giải pháp gỡ khó, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép

Ngày 15/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng (VLXD).

Thủ tướng chỉ đạo các nhiệm vụ, giải pháp căn cơ, toàn diện và hiệu quả để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh ngành VLXD. Ảnh: VGP

Thủ tướng chỉ đạo các nhiệm vụ, giải pháp căn cơ, toàn diện và hiệu quả để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh ngành VLXD. Ảnh: VGP

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh

Hội nghị đã nghe các ý kiến phát biểu tâm huyết, sâu sắc, sát thực tiễn của đại biểu, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp.

Hoạt động sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép, VLXD thời gian qua đã đạt những kết quả rất đáng trân trọng, mang lại hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Sản lượng xi măng, gạch ốp lát thuộc nhóm tốp đầu trên thế giới. Sản xuất thép thô của Việt Nam hiện đứng thứ 13 trên thế giới và đứng đầu khu vực ASEAN. Trình độ công nghệ, tổ chức sản xuất, kinh doanh, môi trường của ngành công nghiệp VLXD Việt Nam đứng tốp đầu trong các nước ASEAN. Chất lượng VLXD Việt Nam bảo đảm đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.

Tổng giá trị doanh thu hằng năm ngành VLXD xi măng, sắt thép ước đạt gần 47 tỷ USD, chiếm khoảng 11 % GDP quốc gia. Các nhà máy VLXD, xi măng, sắt thép Việt Nam ngày càng được đầu tư bài bản, đáp ứng nhu cầu xây dựng trong nước và một phần xuất khẩu, khắc phục tình trạng thiếu VLXD, xi măng, sắt thép trong xây dựng thời kỳ trước năm 2010.

Các đại biểu đã tập trung đánh giá, phân tích kỹ lưỡng tình hình sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và VLXD thời gian qua; thống nhất đánh giá về những kết quả đạt được; thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân, như về sản xuất, tiêu thụ trong nước, xuất khẩu, tài chính; đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá, vai trò, trách nhiệm cụ thể của các cấp, các ngành trong giải quyết các điểm nghẽn để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhằm thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ, phát triển bền vững ngành xi măng, sắt thép VLXD tại Việt Nam.

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính cơ bản nhất trí với báo cáo, các đề xuất kiến nghị tại Hội nghị, giao Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương tiếp thu những ý kiến của các đại biểu, sớm hoàn thiện và ban hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh ngành VLXD.

Thủ tướng chỉ rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, mà trước hết là nhóm các giải pháp chung.

Theo đó, phải rà soát, tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội phải chủ động, linh hoạt, vận dụng sáng tạo chủ trương, đường lối chính sách, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, theo dõi sát, tăng cường năng lực dự báo các yếu tố tác động trong và ngoài nước để có các phương án chủ động ứng phó một cách kịp thời nhằm hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh xi măng, sắt thép, VLXD ổn định sản xuất và mở rộng thị trường.

Đẩy mạnh đầu tư công, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, nông thôn, các công trình quốc phòng, an ninh; công trình biển và hải đảo phục vụ phát triển kinh tế biển; các công trình ứng phó biến đổi khí hậu.

Tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, nhà ở: Đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023; tiếp tục thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả các giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Tăng cường triển khai Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, nhà ở công nhân trong khu công nghiệp và các chương trình, dự án xây dựng nhà ở khác. "Đây là giải pháp căn cơ, toàn diện, nhân văn, có hiệu quả ngay, tạo đồng thuận cao trong xã hội và trong nhân dân", Thủ tướng nói.

Cùng với đó, tăng tỉ lệ lựa chọn phương án sử dụng cầu cạn bê tông cốt thép đối với các dự án đường bộ cao tốc, đặc biệt là ở những vùng có yêu cầu thoát lũ, vùng đất yếu và những vùng thiếu vật liệu đắp nền đường như vùng Đồng bằng sông Cửu Long; tăng cường sử dụng công nghệ gia cố đất bằng xi măng trong xây dựng đường bộ để nâng cao chất lượng, tuổi thọ đường, đồng thời sử dụng nguồn xi măng trong nước. Tăng cường sử dụng đường bê tông xi măng cho xây dựng đường nông thôn, miền núi và đường tại những vùng thường xuyên ngập lụt.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn để giảm giá thành, nâng năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm; chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái; có rào cản kỹ thuật để giảm nhập khẩu, nâng cao chất lượng, tạo cạnh tranh tốt hơn.

Ảnh: Thép Hòa Phát

Ảnh: Thép Hòa Phát

Tái cấu trúc quản trị, tài chính, đầu tư và nguyên liệu đầu vào

Về các giải pháp cụ thể đối với doanh nghiệp, Thủ tướng đề nghị tái cấu trúc quản trị, tài chính, đầu tư và nguyên liệu đầu vào để nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính cạnh tranh của sản phẩm.

Cụ thể, đầu tư nâng cấp, cải tạo chiều sâu đối với công nghệ, thiết bị của các nhà máy sản xuất VLXD hiện có để tiết giảm chi phí sản xuất, tiết kiệm năng lượng, tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, giảm phát thải. Đầu tư các hệ thống phát điện tận dụng nhiệt dư trong sản xuất các sản phẩm VLXD, đặc biệt là trong các nhà máy sản xuất clinke và xi măng, để sử dụng cho sản xuất, tiết giảm chi phí điện năng. Đầu tư sử dụng rác thải để thay thế nhiên liệu đốt, sử dụng phế thải công nghiệp để thay thế nguyên liệu tài nguyên thiên nhiên để giảm chi phí nguyên, nhiên liệu trong sản xuất, hạ giá thành sản phẩm. Đầu tư các trạm nghiền xi măng tại các vùng thuận tiện về giao thông, cảng biển, có nguồn khoáng sản phụ gia làm xi măng, có nguồn phát thải tro, xỉ, thạch cao,…

Về sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm VLXD, phù hợp các loại hình công trình xây dựng, điều kiện khí hậu khác nhau, đáp ứng nhu cầu thị trường. Rà soát, cắt giảm chi phí sản xuất đối với nguyên liệu, nhiên liệu than, điện, dầu, khí đốt. Vận dụng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, đổi mới, áp dụng công nghệ sản xuất và phương thức quản lý hiện đại, nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành sản phẩm.

Áp dụng các giải pháp nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng trong sản xuất, tận dụng các nguồn nhiên liệu giá rẻ từ phế thải từ các ngành khác để hạ chi phí sản xuất. Sản xuất VLXD, đặc biệt là clinke, xi măng, kết hợp giải pháp đồng xử lý rác thải công nghiệp, sinh hoạt để bảo vệ môi trường.

Về công tác quản trị và thị trường, tăng cường tiêu thụ VLXD trong nước thông qua triển khai tại các dự án lớn, dự án đầu tư công, công trình xây dựng thủy lợi, phòng chống thiên tai,… cũng như các hộ dân xây dựng, sửa chữa nhà ở đô thị và nông thôn.

Rà soát lại hệ thống đại lý bán hàng; cắt giảm các bộ phận, các khâu trung gian từ nhà máy sản xuất tới khách hàng tiêu thụ sản phẩm; rà soát tiết giảm các chi phí bán hàng phù hợp. Tìm kiếm, mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm VLXD với nhiều nước trên thế giới. Các doanh nghiệp VLXD, đặc biệt là xi măng bảo đảm cạnh tranh lành mạnh với giá bán linh hoạt, phù hợp.

Về tài chính, cơ cấu lại nguồn vốn, tiết giảm chi phí để bảo đảm dòng tiền trả nợ ngân hàng và chi phí nguyên, nhiên liệu đầu vào, nhân công và các chi phí khác trong sản xuất. Sử dụng linh hoạt nguồn vốn, nguyên tắc là không sử dụng các nguồn vốn ngắn hạn để đầu tư vào danh mục đầu tư trung và dài hạn. Chủ động trao đổi với các ngân hàng để khoanh, giãn nợ và có kế hoạch, lộ trình trả nợ để bảo đảm an toàn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Sử dụng các nguồn vốn để thanh toán các khoản vay cũ lãi suất cao và vay các khoản vay mới lãi suất thấp để tiết giảm chi phí tài chính.

Ngọc Châu

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/cac-giai-phap-go-kho-thuc-day-san-xuat-tieu-thu-xi-mang-sat-thep.html