Các hãng ô tô điện Trung Quốc gặp thách thức về chi phí và người tiêu dùng ở châu Âu
Vượt qua các đối thủ nước ngoài để dẫn đầu về doanh số bán hàng trong nước, các nhà sản xuất ô tô điện Trung Quốc đang tiến đến châu Âu với một loạt thách thức mới.
Định kiến về việc sản xuất tại Trung Quốc, chi phí nhập khẩu và thị trường ô tô điện ở châu Âu kém phát triển là một số vấn đề mà các thương hiệu Trung Quốc như BYD, Nio, MG, XPeng sẽ phải vượt qua để phát triển mạnh tại lục địa già. Dù vậy, các công ty sản xuất ô tô điện Trung Quốc đã có khởi đầu đầy hứa hẹn ở châu Âu.
Trong số các ô tô điện mới được bán ở châu Âu năm nay, 8% do các thương hiệu Trung Quốc sản xuất, tăng từ 6% vào 2022 và 4% vào 2021, theo công ty tư vấn ô tô Inovev.
Còn nhiều mẫu ô tô điện nữa sắp ra mắt. Ít nhất 11 mẫu ô tô điện mới, dành cho thị trường đại chúng và được các công ty Trung Quốc sản xuất, sẽ ra mắt tại châu Âu vào năm 2025, theo một nghiên cứu của hãng Allianz.
Các nhà sản xuất ô tô điện phương Tây đang lo lắng. Carlos Tavares, Giám đốc điều hành hãng sản xuất ô tô Stellantis (công ty mẹ của Abarth, Alfa Romeo, Chrysler, Citroen, Dodge, DS Automobiles, Fiat, Jeep, Lancia, Maserati, Opel, Peugeot, Ram và Vauxhall), đã cảnh báo về một "cuộc xâm nhập" của ô tô điện giá rẻ Trung Quốc ở châu Âu.
Thế nhưng, Stellantis cũng đang chiến đấu bằng cách tung ra hàng loạt mẫu ô tô điện mới và có kế hoạch cắt giảm chi phí sản xuất cũng như giá cả. Vì vậy, những thương hiệu Trung Quốc sẽ phải hoạt động hiệu quả để bán thêm được nhiều ô tô điện ở châu Âu.
Tại cuộc họp báo vào tuần trước ở Bắc Kinh (thủ đô Trung Quốc), Chen Shihua - Phó tổng thư ký Hiệp hội sản xuất ô tô Trung Quốc đã cảnh báo các thành viên của hiệp hội có thể dàn trải quá mỏng trong kế hoạch mở rộng của họ.
Chen Shihua cho biết: "Việc các nhà sản xuất ô tô của chúng tôi vươn ra toàn cầu không hề suôn sẻ. Chúng ta nên chú ý đến những rủi ro... Các công ty có thể đang dàn trải quá mỏng, lấn sân sang mọi khu vực mà không có trọng tâm rõ ràng".
Tăng thêm chi phí
Hội nghị phương tiện năng lượng mới của các nhà sản xuất ô tô điện Trung Quốc sẽ diễn ra tại Munich (thành phố Đức) vào tháng 9 tới như một phần của triển lãm thương mại ô tô IAA của Đức. Đây là lần đầu tiên hội nghị của các nhà sản xuất ô tô điện Trung Quốc được tổ chức ở nước ngoài và là dấu hiệu cho thấy tham vọng của họ.
Lợi thế quan trọng của họ nằm ở mức giá. Theo các nhà nghiên cứu tại hãng Jato Dynamics, giá trung bình một chiếc ô tô điện tại Trung Quốc là dưới 32.000 euro (35.000 USD) trong nửa đầu năm 2022 so với khoảng 56.000 euro ở châu Âu.
Thế nhưng, các thương hiệu Trung Quốc có thể gặp khó khăn trong việc bán ô tô điện ở châu Âu với giá rẻ như tại quê nhà.
Spiros Fotinos, Giám đốc điều hành Zeekr (Trung Quốc) ở châu Âu, cho biết: “Logistics, thuế bán hàng, thuế nhập khẩu và đáp ứng các yêu cầu chứng nhận châu Âu đều làm tăng thêm chi phí”. Zeekr thuộc sở hữu của Geely.
MG (thương hiệu ô tô điện Trung Quốc bán chạy nhất ở châu Âu) nói thách thức lớn nhất của họ là đưa ô tô từ Trung Quốc đến các địa điểm phân phối ở châu Âu thông qua các cảng quá tải với thời gian giao hàng kéo dài.
Alexander Klose, Giám đốc người nước ngoài của công ty khởi nghiệp ô tô điện Aiways (Trung Quốc), nói các sở thích tại châu Âu, chẳng hạn như pin lớn để cung cấp năng lượng cho các chuyến đi dài hơn, cũng có thể làm tăng thêm chi phí.
Tạo dựng lòng tin
Trong khi một số thương hiệu Trung Quốc, chẳng hạn như MG, nổi tiếng ở châu Âu, một số hãng khác như XPeng và Nio cần tạo dựng lòng tin.
Một số cuộc khảo sát cho thấy hầu hết những người mua ô tô điện tiềm năng ở châu Âu không nhận ra các thương hiệu Trung Quốc. Những người nhận ra các thương hiệu này cũng do dự khi mua ô tô điện Trung Quốc, gợi nhớ đến cuộc đấu tranh kéo dài hàng thập kỷ của các hãng ô tô Nhật Bản và Hàn Quốc để giành được lòng tin và thích nghi với thị hiếu của người tiêu dùng châu Âu.
Theo cuộc khảo sát của hãng YouGov vào năm 2022, chỉ 14% trong số 1.629 người tiêu dùng Đức biết đến BYD, nhà sản xuất ô tô điện lớn thứ hai thế giới sau Tesla. Tổng cộng 17% đã nghe nói về thương hiệu cao cấp Nio, trong khi 10% biết đến Lynk & Co của Geely và 8% biết XPeng.
Trong số 95% người tiêu dùng biết đến Tesla, 10% sẽ cân nhắc mua ô tô điện hãng này như chiếc xe tiếp theo của họ, theo cuộc khảo sát từ YouGo. Trong số những người biết về các thương hiệu Trung Quốc, 1% hoặc ít hơn sẽ cân nhắc mua một chiếc ô tô điện của nước này.
Aiways cho biết đã quyết định không quảng cáo nguồn gốc Trung Quốc của mình do lo ngại rằng người tiêu dùng ở châu Âu sẽ do dự khi mua các sản phẩm do quốc gia châu Á sản xuất.
Một số nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đã được xếp hạng an toàn 5 sao theo tiêu chuẩn của châu Âu, vượt xa các yêu cầu pháp lý để cố gắng loại bỏ những nghi ngờ từ khách hàng.
Spiros Fotinos cho biết sẽ tìm cách chiếm được lòng tin của người tiêu dùng thông qua các buổi lái thử ô tô điện và phòng trưng bày, nơi người ở châu Âu có thể trực tiếp đánh giá chất lượng xe của họ.
"Sự thật về chất lượng sản phẩm và tính năng sẽ được tiết lộ khi khách hàng tiếp xúc trực tiếp với nó. So với một ô tô điện châu Âu tương tự mà họ đã quen thuộc, chất lượng và thông số kỹ thuật cao hơn nhiều từ sản phẩm của chúng tôi sẽ khiến họ bất ngờ", Spiros Fotinos nói.
GAC Motor, hãng bán ô tô điện lớn thứ ba ở Trung Quốc, đã mở một văn phòng thiết kế ở thành phố Milan (Ý) để nắm bắt sở thích của người tiêu dùng trước khi chuyển sang bán hàng.
"Cách duy nhất để vượt qua định kiến đó là chấp nhận sự cạnh tranh", Alexander Klose của Aiways nói.