Các hãng ô tô tìm cách giúp thời gian chờ sạc xe điện trở nên 'dễ thở'
Hiện nay, một trong những mối quan ngại hàng đầu của người tiêu dùng khi tiếp cận các loại xe điện nói chung và ô tô điện nói riêng chính là lãng phí thời gian chờ đợi tại các trạm sạc.
Khác với xe xăng nạp đầy nhiên liệu chỉ mất vài phút, thời gian sạc cho xe điện thường kéo dài. Ngay cả khi không cần sạc đầy hoàn toàn, thời gian sạc nhanh (phổ biến từ 20-30% dung lượng pin tới 80% dung lượng pin) cũng mất nhiều giờ đồng hồ. Trong khi đó, để sạc đầy hoàn toàn, việc chờ trên 10 tiếng là điều khá phổ biến, nhất là với các mẫu xe có phạm vi hoạt động lớn.
Sự phiền toái càng gia tăng khi yếu tố bất lợi xuất hiện, các cổng sạc kín chỗ, thời tiết nắng nóng, thời gian về đêm muộn, trạm sạc ở xa, hoặc hệ thống sạc không có công suất đủ mạnh khiến thời gian sạc kéo dài đáng kể…. Thực tế sử dụng, những chiếc xe trong khi chờ sạc cũng đã ghi nhận không ít rủi ro ngoài mong muốn, như bị mất trộm. Tất cả những bất cập này không chỉ khiến trải nghiệm xe điện trở nên tồi tệ, mà còn trở thành rào cản lớn đối với việc phát triển xe điện như một giải pháp giao thông thân thiện môi trường cho các đô thị.
Thực tế, nghiên cứu của Forbes đối với các chủ xe điện trong năm 2022 đã chỉ ra rằng, 62% người được hỏi cho biết họ cảm thấy lo lắng về vấn đề phạm vi hoạt động khi đưa xe điện ra khỏi nhà. Nghiên cứu cùng năm của công ty tư vấn Arthur D Little (Mỹ) ghi nhận, chỉ 15% người được hỏi có thể chờ trong 21-30 phút và chỉ 10% sẵn sàng chờ trên 30 phút. Trong khi đó, có tới 52,4% người được hỏi đều cho biết nguyên nhân chính khiến họ rời các trạm sạc mà không sạc xe là vì phải chờ đợi quá lâu.
Để giải quyết thực trạng trên, nhất là trong bối cảnh doanh số các loại xe điện chạy pin ngày càng tăng mạnh, các nhà sản xuất đã không ngừng tìm kiếm giải pháp. Bước sang năm 2023, một xu hướng đang trở thành trào lưu chủ đạo là xây dựng các không gian chờ sạc ô tô, xe máy điện khép kín, với đầy đủ dịch vụ giải trí, chăm sóc người tiêu dùng. Các trung tâm này có thể do các hãng xe chủ động phát triển, hoặc do các bên thứ ba tự triển khai. Thực tế, những bước đi đầu tiên theo hướng mới cũng đã xuất hiện ngay tại Việt Nam.
Mới nhất, ngày 19-4 vừa qua, bên cạnh việc mở rộng danh mục sản phẩm ô tô điện với RS e-tron GT, Audi đã lần đầu tiên đưa phòng chờ với hệ thống sạc nhanh vào hoạt động tại Việt Nam. Trạm sạc này nằm trong một quần thể khá gọn gàng, với khu trưng bày xe mới, khu vực nghỉ ngơi, làm việc.
Cách làm của Audi tương tự Porsche, vốn cũng đã vận hành một “phòng chờ” tại Việt Nam. Tại Porsche Studio (Hà Nội), hãng ô tô thể thao hạng sang lắp đặt trạm sạc điện xoay chiều (AC) công suất 22kW kèm theo không gian nghỉ ngơi, trải nghiệm phục vụ người dùng trong khi chờ xe sạc.
Qua trao đổi, đại diện nhiều hãng xe tại Việt Nam cũng cho biết có kế hoạch xây dựng mạng lưới các trung tâm sạc trong tương lai gần, thậm chí dần thay thế hệ thống dịch vụ kiểu cũ vốn tập trung phục vụ các mẫu xe với động cơ đốt trong truyền thống.
Theo các chuyên gia trong ngành ô tô, các nhà sản xuất ô tô điện hứng thú với lối đi mới bởi đây thực sự là giải pháp “một mũi tên trúng nhiều đích”.
Trước hết, bên cạnh phục vụ người dùng, việc giúp thời gian chờ sạc trở nên dễ chịu hơn cũng hứa hẹn giải tỏa sự e ngại trong tâm lý người dùng trước bài toán sử dụng xe điện.
Thứ đến, việc triển khai phòng chờ kiểm mới rất tiết kiệm về mặt chi phí, là điều quan trọng trong bối cảnh năm 2023 được đánh giá sẽ “tràn ngập khó khăn”. Diện tích các phòng chờ kiểu mới có thể chỉ khoảng vài trăm mét vuông, thay vì hàng ngàn mét vuông như một trung tâm dịch vụ hoàn chỉnh trước đây, do ô tô điện cơ bản không cần thay dầu, lọc gió, vệ sinh động cơ… như xe xăng hay xe diesel nên xe không cần một không gian bảo dưỡng quá cầu kỳ cho những lần “nằm xưởng”.
Cùng với đó, việc tổ chức các mô hình phòng chờ sạc với dịch vụ phụ trợ sẽ bù đắp nguồn thu cho các hãng xe trong bối cảnh xe điện không còn yêu cầu nhiều về bảo dưỡng, sửa chữa như với xe động cơ đốt trong.
Tuy nhiên, một số ý kiến từ giới chuyên môn cũng chỉ ra, việc thiết lập hệ thống phòng chờ sạc ô tô điện tuy có nhiều hợp lý, nhưng vẫn có những bất cập cần tính toán kỹ. Một số vấn đề đáng lưu ý như: Tính tương thích của thiết bị sạc với các dòng xe trên thị trường; sự cần thiết của cơ chế đặt chỗ trước để tránh lượng khách hàng tới sạc dồn ứ trong cùng một thời điểm; chi phí điện sạc...
Nhìn chung, dù khả năng thành công tuyệt đối chưa thể nói trước, mô hình mới đã cho thấy sự sáng tạo của các nhà sản xuất ô tô về cách phát triển cơ sở hạ tầng trạm sạc để dễ dàng hòa nhập với môi trường đô thị trên toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng. Cách làm này cũng sẽ góp phần thay đổi đáng kể thị hiếu tiêu dùng đối với ô tô điện.