Các hãng xe thuần điện Trung Quốc liên tục ra mắt tại Việt Nam và những câu hỏi cần giải

Hiện làn sóng xe điện Trung Quốc tràn vào thị trường Việt Nam đang ngày càng tăng cao. Tuy nhiên, rất nhiều những khó khăn đã tồn tại trong nhiều năm mà các thương hiệu xe Trung Quốc khác đã phải đối mặt kèm với thách thức mới tại thị trường Việt khiến các hãng xe điện phải tìm ra được lời giải nếu muốn làm thị trường và chinh phục khách hàng Việt Nam.

Tiếp bước BYD, Aion là thương hiệu thuần điện thứ hai đến từ Trung Quốc đã có mặt tại Việt Nam trong nửa cuối năm 2024.

Tiếp bước BYD, Aion là thương hiệu thuần điện thứ hai đến từ Trung Quốc đã có mặt tại Việt Nam trong nửa cuối năm 2024.

Trong khi các thương hiệu đồng hương khác tỏ ra khá thận trọng khi mang tới các mẫu xe ở các hạng mục xe xăng lẫn xe điện thì Aion nhận được sự chú ý khi chỉ cung cấp các mẫu xe thuần điện.

Khi Aion vào Việt Nam ở thời điểm hiện tại có thể nói sẽ gặp phải đầy rẫy khó khăn khi đối thủ lớn nhất VinFast tại thị trường Việt đang rất mạnh, bên cạnh đó là BYD cũng có tiềm lực lớn.

Hiện thị trường Việt vẫn đang trồi sụt thất thường, doanh số bán ra toàn thị trường rất khó lường trong nửa năm qua là thách thức không nhỏ.

Những mẫu xe của Aion mang về Việt Nam là Aion ES, một mẫu sedan hạng C và mẫu SUV Aion Y Plus, mẫu xe định vị ở phân khúc SUV/Crossover hạng trung nhưng lại mang dáng dấp một mẫu MPV có thiết kế tinh giản và mang hơi hướng tương lai khá ấn tượng. Hai mẫu xe này gây chú ý ngay từ khi xuất hiện.

Aion ES và Aion Y Plus được đánh giá có ngoại thất thiết kế ấn tượng, nội thất hiện đại. Tuy nhiên, với việc người tiêu dùng Việt Nam ngày càng đề cao chất lượng và uy tín của hãng xe thì các sản phẩm xe ô tô điện từ Trung Quốc vẫn còn gặp phải các định kiến lâu nay nên vẫn sẽ đắn đo cũng không quá khó hiểu khi xem xét lựa chọn.

Aion Y Plus hiện được phân phối với phiên bản duy nhất Y Plus Premium (7 màu ngoại thất và 5 màu nội thất), có giá 888 triệu đồng (đã bao gồm pin).

Nội thất của mẫu xe điện Aion Y Plus.

Nội thất của mẫu xe điện Aion Y Plus.

Mẫu xe này mang dáng dấp một mẫu MPV nhưng kích thước tổng thể thực tế chỉ tiệm cận Mazda CX-5, Hyundai Tucson, Ford Territory, Kia Sportage. Còn ở phân khúc MPV thì sẽ phải đối đầu với Mitsubishi Xpander, Kia Carens và Honda BR-V, Toyota Veloz Cross, Hyundai Stargazer, Suzuki XL7 Hybrid. Những đối thủ của Aion Y Plus hiện đều là các tên tuổi sừng sỏ với doanh số bán khá tốt.

Aion ES trong khi đó cũng được bán ra phiên bản duy nhất, kèm 4 màu ngoại thất với giá bán chính thức 788 triệu đồng (bao gồm pin). Mẫu xe này sẽ xếp “chung mâm” với BYD Seal (1,119 - 1,359 tỉ đồng) ở mảng xe điện. Trong khi đó, ở mảng xe xăng sẽ đối mặt với Honda Civic (730-870 triệu đồng), Toyota Corolla Altis (725-870 triệu đồng), Mazda3 (579-739 triệu đồng), Hyundai Elantra (579-769 triệu đồng).

Nếu so về giá, Aion hiện tại đang được ưu đãi hơn bởi thuế trước bạ cho xe điện đang được ưu đãi tại Việt Nam. Tuy nhiên, xét về thương hiệu thì Aion lại không dễ dàng tiếp cận tập khách hàng vốn quen với xe Nhật, Mỹ, Hàn.

Thực tế, trong những năm gần đây người dùng Việt ngày một khó tính hơn trong việc lựa chọn các thương hiệu xe điện. Đặc biệt khi VinFast là “hòn đá tảng” trong thị trường nội địa với hệ thống trạm sạc phủ khắp cả nước và hạ tầng hỗ trợ khách hàng tốt khiến các hãng xe Trung Quốc gặp rất nhiều khó khăn trong việc xây dựng thị trường. Rõ ràng khách hàng sẽ ưu tiên lựa chọn sản phẩm nội địa mà họ quen thuộc hơn là sẵn sàng thử nghiệm một sản phẩm mới từ Trung Quốc. Trong khi đó, khi dùng xe điện thì trạm sạc chính là vấn đề lớn nhất. Tuy nhiên, Aion hiện lại chưa có kế hoạch cụ thể nào về việc xây dựng hệ thống trạm sạc riêng mà phụ thuộc vào bên thứ ba.

Theo kế hoạch được vạch ra, có thể các sản phẩm của Aion sẽ được nhập khẩu Thái Lan để giảm giá bán nhưng để thuyết phục được khách hàng Việt và đối đầu các đối thủ thì Aion rõ ràng cần phải chuẩn bị kỹ càng chiến lược phát triển đại lý và hạ tầng trạm sạc.

Đồng hương của Aion, BYD, tự tin hơn rất nhiều khi tiến vào Việt Nam với dải sản phẩm xe năng lượng mới gồm ba mẫu xe Dolphin, Atto 3 và Seal và làm chủ công nghệ pin. Ảnh: BYD VN.

Đồng hương của Aion, BYD, tự tin hơn rất nhiều khi tiến vào Việt Nam với dải sản phẩm xe năng lượng mới gồm ba mẫu xe Dolphin, Atto 3 và Seal và làm chủ công nghệ pin. Ảnh: BYD VN.

Thực tế BYD đang bước chân có phần khá muộn vào Việt Nam. Nhưng theo BYD thì hãng có cơ sở để triển khai kế hoạch điện khí hóa của mình khi nghiên cứu rất kỹ thị trường Việt.

Nhưng bên cạnh vấn đề về giá, vấn đề về hạ tầng trạm sạc của BYD tại Việt Nam là dấu hỏi được nhiều người tiêu dùng quan tâm nhất. Theo thông tin từ đại diện BYD Việt Nam, hãng vẫn đang phối hợp với các đối tác để phát triển trạm sạc phù hợp, nhưng chưa nói rõ thời điểm khi nào mới “phổ cập” được hệ sinh thái của mình.

Trong khi đó, người tiêu dùng rõ ràng sẽ tự phải tính đến bài toán tự sạc cho xe của mình qua hình thức sạc xe tại nhà thông qua ổ cắm điện thông thường, hoặc tìm kiếm các điểm sạc công cộng phù hợp với hệ thống sạc của BYD. Đây là bài toán không nhỏ với người dùng xe ở các đô thị lớn như Hà Nội hay TP. HCM.

Hạ tầng trạm sạc tại Việt Nam trong những năm gần đây do các doanh nghiệp thứ 3 phát triển đang tăng khá nhanh. Tuy nhiên, phần lớn trạm sạc lớn nhất đều thuộc sở hữu của VinFast và đến thời điểm hiện tại chỉ phục vụ riêng cho người dùng xe VinFast. Dù VinFast đã thông tin “sẽ chia sẻ trạm sạc” với các hãng khác nhưng vẫn cần thời gian. Hiện chỉ có duy nhất VinFast là hãng xe nội địa phát triển hệ thống trạm sạc với số lượng rất lớn trên toàn quốc, lên tới 150.000 cổng sạc.

Một vấn đề nữa mà BYD phải đối mặt khi đến thị trường Việt Nam là hãng xe này phải giải quyết vấn đề chất lượng xe trong công việc tìm kiếm tại thị trường Việt Nam là vấn đề chất lượng xe.

BYD đang gặp phải một số trở ngại mới khi mở rộng dấu ấn của mình tại thị trường Trung Quốc và nước ngoài. Các mẫu xe BYD do Trung Quốc sản xuất được vận chuyển đến châu Âu, Trung Đông và Nam Á đang gặp phải vấn đề về chất lượng.

Báo cáo gần đây cho biết xe xuất khẩu từ Trung Quốc cần phải sửa chữa và sửa chữa nhiều lần khi đến nơi. Những chiếc xe cập bến Nhật Bản bị trầy xước và những chiếc đến châu Âu bị mốc.

Mặc dù nấm mốc có thể xảy ra phổ biến trên ô tô, đặc biệt là khi chúng được bảo quản trong thời gian dài trong thời tiết ẩm ướt, nhưng vấn đề với ô tô BYD ở Châu Âu là chúng không được xử lý thích hợp để loại bỏ nấm mốc.

Tại Thái Lan, nơi xe điện Trung Quốc đang chiếm lĩnh thị trường ô tô trong nước như cơn bão, các vấn đề về chất lượng của BYD dường như cũng ngày càng gia tăng. Những lời phàn nàn về tình trạng bong tróc sơn, nhựa đã trở nên phổ biến. Trong khi đó, ở Israel, xe BYD EV được cho là đã bị cong vênh dưới sức nặng của giá đỡ nóc.

Trong xu thế điện khí hóa đang bùng nổ, việc các hãng xe điện Trung Quốc tràn vào Việt Nam với nhiều sản phẩm đa dạng sẽ giúp thị trường Việt thêm nhiều màu sắc và có thể động lực để phát triển, người tiêu dùng cũng có nhiều lựa chọn. Tuy nhiên, rõ ràng để chinh phục được thị trường Việt, những hãng xe thuần điện của Trung Quốc cần một chiến lược bài bản từ sự nghiêm túc trong làm thị trường, giá thành hợp lý đến giải quyết vấn đề cố hữu mà người sử dụng cần phải dùng hàng ngày chính là trạm sạc.

Hoàng Lâm

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/automotive/cac-hang-xe-thuan-dien-trung-quoc-lien-tuc-ra-mat-tai-viet-nam-va-nhung-cau-hoi-can-giai.htm