Cho vay theo chuỗi: Rộng cửa cho doanh nghiệp tiếp cận vốn

Sản xuất theo chuỗi giá trị hiện đang là xu thế toàn cầu, giúp khai thác tối đa tiềm năng của các thành viên trong chuỗi. Nhất là trong bối cảnh nền kinh tế hiện tại đang phải đối mặt với nhiều thách thức, các mô hình cho vay truyền thống đã bộc lộ những hạn chế, đặc biệt trong việc tiếp cận vốn của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Mô hình cho vay theo chuỗi đang nổi lên như một giải pháp tối ưu giúp giải quyết những khó khăn này, đồng thời mở ra cơ hội lớn cho cả ngân hàng và doanh nghiệp. Mô hình này không chỉ giúp giảm thiểu rủi ro tín dụng mà còn nâng cao hiệu quả kinh doanh thông qua việc hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và tạo ra một hệ sinh thái kinh tế mạnh mẽ. Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam cho rằng, các DNNVV không còn cách nào khác là phải liên kết lại với nhau.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, Ths. Trần Văn Tần, Thành viên HĐQT VietinBank cho biết, qua nghiên cứu 5 mô hình cho vay theo chuỗi giá trị tại 5 quốc gia cho thấy hình thức cho vay này giúp nâng cao tính minh bạch, khả năng quản lý dòng tiền, đồng thời phát triển các sản phẩm của ngân hàng và thúc đẩy vai trò của cộng đồng, hợp tác xã ở khu vực nông thôn. Ngoài ra, mô hình này còn giúp DNNVV dễ dàng tiếp cận tín dụng thông qua việc bảo lãnh hoặc vay lại từ các doanh nghiệp đầu chuỗi.

Tuy nhiên, hiện dư nợ cho vay theo liên kết chuỗi giá trị vẫn còn thấp, mà nguyên nhân chính là do vấn đề liên kết chuỗi. Theo chia sẻ của Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú, không phải thời điểm này mà cách đây 13 năm đã thí điểm 21 mô hình liên kết chuỗi giá trị, tuy nhiên hầu hết đều thất bại. Theo phân tích của Phó Thống đốc, để thành công, một chuỗi liên kết phải đảm bảo lợi ích cho tất cả các bên tham gia. Nếu mối liên kết quá lỏng lẻo sẽ rất khó đạt được hiệu quả. “Việc ngân hàng cho vay theo chuỗi mà không yêu cầu tài sản đảm bảo có thể mang lại nhiều lợi ích cho các bên tham gia chuỗi, doanh nghiệp, nền kinh tế và cả NHTM. Tuy nhiên, thành công của mô hình này phụ thuộc rất nhiều vào sự phối hợp chặt chẽ của các thành phần trong chuỗi”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Điều đáng mừng là trong hai năm thí điểm chương trình 1 triệu hecta lúa chất lượng cao tại Đồng bằng sông Cửu Long, tất cả các bên tham gia chuỗi đều hoạt động hiệu quả. Việc cho vay theo chuỗi của ngân hàng cũng đã mang lại kết quả tích cực. “Nếu mô hình này được triển khai rộng rãi trong các lĩnh vực khác, chắc chắn sẽ mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Chính vì vậy, ngành Ngân hàng rất mong muốn tiếp tục phát triển mô hình này”, Phó Thống đốc thông tin.

Hiện nhiều ngân hàng đã chủ động triển khai mô hình cho vay theo chuỗi, điển hình là Agribank, với chiến lược phát triển cho vay theo chuỗi liên kết, đặc biệt là đối với các chuỗi sản phẩm nông sản chủ lực tại các địa phương. Bà Phùng Thị Bình, Phó Tổng giám đốc Agribank cho biết, ngân hàng sẵn sàng cho vay theo chuỗi, bởi đây là mô hình cho vay hiệu quả, nhất là với các DNNVV quy mô nhỏ, năng lực quản lý chưa đáp ứng, phải liên kết, dựa vào nhau để phát triển mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.

“Việc ngân hàng cho vay theo chuỗi mà không yêu cầu tài sản đảm bảo có thể mang lại nhiều lợi ích cho các bên tham gia chuỗi, doanh nghiệp, nền kinh tế và cả NHTM. Tuy nhiên, thành công của mô hình này phụ thuộc rất nhiều vào sự phối hợp chặt chẽ của các thành phần trong chuỗi”

Nhiều ý kiến cho rằng, để phát triển thành công mô hình cho vay theo chuỗi, cần nâng cao khả năng tiếp cận vốn của khách hàng, trong đó giảm điều kiện về thế chấp và tăng khả năng cho vay tín chấp. Về vấn đề này, lãnh đạo một ngân hàng cho biết, ngân hàng đang đi khảo sát các chuỗi liên kết và sẵn sàng giảm điều kiện về tài sản thế chấp đối với các bên tham gia chuỗi.

Về phía Hiệp hội DNNVV, ông Nguyễn Văn Thân đề xuất, Hiệp hội sẽ đóng vai trò đại diện, vừa giới thiệu, vừa làm cầu nối, kết nối doanh nghiệp với ngân hàng. Thông qua các hiệp hội có uy tín, ngân hàng cũng yên tâm hơn khi cho vay theo chuỗi. Ngoài ra, cần nghiên cứu đưa ra phương thức kết nối các hiệp hội doanh nghiệp với các đơn vị tại địa phương, các ngành hàng sao cho việc kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp một cách thuận lợi và hiệu quả hơn. “Quy trình vay vốn theo chuỗi giá trị được cho là hiệu quả, nhưng vẫn cần có một cầu nối linh hoạt giữa các bên. Hiệp hội sẵn sàng hợp tác với các tổ chức như các hiệp hội kế toán, các ngân hàng để thúc đẩy hình thức cho vay này”, ông Thân chia sẻ.

Phương Thảo

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/cho-vay-theo-chuoi-rong-cua-cho-doanh-nghiep-tiep-can-von-162257.html