Các khu công nghiệp: Chuyển mình để phát triển bền vững

Để tiếp tục thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển ngày càng bền vững, việc xây dựng các khu công nghiệp theo hướng xanh, sinh thái đang được Bình Dương quan tâm và dành nhiều nguồn lực đầu tư.

KCN - đô thị - dịch vụ Bàu Bàng đang được Tổng Công ty Becamex IDC phối hợp với Ngân hàng Thế giới nghiên cứu tiền khả thi về tiềm năng phát triển KCN sinh thái

Thu hút đầu tư hiệu quả

Đến nay, Bình Dương có 29 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích quy hoạch 12.745,62 ha; trong đó có 28 KCN đã đi vào hoạt động, với tổng diện tích 12.045,62 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 94%. Các KCN này đã thu hút được lượng vốn đầu tư lớn, bổ sung nguồn lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đến hết năm 2024, các KCN trên địa bàn tỉnh có 3.236 dự án đầu tư còn hiệu lực, gồm 2.543 dự án vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký 30,65 tỷ đô la Mỹ và 693 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 95.840 tỷ đồng.

Ông Trịnh Hoàng Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết lợi thế vượt trội của Bình Dương so với các địa phương khác chính là hạ tầng giao thông, hạ tầng các KCN có tính kết nối liên vùng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Hiện Bình Dương đang đẩy nhanh tiến độ triển khai, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, chuẩn bị tốt các điều kiện, thỏa mãn nhu cầu của nhà đầu tư nhằm tăng cường hiệu quả hợp tác, khai thác thời cơ, chủ động đón dòng vốn FDI mới.

Năm 2025, Bình Dương tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng KCN theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; trong đó tiếp tục đổi mới và phát triển đa dạng hóa các loại hình KCN sinh thái, KCN hỗ trợ, KCN cơ khí, cụm công nghiệp công nghệ cao bảo đảm yêu cầu phát triển của tỉnh, vùng Đông Nam bộ và cả nước. Đồng thời, Bình Dương xây dựng chính sách và triển khai thực hiện hỗ trợ, khuyến khích chuyển đổi công năng các cơ sở sản xuất công nghiệp ở phía Nam sang phát triển thương mại, dịch vụ, đô thị và công nghiệp công nghệ cao phù hợp với quy hoạch.

Cơ hội từ các KCN mới

Thời gian gần đây, nhiều nhà đầu tư như Lego, Pandora, Tetra Pak… đã rất quan tâm đến sản xuất xanh thông qua xây dựng các nhà máy trung hòa carbon, đồng thời sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng xanh cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhà máy. Do đó, KCN sinh thái đang trở thành tiêu chí lựa chọn của các nhà đầu tư lớn, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài, với mục tiêu phát triển bền vững, lợi ích kinh tế song hành trách nhiệm với cộng đồng và xã hội, đặc biệt gắn với các tiêu chí ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị).

Theo ông Nguyễn Trung Tín, Trưởng ban Quản lý Các KCN Bình Dương, để thích ứng với bối cảnh mới, Bình Dương đang xây dựng, phát triển các KCN theo hướng chuyên sâu hơn nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư ngày càng chất lượng và hiệu quả. Tỉnh sẽ tập trung phát triển các KCN mới theo hướng sinh thái, công nghệ cao và chuyên ngành. Do đó, đối với các KCN mới thành lập, bên cạnh loại hình KCN đa ngành nghề sẽ ưu tiên phát triển theo hướng KCN hỗ trợ, KCN chuyên ngành, KCN sinh thái và KCN công nghệ cao.

Theo quy hoạch, đến năm 2030 Bình Dương dự kiến có 42 KCN với tổng diện tích từ 18.600 - 21.000 ha, trong đó tiếp tục thực hiện 33 KCN đã được quy hoạch (gồm 29 KCN đã thành lập và 4 KCN đang chuẩn bị đầu tư). Bình Dương đã quy hoạch gần 20.000 ha đất công nghiệp mới để hình thành vành đai công nghiệp thế hệ mới dọc theo đường Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh, cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, đường Hồ Chí Minh (đoạn qua các tỉnh Bình Phước - Bình Dương - Tây Ninh - Long An). Cũng theo quy hoạch, sẽ có gần 200km cao tốc qua Bình Dương, kết nối sân bay, cảng biển… từ đó tạo ra động lực và không gian phát triển mới cho địa phương.

Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho biết để ngành công nghiệp phát triển theo hướng nhanh và bền vững, hiện Bình Dương đang tập trung thực hiện đúng lộ trình xây dựng thành phố thông minh với các định hướng phát triển chủ yếu như thu hút đầu tư vào ngành công nghệ cao, ít thâm dụng lao động, thân thiện với môi trường. Bình Dương đang tập trung nâng cấp các KCN hiện hữu và đầu tư các KCN thế hệ mới như KCN Việt Nam - Singapore III, KCN Cây Trường, khu công nghệ thông tin tập trung, KCN cơ khí… Các KCN này được kỳ vọng sẽ giúp tỉnh ngày càng nâng cao năng lực cạnh tranh và bảo đảm phát triển bền vững.

Năm 2025, các KCN trên địa bàn tỉnh đặt mục tiêu thu hút 1,2 - 1,3 tỷ đô la Mỹ vốn FDI, 1.000 - 1.100 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước; vốn đầu tư xây dựng đạt 5.700 tỷ đồng; cho thuê và cho thuê lại đất 100 - 150 ha; thu hút 15.000 lao động; tổng doanh thu 32 - 35 tỷđô la Mỹ. Cùng với đó, Ban Quản lý Các KCN Bình Dương tham mưu xúc tiến việc thành lập và phát triển thêm khoảng 10 KCN mới; đầu tư phát triển hạ tầng các KCN đã có quy hoạch; đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các KCN, nhất là các ngành công nghiệp mới, công nghệ cao.

NGỌC THANH

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/cac-khu-cong-nghiep-chuyen-minh-de-phat-trien-ben-vung-a340491.html