Các kịch bản cho tương lai Syria sau sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Assad
Sự sụp đổ bất ngờ của chính quyền Assad tạo ra khoảng trống quyền lực ở một quốc gia mà các nhóm vũ trang, những kẻ cực đoan Hồi giáo và các thế lực nước ngoài đã tranh giành ảnh hưởng từ lâu.
Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã phải rời khỏi đất nước vào sáng 8/12 khi một cuộc tấn công chớp nhoáng của phe nổi dậy đã chấm dứt hơn 50 năm cai trị của gia đình Assad.
Nhóm Hồi giáo Hayat Tahrir al-Sham (HTS) đã giành quyền kiểm soát các thành phố lớn Aleppo, Hama và Homs trong vòng chưa đầy hai tuần khi lực lượng chính phủ Syria nhanh chóng rút lui.
Trong khi đó, các đồng minh của ông Assad dường như cũng bất ngờ trước cuộc tiến công nhanh chóng này trong bối cảnh Nga phải tập trung sức mạnh trong cuộc xung đột với Ukraine và các lực lượng ủy nhiệm của Iran bị suy yếu trong những cuộc đụng độ với Israel.
Sự sụp đổ bất ngờ của chính quyền Assad có thể gây ra những hậu quả tiềm tàng khi tạo ra khoảng trống quyền lực đột ngột ở một quốc gia mà các nhóm vũ trang, những kẻ cực đoan Hồi giáo và các thế lực nước ngoài đã tranh giành ảnh hưởng từ lâu.
Geir Pedersen, đặc phái viên của Liên hợp quốc về Syria, cho biết có "những thông điệp trái ngược" phát ra từ Damascus, nhưng ông nhấn mạnh sự cần thiết phải "tránh đổ máu" và kêu gọi đối thoại và chuẩn bị cho một cơ cấu quản lý chuyển tiếp.
Một ưu tiên trước mắt của cộng đồng quốc tế sẽ là bảo đảm các kho vũ khí hóa học ở Syria để ngăn chúng rơi vào tay các nhóm vũ trang.
Trước đó, theo tờ tờ Jerusalem Post, ngày 8/12, Không quân Israel đã tấn công một nhà máy vũ khí hóa học của Syria để ngăn nó rơi vào tay phiến quân.
Charles Lister, Giám đốc chương trình Syria tại Viện Trung Đông có trụ sở tại Washington, cho rằng một vấn đề đáng quan tâm khác ngay lập tức là khả năng Nhà nước Hồi giáo, vốn từng cai trị đẫm máu nhiều vùng đất ở Syria và Iraq, sẽ cố gắng lợi dụng tình hình. Ngoài ra còn có câu hỏi về việc có nên đưa HTS vào các cuộc đàm phán trong tương lai hay không.
Ngày 7/12, Đặc phái viên của Liên hợp quốc, ông Pedersen, đã kêu gọi các cuộc đàm phán khẩn cấp tại Geneva để thảo luận về tình hình, nhưng vẫn chưa rõ ai sẽ đại diện cho Syria và các phe phái khác nhau trong các cuộc đàm phán.
Cuộc xung đột Syria được đánh dấu bằng sự tham gia của một loạt các quốc gia ủng hộ các phe phái khác nhau khi họ tìm cách cạnh tranh giành ảnh hưởng và thúc đẩy lợi ích của mình.
"Chúng ta đang ở giai đoạn mà nhiều tác nhân bên ngoài sẽ lựa chọn lại các phe phái và đại diện được họ ủng hộ trong cộng đồng Syria, và đó cũng là một điểm nguy hiểm," Lister cho biết.
Sự can thiệp của Nga vào cuộc xung đột năm 2015 đã có tác động then chốt trong việc củng cố quyền lực của Tổng thống Assad, trong khi lực lượng đại diện mạnh nhất của Iran, Hezbollah, đã chiến đấu cùng với các lực lượng chính phủ Syria.
Nhận thấy những điều sắp xảy ra, Iran đã bắt đầu rút các chỉ huy và nhân viên quân sự khỏi Syria vào ngày 6/12, để lại đồng minh lâu năm Assad tự quyết định số phận của mình.
Sanam Vakil, Giám đốc chương trình Trung Đông và Bắc Phi tại viện nghiên cứu Chatham House nhận định: "Iran đã đưa ra lựa chọn cắt giảm tổn thất của mình. Họ đã đọc được tình hình. Họ nhận ra rằng có một động lực rất lớn và quân đội không sẵn sàng chiến đấu."
Mỹ đã can thiệp vào cuộc xung đột vào năm 2014 bằng các cuộc không kích chống lại Nhà nước Hồi giáo và giữ lại một nhóm nhỏ khoảng 900 quân ở phía Đông Bắc Syria để hỗ trợ Lực lượng Dân chủ Syria (SDF).
Sự sụp đổ của chế độ Assad cũng xảy ra khi Tổng thống đắc nhiệm Donald Trump chuẩn bị trở lại Nhà Trắng vào tháng 1. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, ông Trump đã tìm cách rút quân đội Mỹ khỏi Syria nhưng đã bị thuyết phục rút lại quyết định này bởi các cố vấn cảnh báo rằng Iran và Nga sẽ tìm cách lấp đầy khoảng trống.
Trong bài đăng trên mạng xã hội X ngày 7/12, ông Trump mô tả Syria là một "mớ hỗn độn" nhưng không phải là "người bạn" của Mỹ. Theo ông này, "Mỹ không nên liên quan gì tới Syria. Đây không phải là cuộc chiến của chúng ta."
Sự sụp đổ của chính phủ Syria xảy ra gần 14 tháng sau ngày diễn ra cuộc tấn công do tổ chức Hamas cầm đầu vào Israel vào ngày 7/10/2023, gây ra một chuỗi sự kiện làm đảo lộn Trung Đông.
Cái gọi là Trục kháng chiến của Iran đã bị thiệt hại nặng nề trong các chiến dịch của Israel ở Gaza và Lebanon, trong khi các cuộc tấn công trực tiếp của Israel vào Iran được cho là đã làm gián đoạn hoạt động sản xuất tên lửa và phá hủy một số hệ thống phòng không của nước này.
Ông Vakil cho biết Tehran hiện đang ở thời điểm "suy yếu sâu sắc" khi ông Trump tái đắc cử và các đồng minh của ông hứa sẽ tiếp tục chiến dịch gây sức ép tối đa lên quốc gia này.
Trong khi tương lai của Syria vẫn còn rất bất định, tình hình cũng có "những tác động to lớn" đối với nước láng giềng Lebanon bởi Syria là tuyến đường bộ chính để Iran chuyển giao vũ khí cho Hezbollah, có trụ sở tại Lebanon.
Amos Hochstein, Đặc phái viên của chính quyền Tổng thống Joe Biden về các cuộc đàm phán hòa bình giữa Israel và Hezbollah, ngày 7/12 cho biết: "Tôi nghĩ những gì đã xảy ra ở Syria, tất nhiên là xảy ra vào ngày sau khi lệnh ngừng bắn bắt đầu, hiện đang tạo ra một điểm yếu mới cho Hezbollah."
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 8/12 đã ăn mừng và cho rằng sự sụp đổ đáng kinh ngạc của chính quyền Assad là "hậu quả trực tiếp của những đòn đánh mà Israel đã giáng vào Iran và Hezbollah, những bên ủng hộ chính của chế độ Assad."
Shalom Lipner, cựu cố vấn của một số đời thủ tướng Israel, cho biết Israel có thể thận trọng lạc quan về sự sụp đổ của Assad nhưng sẽ theo dõi chặt chẽ cuộc đua lấp đầy khoảng trống quyền lực mà ông Assad để lại./.