Các kỹ thuật truyền tin trong lịch sử

Lịch sử phát triển của thông tin gắn liền với lịch sử phát triển của kỹ thuật truyền tin.

Chữ viết đã có từ thời xa xưa

Chữ viết đã có từ thời xa xưa

Tiếng nói

Tiếng nói hay ngôn ngữ nói đóng vai trò nền tảng trong truyền thông xã hội. Đó là phương tiện truyền tin thô sơ nhất, nó không lưu giữ được thông tin theo thời gian và khả năng truyền rất hạn chế trong không gian. Tuy nhiên loài người đã tồn tại rất lâu nhờ phương thức truyền tin này.

Các nhà ngôn ngữ học đếm thấy có khoảng ba ngàn ngôn ngữ nói ngày nay (bốn ngàn ngôn ngữ khác đã biến mất) và khoảng một vài trăm trong số đó được thực sự ghi lại nhờ chữ viết. Sự phát triển của ngôn ngữ là tiêu chí đánh giá sự phát triển và trình độ văn minh của một bộ tộc. Chẳng hạn, sự phong phú của tiếng Việt nói lên truyền thống văn hiến lâu đời của người Việt.

Chữ viết

Chữ viết hay văn tự, là kỹ thuật ghi lại ngôn ngữ nói, đó là một thứ kỹ thuật cách mạng. Nhờ đó người ta có thể ghi lại được các thông tin. Lịch sử phát minh ra văn tự diễn ra hai đợt nối tiếp nhau, ứng với hai phương thức văn tự khác nhau về hình thái:

Văn tự tượng hình: ra đời tại Mesopotamie (một miền đất ở Tây Á giữa hai con sông Tigre và Euphrate) khoảng 4.000 năm trước Công nguyên, thoạt đầu mang tính thuần túy tượng hình, rồi dần dần mang tính trừu tượng hơn. Trong ngôn ngữ tượng hình, mỗi biểu tượng có thể diễn tả trọn vẹn một khái niệm. Các biểu tượng này trải qua nhiều thay đổi về hình dạng khiến sự tương đồng giữa chúng và các đối tượng mà nó thay thế dần dần mất đi, nhưng ý nghĩa của chúng thì ngày càng rõ ràng hơn. Các biểu tượng này được gọi là mẫu tự. Ngôn ngữ càng phát triển thì mẫu tự ngày càng nhiều.

Hệ thống chữ tượng hình của Trung Quốc ngày nay có đến trên 50.000 mẫu tự. Chữ tượng hình ngày nay được sử dụng ở các nước Bắc Phi, Trung Cận Đông, Đông Á, Nam Á, Đông Nam Á... (Việt Nam là trường hợp duy nhất ở Đông Nam Á dùng hệ thống chữ cái La tinh để ghi lại tiếng Việt. Đó là do nhà truyền giáo người Bồ Đào Nha A. de Rhodes sáng tạo ra vào giữa thế kỷ 17, nhằm phục vụ cho việc truyền giáo. Cuốn từ điển Việt - Bồ - La của A. de Rhodes xuất bản lần đầu tiên vào năm 1651).

Văn tự chữ cái: Trong quá trình phát triển của ngôn ngữ viết, đến một lúc phương pháp biểu diễn đã thay đổi từ tượng hình sang tượng thanh, mà ở đó âm thanh nói được biểu diễn bằng một bộ chữ cái bao gồm các ký hiệu đồ thị. Các tổ hợp khác nhau của một bộ phận các ký hiệu này có thể thay thế cho những khái niệm phức hợp hơn như các từ, các câu. Văn tự chữ cái bắt nguồn từ người Pheniciens (cư trú ở vùng đất Syri ngày nay) vào khoảng từ 2000 đến 1000 năm trước Công nguyên, rồi dần hình thành ở Hy Lạp vào những năm 800 đến 600 trước Công nguyên. Hệ thống mẫu tự Hy Lạp là sự khởi đầu của mẫu tự La tinh mà sau này được dùng làm cơ sở chung cho tất cả các hệ thống chữ viết ở phương Tây.

Việc phát minh ra chữ viết mang một tầm vóc xã hội rất to lớn. Ngay sau khi ra đời chữ viết đã được sử dùng làm kỹ thuật truyền thông và do đó đã biến đổi sâu sắc các phương thức giao lưu tư tưởng và truyền bá thông tin. Từ khi có chữ viết mới có nghề chép sử, con người thoát khỏi thời kỳ truyền thuyết; nghề bưu chính ra đời, giúp con người trao đổi thông tin từ xa; nghề báo chí hình thành như một công cụ thông tin đại chúng đầu tiên; giáo dục trở thành hoạt động xã hội có tổ chức, thực hiện chức năng chuyển giao thông tin giữa các thế hệ.

Kỹ thuật ấn loát - Nghề in

Kỹ thuật ấn loát ra đời vào thế kỷ 15 với phát minh ra máy in bằng chữ rời của Gutenberg đã biến tài liệu viết thành sách in với khả năng nhân bản rất lớn.

Kể từ khi cuốn sách đầu tiên được in typo là bộ thánh thi Mayence vào năm 1457 đến năm 1500 đã có gần 20 triệu bản của 35 000 đầu sách được in ra. Sách in đã trở thành công cụ chủ yếu truyền bá các tư tưởng mới mẻ, trở thành một trong những nguyên nhân tạo ra những chuyển biến thời Phục hưng.

Ý nghĩa to lớn của việc phát minh ra máy in là ở chỗ nó đã làm thay đổi chức năng của sách. Từ chỗ chỉ là một công cụ lưu trữ văn bản, sách đã trở thành một công cụ vô song của truyền thông, rồi cũng từ đó sách trở thành một đối tượng của thương mại.

Có thể nói nghề in là một thành tựu kỹ thuật to lớn, tạo điều kiện cho con người giao lưu thông tin rộng khắp, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của xã hội về khoa học kỹ thuật cũng như văn hóa nói chung. Từ nay thông tin có thể ghi lại và phổ biến với khối lượng lớn. Hoạt động nghiên cứu khoa học trở thành một hoạt động xã hội có tổ chức và giao lưu khoa học phát triển trên phạm vi toàn thế giới.

PHÂN LOẠI THÔNG TIN

Thông tin rất phong phú và đa dạng. Người ta có thể phân loại thông tin theo nhiều tiêu chí khác nhau.

+ Theo giá trị và quy mô sử dụng

- Thông tin chiến lược.

- Thông tin tác nghiệp.

- Thông tin thường thức.

+ Theo nội dung của thông tin

- Thông tin khoa học và kỹ thuật; các kết quả nghiên cứu phát minh, các phương pháp, các sản phẩm, các tính chất công nghệ, các tiêu chuẩn, các trang thiết bị,....

- Thông tin kinh tế: tài chính, giá cả, thị trường, quản lý, cạnh tranh.

- Thông tin pháp luật: luật, quy định, quy tắc...

- Thông tin văn hóa và xã hội: giáo dục, y tế, nghệ thuật, thể thao,...

+ Theo đối tượng sử dụng

- Thông tin đại chúng: dành cho mọi người.

Thông tin khoa học: dành cho người dùng tin (khách hàng).

- Thông tin cấp một: thông tin gốc.

- Thông tin cấp hai: thông tin tín hiệu và chỉ dẫn. - Thông tin cấp ba: tổng hợp các thông tin cấp một.

+ Theo hình thức thể hiện thông tin

- Thông tin nói.

- Thông tin viết.

- Thông tin bằng hình ảnh.

- Thông tin điện tử hay thông tin số.

- Thông tin đa phương tiện (multimedia).

theo Giáo trình thông tin học

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/cac-ky-thuat-truyen-tin-trong-lich-su-218666.html