Các lễ hội lớn tại Hà Nội trong tháng Giêng
Mỗi dịp xuân về, cùng với nhiều hoạt động văn hóa thì các lễ hội lớn trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng được tổ chức, tạo không khí vui tươi đón chào năm mới.
1. Lễ hội đền Hai Bà Trưng - Mê Linh
Lễ kỷ niệm 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng (năm 40 - 43 sau Công nguyên) và khai hội đền Hai Bà Trưng Xuân Giáp Thìn 2024, diễn ra tại đền Hai Bà Trưng (thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội) từ mùng 4 đến mùng 10 tháng Giêng. Lễ hội được tổ chức để tưởng nhớ đến công ơn của hai vị nữ anh hùng Trưng Trắc và Trưng Nhị.
Năm nay, Lễ khai mạc Lễ hội đền Hai Bà Trưng sẽ diễn ra vào buổi tối thay vì buổi sáng như mọi năm, sau đó sẽ trình chiếu 3D mapping ca ngợi, tưởng nhớ công lao của Hai Bà Trưng.
Đặc sắc nhất của lễ hội chính là ở phần rước kiệu vào chính hội ngày mùng 6. Kiệu Trưng Trắc đi trước sau đó khi qua cổng đền thì kiệu Trưng Nhị lên dẫn đầu, thể hiện ý nghĩa “Nội gia tỉ muội, ngoại quốc quân thần”.
2. Hội Gò Đống Đa
Hội Gò Đống Đa hay còn gọi là Hội kỷ niệm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa năm nay sẽ diễn ra từ mùng 5 đến mùng 7 tháng Giêng. Lễ hội được tổ chức để tưởng nhớ tới chiến công của anh hùng áo vải Quang Trung trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc.
Các nghi lễ như lễ rước kiệu, tế lễ của các đoàn tế lễ địa phương bảo đảm tính truyền thống; phần hội diễn ra với các hoạt động văn nghệ, cờ tướng, cờ người, các trò chơi dân gian. Đặc biệt, năm nay, sau phần nghi lễ trang nghiêm vào mùng 5, phần hội sẽ diễn ra hai ngày, trong đó tổ chức thêm một đêm nghệ thuật của Nhà hát Cải lương Hà Nội.
3. Hội đền Gióng
Hội đền Gióng được tổ chức tại xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) bắt đầu từ mùng 6 đến mùng 8 tháng Giêng. Trong ba ngày lễ hội sẽ diễn ra các nghi lễ truyền thống như: lễ khai quang, lễ rước, lễ dâng hương, dâng hoa tre lên đền Thượng, nơi thờ Thánh Gióng. Theo truyền thuyết xưa, nơi đây chính là điểm dừng chân cuối cùng của Thánh Gióng trước khi bay về trời. Mùng 7 là phần lễ rước voi hoành tráng với hàng nghìn người tham gia.
Dù đã trải qua nhiều thế hệ nhưng lễ hội Đền Gióng vẫn giữ nguyên được nét đẹp về giá trị văn hóa, tinh thần đến giới trẻ ngày nay. Năm 2011 Hội Gióng (gồm hai lễ hội chính tại Sóc Sơn và tại làng Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội) đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Năm 2024, Lễ hội Gióng đền Sóc sẽ bảo đảm việc "tất lộc" đúng như truyền thống và không để xảy ra việc tranh cướp lộn xộn...
4. Lễ hội Cổ Loa
Lễ hội Cổ Loa diễn ra từ mùng 6 đến 16 tháng Giêng tại đền thờ An Dương Vương ở xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội. Sáng mùng 6 Tết, hội mở đầu bằng đám rước Văn với 5 lá cờ ngũ hành, phường bát âm, giá văn tế đặt trong kiệu Long đình, có lọng, tàn che. Sau đám rước Văn là màn tế lễ diễn ra quá giờ ngọ (12 giờ trưa). Tiếp theo là đám rước thần của 12 xóm.
Hội Cổ Loa kéo dài tới 16 tháng Giêng mới làm lễ tế tạ trời đất, kết thúc lễ hội. Lễ hội Cổ Loa nhằm tưởng nhớ và suy tôn Thục Phán An Dương Vương, người có công dựng nước Âu Lạc và xây thành Cổ Loa.
5. Lễ hội chùa Hương
Diễn ra từ tháng 1 - 3 âm lịch diễn tại xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Trong đó, đặc sắc nhất là từ rằm tháng Giêng đến 18 tháng Hai âm lịch. Du khách trảy hội sẽ được tham dự các sinh hoạt văn hóa cộng đồng và hòa mình vào không khí tưng bừng nơi đây.
Chùa Hương là một quần thể kiến trúc nằm theo chuỗi trong thung lũng Suối Yến gồm các di tích: Đền Trình - Chùa Thiên Trù - Động Tiên Sơn - Chùa Giải Oan - Đền Trần Song - Động Hương Tích - Chùa Hinh Bồng.
6. Lễ hội đền Sái
Ngày 11 tháng Giêng hàng năm, đền Sái (Thụy Lâm, Đông Anh, Hà Nội) tổ chức lễ rước vua giả (hay còn gọi là rước vua sống) để tưởng nhớ thần Huyền Thiên Trấn Vũ đã giúp An Dương Vương trừ yêu, xây thành Cổ Loa.
Tương truyền lễ hội đã có gần 2.000 năm và để tạc ghi công đức của thần Huyền Thiên Trấn Vũ, nhà vua cho xây dựng đền Sái trên núi Thất Diệu Sơn và hàng năm cứ vào mùa xuân nhà vua lại đích thân xa giá về bái yết tại đền.