Các lĩnh vực phải có những 'cánh chim đầu đàn' để tạo tính kế thừa
Tỉnh Đồng Tháp dành nhiều nguồn lực cho sự phát triển khoa học-công nghệ và văn học-nghệ thuật. Từ đây, đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ của tỉnh có sự phát triển, gặt hái được nhiều thành công...
Tỉnh Đồng Tháp xác định năm 2025 là năm tăng tốc, bứt phá và về đích nhằm chuẩn bị các yếu tố nền tảng, làm tiền đề để Đồng Tháp cùng cả nước tự tin bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc.
Đây là năm có ý nghĩa rất quan trọng, do đó, trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ Đồng Tháp đều khẳng định sẽ tích cực hơn nữa trong các hoạt động để tỉnh tiếp tục hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ năm 2025 và nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ 11; chuẩn bị Đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng; tiếp tục xây dựng và phát triển, phát huy vai trò của đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ tỉnh nhà.
Tại buổi gặp mặt đầu Xuân Ất Tỵ năm 2025 giữa lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp với đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ vào ngày 22/1, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp đánh giá cao và cho biết tỉnh luôn dành sự trân trọng về những đóng góp của đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ của tỉnh trong thời gian vừa qua.
Đến nay, tỉnh Đồng Tháp có 184 tiến sĩ, 1.829 thạc sĩ, 21.624 người có trình độ đại học. Phần lớn đội ngũ trí thức phát huy tính chủ động, sáng tạo, tâm huyết trong nghiên cứu, có nhiều đề tài, dự án nghiên cứu khoa học được ứng dụng trong thực tiễn mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần quan trọng trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Năm 2024, đội ngũ trí thức trong tỉnh tham gia chủ trì thực hiện 13 nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp. Các nhiệm vụ nhằm góp phần thực hiện các đề án, chương trình trọng tâm của tỉnh và các vấn đề phát sinh đột xuất trong quá trình sản xuất ở địa phương. Hướng dẫn người dân các kiến thức về nông nghiệp, chăm sóc sức khỏe, bảo vệ môi trường, pháp luật, kỹ thuật trồng trọt, an toàn thực phẩm, lịch sử-văn hóa...
Toàn tỉnh hiện có 450 văn nghệ sĩ là hội viên Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Đồng Tháp, trong đó, có 113 hội viên chuyên ngành Trung ương. Năm 2024, nhiều tác phẩm đạt giải cao của khu vực, quốc gia (7 giải), nội dung sáng tác phản ánh các đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng… và tuyên truyền các chủ trương lớn của tỉnh.
Từ kết quả đạt được cho thấy, các đề tài nghiên cứu luôn tập trung gắn với sự phát triển bền vững; các tác phẩm được sáng tác luôn gắn với thực tiễn sinh động, trong đó có đời sống của người nông dân trong sự phát triển của Đồng Tháp ngày càng rõ nét hơn.
Bên cạnh đó, văn nghệ sĩ Đồng Tháp đã tạo nên sức lan tỏa, mời gọi được nhiều nghệ sĩ, lực lượng sáng tác cùng đến địa phương để lấy chất liệu thực tiễn của tỉnh làm đề tài tạo nên tác phẩm. Qua đây, cho thấy có sự đồng hành cùng đi với nhau, có những nhân tố tích cực, từ đó thu hút những người giỏi quan tâm đến Đồng Tháp và về với xứ sở Đất Sen hồng.
Nghệ sĩ ưu tú Lê Tứ, quê quán huyện Lai Vung, có hơn 30 năm học tập và sinh sống ở Thành phố Hồ Chí Minh, xúc động cho biết: Bản thân cảm thấy rất vui mừng khi lần đầu được về tham dự buổi họp mặt ấm áp, nghĩa tình và cởi mở với lãnh đạo tỉnh. Mỗi khi nói về quê hương, Lê Tứ luôn dạt dào cảm xúc. Lê Tứ cũng luôn rất tự hào vì ở Đồng Tháp có rất nhiều nghệ sĩ, nhiều nhân tài. Mong rằng sự gắn kết như thế này tiếp tục được tỉnh nhà quan tâm và ưu ái cho những người con quê hương Đồng Tháp có cơ hội được về cống hiến, đóng góp cho quê hương.
Tại buổi gặp mặt, đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ có những đóng góp, gợi mở cụ thể, chan chứa trong đó là niềm tin yêu với xứ sở Đất Sen hồng Đồng Tháp. Đại biểu rất vui mừng khi nghe Thường trực Tỉnh ủy bày tỏ mong muốn có sự tham gia tích cực hơn nữa của đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ vào nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Đồng Tháp đang đặt ra những yêu cầu rất lớn cho sự phát triển trong giai đoạn sắp tới, nhất là các lĩnh vực nông nghiệp, du lịch... Nhạc sĩ An Phương cho rằng, Đồng Tháp có tiềm năng về kinh tế du lịch, do đó, để khai thác tốt tiềm năng này, ngoài đầu tư kinh tế hạ tầng thì cần chú trọng đầu tư phát triển văn học, nghệ thuật, trong đó có âm nhạc.
Từ hoạt động văn học, nghệ thuật sẽ tạo được sự lan tỏa mạnh. Tuy nhiên, muốn phát triển nghệ thuật phải có những chế độ, chính sách, những hoạt động ưu đãi đủ mạnh. Từ đây, sẽ xuất hiện thêm những hoạt động sáng tác, biểu diễn… với những ca khúc viết hay về Đồng Tháp, điệu hò Đồng Tháp giới thiệu đến với du khách gần xa.
Các đại biểu cũng bày tỏ mong muốn làm sao các ngành, các cấp quan tâm tạo môi trường thuận lợi hơn cho hoạt động sáng tác (trong đó có đi thực tế sáng tác) và hoạt động biểu diễn được thuận lợi hơn, tốt hơn. Truyền thông, quảng bá tác phẩm cần đa dạng về hình thức để tác phẩm đến với đông đảo công chúng. Nâng tầm giá trị thông qua đầu tư để văn nghệ sĩ có hình thức thể hiện sinh động hơn, tốt hơn, hiện đại hơn, bắt kịp xu hướng nhịp sống hiện nay và tiệm cận được với công chúng trẻ...
Các ý kiến đều được lãnh đạo tỉnh ghi nhận một cách đầy đủ, giao các cơ quan chức năng nghiên cứu để hoàn thiện trong công tác lãnh đạo, điều hành; có những vấn đề gì triển khai được trong lĩnh vực chuyên môn cụ thể thì lãnh đạo tỉnh yêu cầu các bộ phận nghiên cứu và sẽ có tham mưu trực tiếp để sớm hoàn thiện nội dung, phương án triển khai.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong khẳng định: Tỉnh ủy rất trân trọng với những lao động, sáng tạo, sự nỗ lực và tâm huyết của đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ trong sự đóng góp chung cho sự phát triển của tỉnh Đồng Tháp. Bước vào năm 2025, rất mong các trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ tiếp tục cùng quan tâm những vấn đề chung của tỉnh; tiếp tục có những đóng góp tích cực, đồng hành vì sự nghiệp chung của tỉnh.
Tỉnh Đồng Tháp tiếp tục thống nhất trong cả hệ thống chính trị, trong các cấp ủy Đảng… để nắm và nhận thức về tầm quan trọng của đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ trong đời sống chính trị, kinh tế-xã hội của Đồng Tháp ngày càng được đầy đủ hơn, sâu sắc hơn và rõ nét hơn.
Đồng chí Lê Quốc Phong cũng bày tỏ mong muốn đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ tiếp tục lớn mạnh cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Mong tỉnh sẽ có thêm những trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ mới cũng như những sáng tác mới.
Đồng thời, mong muốn bên cạnh trách nhiệm của cấp ủy và Tỉnh ủy, các nhà trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ tiếp tục có những quan tâm cho các thế hệ sau. Chính những lực lượng tiêu biểu, điển hình sẽ là những nhân tố để thúc đẩy cho sự phát triển.
Trong tất cả lĩnh vực phải có những người dẫn dắt, những người đi trước, đó là những “cánh chim đầu đàn”. Đó là những người tạo cảm hứng bằng lao động nghề nghiệp của mình để dẫn dắt cho thế hệ trẻ, cho những người quan tâm mong muốn bước vào lĩnh vực ấy có những hình mẫu, những tấm gương để các bạn trẻ có thể tự tin, tự hào và kế thừa, phát triển.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp cho rằng đây là việc rất quan trọng. Do đó, mong các đại biểu tham dự họp mặt xem đây là tâm huyết, trách nhiệm của mình. Bằng tài năng, sức sáng tạo của mỗi đại biểu, chắc chắn sẽ là tính thuyết phục cao nhất cho lớp kế thừa cũng như những đồng nghiệp của các nhà trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ.
Đồng chí mong muốn các đại biểu chia sẻ niềm vui khi có những bài nghiên cứu, tác phẩm mới, những thành công mới… Hoặc là những khó khăn trong công việc có thể chia sẻ với các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy, từ đó tạo nên sự gắn kết đồng hành giữa lãnh đạo tỉnh với các nhà trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ...