Các loại sỏi thận và yếu tố nguy cơ gây sỏi cần biết
Sỏi thận là một bệnh lý khá phổ biến ở nước ta, bệnh nhân có sỏi thận thường đau đớn khi gặp phải các trường hợp sỏi lớn di chuyển từ bể thận xuống niệu quản, bàng quang, gây tổn thương đường tiết niệu, thậm chí làm tắc đường dẫn nước tiểu để lại những hậu quả phức tạp.
Có những loại sỏi thận nào?
Sỏi thận không trơn tru, có khi không đơn lẻ từng viên một mà kết dính thành từng khối không xác định
– Sỏi canxi: Đây là loại sỏi phổ biến nhất, theo nghiên cứu có khoảng 80-90% sỏi thận là sỏi canxi với một vài khoáng chất khác (thường là oxalate và phosphate). Sỏi canxi thường gặp ở những người bệnh mắc cường giáp trạng, tăng oxalat niệu, giảm citrate niệu. Nguyên nhân gây sỏi là lượng canxi dư thừa trong cơ thể không sử dụng hết được loại bỏ qua thận, lượng dư thừa này thường chảy vào nước tiểu. Nếu canxi không được đưa ra ngoài, hoặc đơn giản là quá nhiều để có thể hòa tan trong nước tiểu, nó sẽ rắn lại và kết hợp với các khoáng chất khác tạo thành sỏi.
– Sỏi struvite: Sỏi thường gặp sau nhiễm khuẩn niệu nên loại sỏi thường khá phổ biến ở phụ nữ, do phụ nữ cũng dễ bị viêm đường tiết niệu hơn nam giới. Viêm đường tiết niệu mạn tính tạo ra enzyme làm tăng lượng amoniac trong nước tiểu. Lượng amoniac dư thừa này làm vi khuẩn phát sinh nhanh hơn tạo điều kiện cho sỏi khuẩn hình thành. Sỏi struvite thường có nhiều cạnh nhọn, hoặc phân nhánh thành sừng và kích thước có thể phát triển lớn làm tổn thương đến thận.
– Sỏi acid uric: Thường gặp ở người bệnh mắc gout, tăng sinh tủy bào, các bệnh mạn tính (tiêu chảy, mất nước). Nguyên nhân là do có quá nhiều acid uric trong nước tiểu. Khi lượng acid tăng cao, khoáng chất hình thành và kết hợp với canxi, oxalate tạo nên sỏi. Loại sỏi này thường có ở nam giới. Một chế độ ăn giàu chất đạm động vật có thể góp phần tăng cao lượng acid uric trong cơ thể.
– Loại sỏi cystine: Loại sỏi này ít gặp, có tính di truyền do khuyết tật ở ống thận và biểu mô ruột non. Do đó, những người bệnh mắc loại sỏi này thường được phát hiện ngay từ khi còn trẻ và sẽ được tiếp tục theo dõi chữa trị.
Yếu tố nguy cơ mắc bệnh sỏi thận
Một trong những nguyên nhân gây sỏi thận là do uống ít nước. Bởi khi lượng nước đưa vào cơ thể không đủ sẽ ảnh hưởng đến tuần hoàn thận. Chức năng lọc giảm, nước tiểu đặc với nồng độ các ion và muối khoáng cao, dễ kết tinh tạo sỏi.
Ngoài ra, một số yếu tố sau đây cũng thúc đẩy hình thành sỏi trong thận đó là:
+ Thói quen ăn uống không lành mạnh: Nhiều người có thói quen ăn mặn, ăn nhiều dầu mỡ cũng gây trở ngại đến tuần hoàn thận có thể là yếu tố thúc đẩy sỏi thận.
+ Thói quen nhịn tiểu: Do tính chất công việc, do thói quen ngại đi tiểu nên nhiều người nhịn tiểu làm nước tiểu tích tụ đầy bàng quang, bể thận kéo theo tích tụ các chất khoáng. Khi đủ lớn chúng sẽ hình thành sỏi trong thận.
+ Yếu tố mắc các dị tật: Dị tật đường tiết niệu bẩm sinh làm cản trở sự bài tiết nước tiểu, cơ chế tương tự như nhịn tiểu.
+ Yếu tố nhiễm trùng đường sinh dục, tiết niệu
+ Do người bệnh sử dụng thuốc điều trị: Một số thuốc có khả năng hình thành sỏi trong thận, đường tiết niệu, đặc biệt với việc lạm dụng kháng sinh thời gian dài.
Một số bệnh có thể làm tăng nguy cơ phát triển sỏi thận gồm: Bệnh cường cận giáp nguyên phát; Bệnh Gout; Đái tháo đường; Béo phì; Phẫu thuật dạ dày hoặc ruột; Bệnh Crohn…
Lời khuyên thầy thuốc
Sỏi thận là một bệnh rất thường gặp và hay tái phát, nếu không được thăm khám và đều trị sỏi thận có thể gây tắc đường tiết niệu, gây nhiễm khuẩn và suy thận. Do vậy, khi có biểu hiện cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị. Tuyệt đối không điều trị theo mách bảo, không tự uống thuốc tránh hệ lụy nguy hiểm cho sức khỏe.
Để phòng sỏi thận và tránh tái phát, cần uống đủ nước hằng ngày trên 1,5 -2 lít nước/ngày. Ngoài ra, cần tăng cường vận động, tập thể dục, thể thao để tránh sự lắng đọng của tinh thể muối khoáng, nên uống nhiều nước hoa quả như cam, chanh, bưởi tươi, nên ăn nhiều rau tươi giúp tiêu hóa nhanh, giảm hấp thu các chất gây sỏi thận.
Cần hạn chế thực phẩm giàu protein (dưới 200g protein/ngày), thực phẩm giàu oxalate (như củ dền, đậu bắp, rau chân vịt, các loại hạt, trà, chocolate, hạt tiêu đen và các sản phẩm từ đậu nành). Nên xây dựng chế độ ăn ít muối và tránh ăn nhiều thực phẩm chứa purin gây sỏi thận như cá khô, thịt khô, tôm khô, lạp xưởng, các loại mắm…
Đặc biệt, cần chú ý đi khám sức khỏe định kỳ và nên khám chuyên khoa thận - tiết niệu để phát hiện sớm, điều trị sớm bệnh sỏi thận, tránh các biến chứng nguy hiểm của bệnh.