Các nền kinh tế mới nổi cần chuẩn bị ứng phó với thuế quan
Các nền kinh tế mới nổi trên toàn thế giới cần chuẩn bị để ứng phó với những tác động tiêu cực sau khi thuế quan mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đẩy mức thuế đối với hàng nhập khẩu vào Mỹ lên mức cao nhất trong 100 năm.

Cú sốc với các thị trường mới nổi…
Ngày 2/4, Tổng thống Mỹ Donad Trump đã công bố một loạt thuế quan mới, lên tới 50% đối với cả đồng minh. Nó đã làm rung chuyển thị trường tài chính toàn cầu và làm dấy lên nỗi lo về một cuộc chiến thương mại toàn cầu.
Theo các nhà kinh tế, đợt áp thuế này đã giáng đòn mạnh vào các nền kinh tế mới nổi và một số quốc gia nghèo nhất thế giới.
“Chúng tôi ngay lập tức lo ngại về tác động tiềm tàng của mức thuế quan nghiêm ngặt áp dụng đối với một loạt các nền kinh tế mới nổi - một cách tiếp cận có nguy cơ gây tổn hại thêm đến triển vọng phát triển của các quốc gia vốn đã phải đối mặt với các điều khoản thương mại ngày càng tồi tệ hơn”, John Denton - Tổng thư ký Phòng Thương mại quốc tế cho biết và nói thêm rằng những thay đổi này có thể gây ra một loạt các đợt hạ xếp hạng quốc gia.
John Denton đã ví tác động này giống như cuộc khủng hoảng năng lượng tàn khốc những năm 1970, đã tấn công nền kinh tế toàn cầu và làm chao đảo một loạt tài sản của thị trường mới nổi.
Trong khi Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs cho biết thuế quan sẽ kéo giảm 1 điểm phần trăm trong tăng trưởng GDP ở Trung Quốc và điều này có thể có tác động lan tỏa đến các thị trường mới nổi nói chung.
JPMorgan thì cảnh báo, “cú sốc đối với tâm lý và dòng vốn có khả năng sẽ kéo dài và đòi hỏi mức phí bảo hiểm rủi ro cao hơn”. Ngân hàng đầu tư này cũng hạ cấp lập trường của mình đối với các loại tiền tệ của thị trường mới nổi xuống mức và gọi đây là bước ngoặt có thể xảy ra đối với nợ của thị trường mới nổi.
Các thị trường mới nổi chỉ mới bắt đầu đảo ngược tình trạng suy giảm xếp hạng tín nhiệm kéo dài một thập kỷ vào năm ngoái sau làn sóng vỡ nợ, được đẩy nhanh dưới những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 và là động lực chính khiến chi phí đi vay tăng cao.
Một số nhà đầu tư cho biết thuế quan có thể thay đổi cơ bản cách họ tiếp cận các thị trường mới nổi. “Nếu thuế quan vẫn như vậy, chúng ta chắc chắn cần phải suy nghĩ về câu chuyện tăng trưởng theo định hướng xuất khẩu của các nền kinh tế mới nổi”, Gary Tan, một nhà quản lý danh mục đầu tư tại Allspring Global Investments cho biết. “Nếu mô hình này bị phá vỡ, thì chắc chắn chúng ta phải xem xét lại cách thức đầu tư vào thị trường mới nổi”.
… và “công xưởng” châu Á
Hầu hết các nền kinh tế châu Á phải gánh chịu mức thuế quan rất cao, trong đó 6/9 quốc gia Đông Nam Á trong danh sách của Trump đã bị áp thuế từ 32% đến 49%.
Citi cho biết, thuế quan đã tác động đặc biệt mạnh đến công xưởng châu Á, ước tính mức thuế trung bình có trọng số của Hoa Kỳ tăng 21%, nhưng Đông Nam Á và Trung Quốc tăng 34%, so với mức 20% của châu Âu và một số ít nước ở Mỹ Latinh vượt quá 10%.
Fred Neumann - Chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á tại HSBC cho biết, ông kỳ vọng các nhà hoạch định chính sách của ngân hàng trung ương ở châu Á sẽ vào cuộc bằng cách cắt giảm lãi suất. “Điều này có khả năng gây ra cú sốc tăng trưởng đáng kể cho khu vực bao gồm Đông Nam Á”, Neumann cho biết. “Điều đó có nghĩa là các ngân hàng trung ương có thể sẽ ưu tiên tăng trưởng hơn lo ngại về lạm phát”.
Mặc dù các nền kinh tế mới nổi ở châu Mỹ Latinh và nhiều quốc gia châu Phi chỉ phải chịu mức thuế quan tương đối thấp hơn, khiến cho họ có lợi thế cạnh tranh xuất khẩu trong ngắn hạn so với các đối thủ phải chịu mức thuế cao hơn. Nhưng các nhà đầu tư cảnh báo, vẫn chưa rõ các biện pháp này sẽ kéo dài bao lâu - hoặc những tác động thứ cấp của sự thay đổi trong thương mại toàn cầu chưa từng có trong kỷ nguyên hiện đại.
“Chúng ta chưa từng thấy những thay đổi lớn như vậy trong 80 năm qua”, Yvette Babb - Giám đốc danh mục đầu tư tại William Blair cho biết.
Khuyến nghị từ IMF
Trong phát biểu hôm thứ Năm (3/4), Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cho biết, các mức thuế quan toàn diện mà ông Trump công bố hôm 2/4 gây ra rủi ro đáng kể cho nền kinh tế toàn cầu trong thời điểm tăng trưởng chậm chạp.
Theo Tổng giám đốc IMF, điều quan trọng hiện nay là phải tránh các bước đi có thể gây hại thêm cho nền kinh tế toàn cầu và kêu gọi Mỹ cùng các đối tác thương mại của mình hợp tác xây dựng để giảm căng thẳng.
“Chúng tôi vẫn đang đánh giá các tác động kinh tế vĩ mô của các biện pháp thuế quan đã công bố, nhưng rõ ràng chúng gây ra rủi ro đáng kể cho triển vọng toàn cầu trong thời điểm tăng trưởng chậm chạp”, bà Georgieva cho biết trong bình luận mạnh mẽ nhất của bà cho đến nay về những rủi ro do các hành động thương mại của Mỹ gây ra.
“Điều quan trọng là phải tránh các bước đi có thể gây hại thêm cho nền kinh tế thế giới. Chúng tôi kêu gọi Mỹ cùng các đối tác thương mại hợp tác xây dựng để giải quyết căng thẳng thương mại và giảm bớt sự bất ổn”.
Bà cũng cho biết, IMF sẽ đưa ra đánh giá của mình về mức thuế quan đã công bố khi công bố bản cập nhật cho Triển vọng Kinh tế Thế giới trong các cuộc họp thường niên của IMF/WB từ ngày 21 đến ngày 26 tháng 4 tại Washington, D.C.
Trước đó hôm 31/3, người đứng đầu định chế cho vay toàn cầu này đã nói với Reuters rằng, việc chính quyền ông Trump thúc đẩy mức thuế quan rộng rãi đang tạo ra sự bất ổn lớn và làm giảm niềm tin, nhưng không có khả năng gây ra suy thoái trong tương lai gần. Vào thời điểm đó, bà Georgieva cho biết IMF có khả năng sẽ hạ triển vọng kinh tế một chút, đồng thời nói thêm rằng “chúng tôi không thấy suy thoái trong tương lai gần”.
Tuy nhiên mức thuế quan của Mỹ được công bố hôm 2/4 vượt xa mức mà các chuyên gia thương mại đã dự đoán hoặc mong đợi và điều đó có thể làm thay đổi mọi dự báo trước đây.