Các ngân hàng 'chạy đua' thu thập dữ liệu sinh trắc học trước 'giờ G'

Từ ngày 1/7, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu tất cả tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phải xác thực dữ liệu sinh trắc học với giao dịch chuyển tiền trên 10 triệu đồng trở lên.

Khách hàng cập nhập khuôn mặt tại phòng giao dịch. (Ảnh: Vietnam+)

Khách hàng cập nhập khuôn mặt tại phòng giao dịch. (Ảnh: Vietnam+)

Những vụ lộ thông tin, đánh cắp tài khoản và sử dụng AI để lừa đảo liên tục xảy ra thời gian qua khiến dư luận lo ngại. Để đối phó với vấn nạn này, Ngân hàng Nhà nước đưa ra quy định về việc xác thực bằng khuôn mặt của chủ tài khoản khi giao dịch tài chính online.

Ngân hàng chạy nước rút

Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cho biết trong thời gian qua, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt đã phát triển mạnh mẽ với hơn 182 triệu tài khoản thanh toán của khách hàng cá nhân, tương ứng với hơn 87% người trưởng thành có tài khoản tại ngân hàng. Đặc biệt, số lượng giao dịch thanh toán qua kênh di động và QR code tăng trưởng nhanh chóng.

Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển này, ngành Ngân hàng cũng phải đối mặt với những rủi ro, thách thức không nhỏ về công tác đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật, đặc biệt trong bối cảnh gia tăng tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tiền và tài khoản ngân hàng của người dân với nhiều thủ đoạn tinh vi, phức tạp.

Để tăng cường bảo mật, ông Tuấn cho biết theo Quyết định 2345, từ ngày 1/7, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu tất cả tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán phải xác thực dữ liệu sinh trắc học với giao dịch chuyển tiền trên 10 triệu đồng trở lên hoặc tổng giá trị giao dịch trong ngày trên 20 triệu đồng. Dữ liệu sinh trắc học này phải kiểm tra, đối chiếu với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Bên cạnh đó, Quyết định 2345 cũng đưa ra các yêu cầu về xác thực sinh trắc học khi khách hàng lần đầu thực hiện giao dịch trên ứng dụng Mobile Banking hoặc trên thiết bị mới. Đồng thời, tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán cũng phải lưu trữ thông tin về thiết bị giao dịch trực tuyến của khách hàng tối thiểu trong vòng 3 tháng.

Hiện một loạt ngân hàng đang tiến hành thu thập dữ liệu sinh trắc học của khách hàng là Vietcombank, BIDV, VietinBank, TPBank, Techcombank, Eximbank, SHB, OCB, PVcombank…

TPBank là ngân hàng đầu tiên áp dụng công nghệ sinh trắc học từ những năm 2017 - 2018, khi TPBank tiên phong trong việc thu thập các dữ liệu sinh trắc học của khách hàng tại LiveBank 24/7, cho phép khách hàng sử dụng khuôn mặt/vân tay để xác thực các giao dịch.

Điều này càng lý giải sự thuận lợi, dễ dàng, nhanh chóng trong triển khai xác thực theo Quyết định 2345.

Nhờ chiến lược tập trung cùng nền tảng công nghệ hiện đại, TPBank đã nhanh chóng đồng bộ quy trình để vừa thu thập dữ liệu khách hàng, vừa đảm bảo vận hành với khối lượng giao dịch cao hàng ngày. Ngày 20/6, TPBank đã trở thành một ngân hàng đi đầu tuân thủ áp dụng 100% Quyết định 2345 trong các giao dịch giá trị cao với tất cả khách hàng, sớm trước 10 ngày so với ngày quyết định có hiệu lực (1/7/2024).

Ông Nguyễn Hưng - Tổng Giám đốc TPBank chia sẻ: “Bảo vệ khách hàng sớm nhất, tối đa nhất luôn là mục tiêu được chúng tôi đặt lên hàng đầu song song với việc phát triển sản phẩm, dịch vụ mới, sáng tạo đáp ứng nhu cầu và thị hiếu khách hàng ngày càng cao. Nhận thức được tầm quan trọng của Quyết định 2345 mang lại những giá trị tích cực cho cả ngân hàng và khách hàng, với hệ thống sẵn có, TPBank đã nhanh chóng dồn lực thực hiện theo chuẩn của Quyết định để đảm bảo tính an toàn của tài khoản khách hàng ở mức cao hơn nhanh nhất có thể.”

 Xác thực khuôn mặt nhằm ngăn chặn mất tiền trong tài khoản. (Ảnh: Vietnam+)

Xác thực khuôn mặt nhằm ngăn chặn mất tiền trong tài khoản. (Ảnh: Vietnam+)

SHB cũng cho biết từ thời điểm này, khách hàng có thể đăng ký dữ liệu sinh trắc học tại điểm giao dịch của ngân hàng này trên toàn quốc hoặc ứng dụng ngân hàng điện tử.

SHB sẽ cập nhật và bổ sung dữ liệu sinh trắc học từ thẻ căn cước công dân gắn chíp của khách hàng để bảo vệ an toàn tài khoản và đối chiếu với cơ sở dữ liệu của Bộ Công an. Việc cập nhật sớm thông tin sinh trắc học từ trước thời điểm Quyết định 2345 có hiệu lực sẽ giúp khách hàng tăng cường bảo mật, chủ động các kế hoạch tài chính và tránh ảnh hưởng giao dịch trong tương lai.

Ông Trần Công Quỳnh Lân - Phó Tổng giám đốc VietinBank cũng cho hay, đã có khoảng vài trăm nghìn khách hàng chủ động cập nhật xác thực sinh trắc học trên ứng dụng ngân hàng. Từ đầu tháng Sáu, ngân hàng đã gửi thông báo tới khách hàng, ưu tiên trước với nhóm thường xuyên chuyển tiền trên 10 triệu hoặc chủ tài khoản trước đây được xác thực bằng căn cước công dân cũ (chưa gắn chip).

Vẫn còn nhiều lo ngại

Để có thể xác thực sinh trắc học lần đầu theo Quyết định số 2345, khách hàng có thể tự thao tác trên ứng dụng ngân hàng. Quy trình này gồm ba bước: Chụp ảnh mặt trước, sau của căn cước công dân; chạm căn cước công dân gắn chip vào đầu đọc chip trên điện thoại để truyền dữ liệu và cuối cùng là quét khuôn mặt. Ngoài ra, khách hàng có thể đến trực tiếp chi nhánh ngân hàng để được định danh bằng máy đọc NFC tại quầy, nếu gặp khó khăn trong việc tự xác thực ở nhà.

“Với nhóm khách hàng nước ngoài cư trú tại Việt Nam không được cấp căn cước công dân gắn chip, Ngân hàng Nhà nước cũng vừa có Quyết định 718, hướng dẫn. Theo đó, khách hàng nước ngoài có thể sử dụng hộ chiếu và đến trực tiếp chi nhánh ngân hàng, để được nhân viên hỗ trợ kiểm tra và cập nhật thông tin sinh trắc học của khách hàng vào kho dữ liệu,” đại diện TPBank cho biết.

Hiện, điểm chung khiến các ngân hàng và ví điện tử lo ngại trong quá trình xác thực là ở khâu chạm căn cước công dân vào vị trí đọc chip trên điện thoại. Hiện tại, mỗi điện thoại, đặc biệt là dòng Android có các vị trí chip khác nhau.

Tuy nhiên, nhiều người phản ánh việc tự cập nhật dữ liệu trên các ứng dụng ngân hàng thường xuyên bị lỗi, nhất là với nhóm khách lớn tuổi, không rành công nghệ hoặc điện thoại có vấn đề.

Chị Nguyễn Thu Thủy (Quận Long Biên-Hà Nội) cho biết đã vào app đăng ký nhưng đến đến bước đưa căn cước công dân ra sau điện thoại để quét thông tin, chị loay hoay làm đi làm lại vẫn chưa thực hiện được.

 Nhiều khách hàng gặp khó khăn trong khâu quét thông tin trên căn cước công dân. (Ảnh: Vietnam+)

Nhiều khách hàng gặp khó khăn trong khâu quét thông tin trên căn cước công dân. (Ảnh: Vietnam+)

Các ngân hàng thừa nhận việc thu thập dữ liệu còn gặp không ít khó khăn, đặc biệt với các khách hàng lớn tuổi, chưa quen sử dụng điện thoại thông minh hay những khách hàng chưa làm lại căn cước công dân gắn chip hay những người phẫu thuật thẩm mỹ.

Điểm chung khiến các ngân hàng và ví điện tử lo ngại trong quá trình xác thực là ở khâu chạm căn cước công dân vào vị trí đọc chip trên điện thoại. Hiện mỗi loại điện thoại lại có các vị trí chip khác nhau. Có nhiều dòng điện thoại thông minh cấu hình mạnh nhưng vẫn không có đầu đọc NFC.

Bà Dương Mai Anh, Giám đốc Điều hành Công ty cổ phần Công nghệ Vidiva - sở hữu ví điện tử Ting - cho hay, người dùng thường lúng túng khi xác định vị trí chip trên căn cước công dân và vị trí chip trên điện thoại. Trên căn cước công dân, chip thường nằm ở vị trí dấu mộc đỏ. Còn mỗi điện thoại có các vị trí chip khác nhau, có thể nằm cạnh camera hoặc nằm chính giữa điện thoại.

“Khách hàng nên di chuyển căn cước công dân lên xuống theo chiều dọc điện thoại cho tới khi hai chip tìm thấy nhau và giữ nguyên trong vài giây,” bà Dương Mai Anh tư vấn.

Ngoài hình thức đăng ký trực tuyến, chủ tài khoản ngân hàng có thể cầm căn cước công dân ra trực tiếp chi nhánh để được hỗ trợ xác thực lần đầu./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/cac-ngan-hang-chay-dua-thu-thap-du-lieu-sinh-trac-hoc-truoc-gio-g-post960898.vnp