Các nhà đầu tư chờ đợi quan điểm của Fed về lạm phát trong cuộc họp sắp tới
Các nhà đầu tư đang chờ đợi cuộc họp cuối cùng của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) trong năm nay để xem Fed có kế hoạch hoàn tất chương trình mua trái phiếu nhanh như thế nào và nhận ra các dấu hiệu về thời điểm có thể bắt đầu tăng lãi suất vào năm 2022.
Cổ phiếu đang trở lại mức cao kỷ lục sau đợt bán tháo vào tuần trước sau lo lắng về biến thể Omicron và nhận xét từ Chủ tịch Fed Jerome Powell rằng, Fed có thể thảo luận về việc đẩy nhanh việc giảm chương trình mua tài sản 120 tỷ USD mỗi tháng chương trình tại cuộc họp tuần sau.
Tuy nhiên, thị trường có khả năng xảy ra biến động mới nếu Fed rút lại các gói kích thích bao gồm cả việc giảm nhanh lượng mua trái phiếu để dọn đường cho việc ngân hàng trung ương tăng lãi suất sớm hơn. Chính sách tiền tệ nới lỏng cùng các gói kích thích đã giúp thị trường chứng khoán tăng hơn gấp đôi so với mức thấp nhất vào tháng 3/2020.
Thị trường cũng có thể bị xáo trộn nếu Fed báo hiệu sự lo lắng lớn hơn về lạm phát, nhất là khi ông Powell cho rằng lạm phát không còn có thể được mô tả là "nhất thời". Dữ liệu vào thứ Sáu (10/12) cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng tháng 11 của Mỹ đã ghi nhận mức tăng hàng năm lớn nhất trong gần bốn thập kỷ, điều này củng cố trường hợp Fed có thể tăng lãi suất sớm hơn.
Jack Ablin, Giám đốc đầu tư tại Cresset Capital Management cho biết: “Yếu tố lớn nhất trong thị trường chứng khoán vẫn đang và sẽ là lãi suất”.
Trong đó, lãi suất cao hơn có thể làm giảm sức hấp dẫn của cổ phiếu bằng cách tạo ra mức chiết khấu lớn hơn cho dòng tiền trong tương lai của các công ty, có khả năng gây áp lực cho việc định giá cổ phiếu đã được nâng cao theo các tiêu chuẩn lịch sử.
Theo Refinitiv Datastream, chỉ số S&P 500 đã tăng 25% trong năm nay và đang giao dịch ở mức P/E 20,5 lần so với mức định giá trung bình trong lịch sử là 15,5 lần.
Lợi tức trên trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ đã tăng khoảng 0,15% so với đầu tháng lên 1,49%, nhưng thấp hơn mức 1,776% đã đạt được vào tháng 3.
Một số cổ phiếu đã bị ảnh hưởng bởi những lo lắng về lãi suất cao hơn trong năm nay bao gồm các cổ phiếu nghệ và tăng trưởng đã tăng mạnh trong thời gian kinh tế đóng cửa vào năm 2020.
Tuy nhiên, thị trường phần lớn đã chấp nhận chính sách thắt chặt tiền tệ. Các nhà phân tích tại BofA Global Research cho biết trong một báo cáo gần đây rằng, chứng khoán chủ yếu tăng điểm khi Fed bình thường hóa chính sách trong thập kỷ qua.
Tháng trước, Fed đã bắt đầu giảm bớt việc mua trái phiếu kho bạc và chứng khoán được bảo đảm bằng thế chấp (MBS) với tốc độ có thể đúng hướng để hoàn thành việc rút lại hoàn toàn chương trình mua tài sản vào giữa năm 2022.
Sau các bình luận của ông Powell, các nhà đầu tư hiện tin rằng Fed có thể đẩy nhanh tốc độ cắt giảm và kết thúc chương trình mua trái phiếu vào tháng 3/2022, điều này có thể cho phép Fed có khả năng bắt đầu tăng lãi suất sớm hơn.
Trong khi đó, dự báo vào các đợt tăng lãi suất sớm hơn cũng đã tăng lên. Theo công cụ FedWatch của CME Group, các nhà giao dịch vào cuối ngày thứ Sáu (10/12) đã dự báo hơn 50% khả năng tăng lãi suất vào tháng 5/2022, tăng so với cơ hội khoảng 30% một tháng trước.
Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng muốn tìm hiểu quan điểm của ngân hàng trung ương về tác động tiềm tàng của biến thể Omicron đối với tăng trưởng kinh tế hoặc lạm phát.
Một kịch bản có thể xảy ra được UBS Global Wealth Management đưa ra trong báo cáo gần đây cho thấy biến thể này có thể làm phức tạp thêm các vấn đề chuỗi cung ứng đã góp phần gây ra lạm phát trong những tháng gần đây, gây lo ngại Fed có thể cần thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh hơn. Tuy nhiên, tình huống cơ bản của UBS giả định biến thể Omicron sẽ không làm việc khôi phục chuỗi cung ứng bị trật bánh.
Mona Mahajan, chiến lược gia đầu tư cấp cao tại Edward Jones cho biết, cuộc họp của Fed có thể mang lại sự rõ ràng hơn cho các nhà đầu tư sau một loạt biến động gia tăng trong những tuần gần đây.
“Có vẻ như thị trường đã có hai mối lo lắng: biến thể Omicron và con đường của Fed”, chiến lược gia Mona Mahajan cho biết.