Các nhà khoa học đề xuất giải pháp ứng phó với dịch Covid-19 giai đoạn mới
Sáng 17-3, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc đã chủ trì cuộc họp tham vấn ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học về các hướng nghiên cứu tiếp theo để phục vụ tốt hơn công tác phòng, chống dịch Covid-19 giai đoạn mới.
Cuộc họp nhằm cụ thể hóa một trong những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ được nêu tại Chỉ thị số 13/CT-TTg, ban hành ngày 11-3-2020, trong đó giao Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế tiếp tục tập trung chỉ đạo nghiên cứu phương thức phòng, chống, phác đồ điều trị, vắc-xin phòng dịch Covid-19, sớm đưa kit thử vào sử dụng.
Cuộc họp giữa lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ với các nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực dịch tễ, vắc xin sáng 17-3.
Trao đổi tại cuộc họp, Thứ trưởng Phạm Công Tạc cho biết, hiện nay, một trong bốn nhiệm vụ KH-CN cấp quốc gia đột xuất để phòng, chống dịch Covid-19 là nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm (bộ kit) realtime RT- PCR one step phát hiện vi rút corona chủng mới (SARS-CoV-2) do Học viện Quân y và Công ty cổ phần công nghệ Việt Á thực hiện đã thành công tốt đẹp, góp phần quan trọng trong công tác phòng, chống dịch. Một số quốc gia đã đặt vấn đề mua kit của Việt Nam sản xuất và Bộ KH-CN đã cung cấp thông tin về bộ kit này cho toàn bộ khối khoa học công nghệ của ASEAN.
Tại cuộc họp, các nhà khoa học, trong đó có các chuyên gia Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, Ban chủ nhiệm Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Học viện Quân y, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bộ Y tế và một số đơn vị nghiên cứu, sản xuất vắc xin đã đề xuất nhiều ý kiến tâm huyết.
GS.TS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương đề xuất, trong giai đoạn hiện nay và chuẩn bị cho tình huống lâu dài nếu dịch bùng phát, Việt Nam phải nghiên cứu robot hỗ trợ trong môi trường lây nhiễm nguy hiểm, như hỗ trợ chăm sóc bệnh nhân cách ly, lau chùi, khử khuẩn phòng cách ly… Ngoài ra, phải chủ động sản xuất kháng thể đơn dòng và về lâu dài phải nghiên cứu sản xuất vắc-xin.
Đồng quan điểm, GS.TS Lê Bách Quang, thành viên Ban chủ nhiệm Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020 nhất trí, về lâu dài phải nghiên cứu vắc-xin và đề nghị Bộ KH-CN xem xét, hỗ trợ đơn vị được giao nhiệm vụ sản xuất nhanh bộ kit test sàng lọc để giảm lượng người cách ly, giảm thiểu tốn kém cho xã hội.
GS.TS Lê Bách Quang cũng đề nghị chủ động cung cấp máy thở và oxy cho các bệnh viện, nghiên cứu các giải pháp khử khuẩn tiền mặt và mở rộng mạng lưới phòng thí nghiệm đủ điều kiện xét nghiệm Covid-19 nhưng chưa được giao nhiệm vụ…
Thống nhất quan điểm với các nhà khoa học, Thứ trưởng Phạm Công Tạc cho biết, sẽ đôn đốc thực hiện đề tài “Nghiên cứu chế tạo hệ thống phát hiện nhanh để sàng lọc dịch Covid-19” do Công ty TNHH một thành viên sinh hóa Phù Sa - Biochem chủ trì phối hợp với Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh và Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN, Sở KH-CN Cần Thơ để sớm có kit thử đưa vào sử dụng.
Bộ KH-CN sẽ trao đổi chuyên môn sâu hơn và sẽ tổ chức hội thảo khoa học liên quan đến từng vấn đề, đồng thời cùng Bộ Y tế nghiên cứu đề xuất Chính phủ chiến lược bài bản về vắc-xin.
Về lâu dài, Việt Nam cần có một chiến lược đầu tư dài hạn và liên tục nghiên cứu về các vi rút cúm và các dịch bệnh mới nổi khác, đồng thời đào tạo thêm nhiều chuyên gia lâm sàng, dịch tễ học; có thêm trang thiết bị hiện đại... để kịp thời ứng phó khi có dịch xuất hiện; hình thành và tích lũy những năng lực cần thiết để ứng phó kịp thời trước bệnh dịch trong tương lai.