Các nhà khoa học dự định dùng AI để dịch tiếng động vật sang ngôn ngữ con người

Giấc mơ trở thành 'Dr. Doolittle' ngoài đời thực có thể sớm thành hiện thực, khi Baidu hé lộ kế hoạch phát triển hệ thống AI giúp con người hiểu tiếng kêu của động vật.

Không ít người nuôi thú cưng luôn tự hỏi: Liệu chú chó của mình đang vui, buồn hay chỉ đơn giản là đói? Giờ đây, các nhà khoa học tại công ty công nghệ Baidu (Trung Quốc) đang nỗ lực trả lời câu hỏi đó bằng trí tuệ nhân tạo.

Gã khổng lồ công nghệ có trụ sở tại Bắc Kinh vừa nộp đơn xin cấp bằng sáng chế cho một hệ thống AI có khả năng “dịch” tiếng động vật – từ tiếng sủa, tiếng meo cho đến các dấu hiệu sinh học và hành vi – thành ngôn ngữ con người như tiếng Trung Quốc hay tiếng Anh.

Nếu bạn từng mong muốn có thể hiểu được chú chó của mình đang cố nói gì với bạn, thì cuối cùng giải pháp AI có thể đã xuất hiện.

Nếu bạn từng mong muốn có thể hiểu được chú chó của mình đang cố nói gì với bạn, thì cuối cùng giải pháp AI có thể đã xuất hiện.

Theo tài liệu bằng sáng chế, hệ thống sẽ thu thập dữ liệu không chỉ từ âm thanh, mà còn từ ngôn ngữ cơ thể, thay đổi hành vi và các tín hiệu sinh học khác. Sau quá trình tiền xử lý và phân tích bằng AI, trạng thái cảm xúc của động vật sẽ được xác định, gán ý nghĩa cụ thể và dịch ra lời nói.

Baidu khẳng định hệ thống này sẽ “tăng cường sự thấu hiểu cảm xúc và giao tiếp giữa con người với động vật, nâng cao độ chính xác và hiệu quả của tương tác liên loài”.

Tuy nhiên, công ty cho biết dự án vẫn đang ở giai đoạn nghiên cứu. “Đã có rất nhiều sự quan tâm sau khi chúng tôi nộp đơn sáng chế, nhưng vẫn còn sớm để nói về sản phẩm thương mại,” một phát ngôn viên của Baidu chia sẻ.

Theo South China Morning Post, bằng sáng chế được nộp từ tháng 12 năm ngoái nhưng chỉ mới được công bố trong tuần này. Dù chưa rõ hình dạng sản phẩm cuối cùng, nhiều chuyên gia dự đoán đây có thể là một ứng dụng phân tích video thú cưng để đưa ra “bản dịch” theo thời gian thực.

Dự án của Baidu không phải là nỗ lực đầu tiên trên thế giới nhằm giải mã tiếng động vật bằng AI. Earth Species Project – tổ chức phi lợi nhuận được hậu thuẫn bởi Reid Hoffman (đồng sáng lập LinkedIn) – cũng đang nghiên cứu lĩnh vực này. Trong khi đó, Project CETI đã dùng AI để phân tích cách cá nhà táng giao tiếp từ năm 2020, và các nhà khoa học Đan Mạch đã thành công trong việc xác định cảm xúc của lợn thông qua tiếng kêu.

Thông tin về bằng sáng chế của Baidu đã nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc, thu hút hàng loạt ý kiến trái chiều. Một số người bày tỏ háo hức với công nghệ tương lai, trong khi số khác tỏ ra hoài nghi. “Nghe có vẻ ấn tượng, nhưng cần xem thực tế ứng dụng như thế nào,” một người dùng Weibo bình luận.

James Bore – chuyên gia công nghệ tại Bores Group – cho rằng sản phẩm của Baidu có thể chỉ là một phần trong làn sóng tận dụng cơn sốt AI. “Tôi nghĩ nó sẽ giống các ứng dụng dịch tiếng thú cưng hiện nay – hào nhoáng nhưng chưa thực sự hiệu quả,” ông nhận xét.

Dẫu vậy, Baidu vẫn tiếp tục đầu tư mạnh vào lĩnh vực AI. Tháng trước, công ty vừa giới thiệu Ernie 4.5 Turbo – mô hình AI mới được quảng bá là có hiệu suất sánh ngang các đối thủ hàng đầu. Tuy nhiên, chatbot Ernie vẫn chưa thể tạo được sức hút như ChatGPT hay DeepSeek trên thị trường.

Dù còn nhiều câu hỏi bỏ ngỏ, không thể phủ nhận rằng AI đang mở ra cánh cửa cho một tương lai nơi con người và thú cưng có thể “nói chuyện” với nhau – điều tưởng chừng chỉ có trong truyện cổ tích.

Như Ý (Daily Mail)

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/cac-nha-khoa-hoc-du-dinh-dung-ai-de-dich-tieng-dong-vat-sang-ngon-ngu-con-nguoi/20250510095624802