Các nhà khoa học ra tối hậu thư về nhiệt độ: 'Bây giờ hoặc không bao giờ'

Ngày 4/4, Liên Hợp Quốc cảnh báo nhiệt độ trên Trái Đất sẽ vượt qua mức giới hạn 1,5 độ C mà các quốc gia cam kết, trừ khi tất cả các chính phủ và tập đoàn nỗ lực giảm thiểu lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Theo báo cáo của IPCC, hành tinh này sẽ nóng lên từ 2,4 độ C đến 3,5 độ C vào cuối thế kỷ này, nếu các quốc gia không nỗ lực cắt giảm khí nhà kính. Ảnh: Nikkei Asia

Theo báo cáo của IPCC, hành tinh này sẽ nóng lên từ 2,4 độ C đến 3,5 độ C vào cuối thế kỷ này, nếu các quốc gia không nỗ lực cắt giảm khí nhà kính. Ảnh: Nikkei Asia

Trong báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC), Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết “lời hứa về khí hậu” của các chính phủ và tập đoàn “đang bị phá vỡ”, hiện tượng ấm lên toàn cầu do phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch đang ngày càng gia tăng. Cuộc chiến để giữ cho nhiệt độ toàn cầu dưới 1,5 độ C đã đến giới hạn “ngay bây giờ hoặc không bao giờ”.

“Đây là một báo cáo đáng xấu hổ. Tất cả chúng ta đều đưa ra những lời cam kết sáo rỗng mà không có hành động quyết liệt để đối phó với một thế giới có không thể sống được”, AP dẫn lời ông Antonio Guterres.

Trái đất vẫn tiếp tục nóng lên mỗi ngày

Các chính phủ đều cam kết trong Hiệp định Paris về Biến đổi Khí hậu năm 2015, với mục tiêu duy trì sự nóng lên toàn cầu ở mức dưới 2 độ C trong thế kỷ này và mức lý tưởng là không quá 1,5 độ C. Tuy nhiên, nhiệt độ Trái đất đã tăng hơn 1,1 độ C kể từ thời tiền công nghiệp, dẫn đến sự gia tăng các thảm họa như lũ quét, hạn hán kéo dài, bão, cháy rừng,...

Tuy nhiên, Ban hội thẩm của IPCC cho biết: “Lượng phát thải toàn cầu dự kiến (mà các quốc gia đã cam kết) đang hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C. Tuy nhiên, với tình hình hiện tại, việc hạn chế nhiệt độ tăng lên ở mức 2 độ C sau năm 2030 sẽ là một thách thức”.

Đồng chủ trì của báo cáo, ông James Skea của Đại học Hoàng gia London, cảnh báo: “Nếu chúng ta tiếp tục hành động như hiện tại, chúng ta thậm chí sẽ không đạt mục tiêu giới hạn sự nóng lên toàn cầu ở mức 2 độ C, chứ đừng nghĩ đến con số 1,5 độ C”.

Ông Guterres cho biết: “Để duy trì sự nóng lên toàn cầu chỉ ở ngưỡng 1,5 độ C như trong Hiệp định Paris, chúng ta cần cắt giảm 45% lượng khí thải trong thập kỷ này. Tuy nhiên, những cam kết về khí hậu hiện tại chỉ khiến lượng khí thải tăng thêm 14%”.

Một nhà máy chế biến than ở Hejin thuộc tỉnh Sơn Tây, miền trung Trung Quốc. Ảnh: AP

Một nhà máy chế biến than ở Hejin thuộc tỉnh Sơn Tây, miền trung Trung Quốc. Ảnh: AP

IPCC kết luận rằng, để có thể đạt mục tiêu Trái Đất nóng lên không quá 1,5 độ C vào cuối thế kỷ đòi hỏi phải loại bỏ một lượng lớn khí carbon dioxide (CO2) khỏi bầu khí quyển. Nhiều chuyên gia cho rằng điều này là không khả thi với các công nghệ hiện tại và ngay cả khi nó có thể thực hiện được thì nó sẽ tốn kém hơn nhiều so với việc ngăn chặn lượng khí thải ngay từ đầu.

Các tác giả của báo cáo cho biết, hành tinh này sẽ nóng lên từ 2,4 độ C đến 3,5 độ C vào cuối thế kỷ này, trừ khi các quốc gia đẩy mạnh nỗ lực cắt giảm khí nhà kính. Với mức nhiệt độ trên, phần lớn dân số thế giới sẽ chịu những tác động nghiêm trọng do biến đổi khí hậu.

Mặc dù không nêu rõ tên các quốc gia, nhưng các số liệu trong báo cáo cho thấy phần lớn khí CO2 đã có trong khí quyển - được thải ra bởi các quốc gia giàu có, những nước đầu tiên đốt than, dầu và khí đốt khi cuộc cách mạng công nghiệp bắt đầu vào những năm 1850.

ICPP cho biết, khoảng 40% lượng khí thải kể từ đó đến từ khu vực châu Âu và Bắc Mỹ. Chỉ hơn 12% có thể là do Đông Á (trong đó có Trung Quốc). Quốc gia này đã vượt Mỹ để trở thành nước phát thải khí nhà kính hàng đầu thế giới vào giữa những năm 2000. Trong đó, 10% số hộ gia đình có mức thu nhập cao nhất thế giới tạo ra 36-45% lượng phát thải khí nhà kính trên toàn cầu.

Thế giới đang đứng ở 'ngã ba đường'

Chủ tịch IPCC Hoesung Lee cho biết, mặc dù nhân loại đang ở “ngã ba đường”, nhưng chúng ta vẫn có các biện pháp cần thiết để hạn chế tình trạng nóng lên toàn cầu. Theo báo cáo, tình hình hiện tại của thế giới không phải là đã hết hy vọng.

Các chuyên gia đã nêu một số cách có thể đảo ngược nhiệt độ toàn cầu trở về ngưỡng tăng 2 độ C, hoặc thậm chí có thể quay trở lại 1,5 độ C.

IPCC khuyến nghị một số biện pháp có thể giúp giảm 40-70% lượng phát thải carbon vào năm 2050, như cắt giảm các chuyến bay đường dài, thúc đẩy chế độ ăn dựa trên thực vật, xây dựng các tòa nhà có khả năng chống chịu biến đổi khí hậu, cắt giảm nhu cầu năng lượng...

Các biện pháp loại bỏ CO2 khỏi khí quyển được khuyến nghị như sử dụng các công nghệ hiện đại như bơm Aerosol vào bầu khí quyển, làm một phần ánh sáng mặt trời sẽ phản xạ vào trong vũ trụ, qua đó làm mát bề mặt của Trái Đất.

Ngoài ra, các chính phủ cần chuyển hướng nhanh chóng từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời và gió, điện khí hóa giao thông, sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn. Đồng thời cần hỗ trợ tài chính lớn cho các nước nghèo, không có khả năng chi trả cho các biện pháp đó.

Lượng băng khổng lồ "bốc hơi" khỏi Greenland trong thế kỷ này sẽ khiến mực nước biển dâng cao nhất trong suốt 12.000 năm qua. Ảnh: AP

Lượng băng khổng lồ "bốc hơi" khỏi Greenland trong thế kỷ này sẽ khiến mực nước biển dâng cao nhất trong suốt 12.000 năm qua. Ảnh: AP

Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng đề xuất biện pháp "dễ thực hiện" đó là ngăn chặn sự rò rỉ khí metan từ mỏ, giếng dầu và xử lý các bãi rác vì khí thải từ chúng chỉ tồn tại trong thời gian ngắn ở bầu khí quyển. Mỹ và Trung Quốc đã cùng thỏa thuận điều này tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP26) năm 2021 tại Glasgow (Anh).

Tuy nhiên, ông David King, cựu cố vấn khoa học chính của chính phủ Anh, hiện là chủ tịch Nhóm Cố vấn Khủng hoảng Khí hậu, nhận định: “Tính toán của IPCC bỏ qua những rủi ro mới và các hiệu ứng tiềm ẩn đã xảy ra ở một số nơi. Việc gia tăng hấp thụ nhiệt vào các đại dương đang khiến các tảng băng vĩnh cửu ngày càng tan chảy, giải phóng khí metan”.

Ông cáo buộc các chính phủ và tập đoàn phát thải khí nhà kính cao “không chỉ nhắm mắt làm ngơ mà họ đang đổ thêm dầu vào lửa”. Điều này càng khiến nhiều quốc gia dễ bị tổn thương hơn trước những biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, những kêu gọi chấm dứt khai thác than, dầu và khí đốt có thể khiến thế giới thiệt hại hàng nghìn tỷ USD.

Đặc phái viên khí hậu Liên hợp quốc Tina Stege cho biết: “Chúng tôi đang hướng tới nhóm G20, những nhà phát thải lớn nhất thế giới, để đặt ra các mục tiêu khí hậu đầy tham vọng trước COP27. Để đạt được các mục tiêu đó, các chính phủ này cần tăng cường đầu tư vào năng lượng tái tạo, cắt giảm trợ cấp than và nhiên liệu hóa thạch. Chúng ta đang quá chậm trễ để thực hiện những lời hứa đáng ra giải quyết từ lâu rồi”.

Đỗ Thảo

Nguồn Mekong Asean: https://mekongsean.vn/cac-nha-khoa-hoc-ra-toi-hau-thu-ve-nhiet-do-bay-gio-hoac-khong-bao-gio-post5129.html