Các nhà sản xuất ô tô nỗ lực thúc đẩy thị phần bán hàng trực tuyến sau thay đổi ở Hàn Quốc
Các nhà sản xuất ô tô Hàn Quốc đang tăng cường tận dụng các nền tảng bán ô tô trực tuyến để phục hồi doanh số bán hàng nội địa.
Năm 2017, Tesla bắt đầu bán xe điện của hãng thông qua một nền tảng trực tuyến ở Hàn Quốc. Điều này gây tò mò về tính hiệu quả của việc bán ô tô trực tuyến mà không cần đến đại lý. Kết quả là cách thức mua xe mới lại nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ những khách hàng trẻ quen với giao dịch thương mại điện tử.
Thống kê từ trang theo dõi thị trường địa phương CarIsYou cho thấy doanh số bán xe của Tesla tại Hàn Quốc đã tăng hơn 50% từ 11.826 chiếc năm 2020 lên 17.828 chiếc năm 2021. Tuy nhiên, con số này giảm 18% xuống chỉ còn 14.571 chiếc vào năm ngoái.
Anh Mark Woo (43 tuổi) một người nổi tiếng trên YouTube với kênh Mark World TV đã mua xe Model 3 Long Range của Tesla vào tháng 2/2020. Đến tháng 10 cùng năm Mark Woo đã chuyển sang mẫu Model 3 Performance sau khi chuyển chiếc Model 3 Long Range cho bạn. Mark Woo chia sẻ: "Tôi mua Model 3 trực tuyến vì nó chỉ có trên trang web của Tesla. Nhưng việc mua trực tuyến dễ dàng hơn vì xe điện có ít lựa chọn so với các mẫu động cơ đốt trong”. Anh bổ sung: “Tôi chỉ cần nhấp chuột để lựa chọn màu, kích cỡ bánh xe và xem xét liệu có mua phần mềm tự lái hoàn toàn (FSD) khi tôi đăng ký Model 3”.
Khi phóng viên hãng thông tấn Yonhap (Hàn Quốc) đặt câu hỏi liệu có cân nhắc mua chiếc xe ô tô tiếp theo qua hình thức trực tuyến hay không, anh Mark Woo trả lời “có”. Anh cũng đánh giá việc mua xe ô tô trực tuyến khá minh bạch và sẽ không làm giảm lòng tin của khách hàng.
Nhiều nhà sản xuất ô tô khác muốn kinh doanh trực tuyến đã lấy câu chuyện của Telsa làm tiêu chuẩn. BMW, Mercedes-Benz và Polestar cùng Hyundai, Renault Korea Motors và GM Korea đã tham gia vào cuộc đua để giành thị phần lớn hơn trong thị trường ô tô của Hàn Quốc.
Gần đây nhất, vào tháng 2 vừa qua, chi nhánh của General Motors tại Hàn Quốc là GM Korea cũng bắt đầu bán mẫu Sierra Denali qua nền tảng trực tuyến.
Hyundai Motor, nhà sản xuất ô tô hàng đầu Hàn Quốc, cũng bắt đầu bán chiếc mini SUV Casper qua nền tảng trực tuyến vào cuối tháng 9/2021. Tính đến tháng 2 năm nay, đã có trên 65.000 chiếc Casper được bán. Hyundai còn bán các mẫu xe điện IONIQ 5, Kona Electric và Nexo thông qua một nền tảng trực tuyến tại Nhật Bản.
Để bắt kịp các đối thủ của mình, Honda Motor cũng lên kế hoạch mở nền tảng trực tuyến tại Hàn Quốc trong nửa đầu năm. Hàn Quốc là quốc gia thứ hai mà nhà sản xuất ô tô Nhật Bản áp dụng nền tảng trực tuyến để bán hàng tại địa phương sau Australia, nơi nền tảng tương tự đã được ra mắt vào năm ngoái. Chi nhánh của hãng Ford ở Hàn Quốc cũng nghiên cứu bán ô tô trực tuyến tại nước này từ năm tới.
Các chuyên gia và công ty nghiên cứu thị trường sự đoán rằng đến năm 2030, một nửa các phương tiện trên thị trường toàn cầu sẽ được mua trực tuyến. Các hãng sản xuất ô tô bắt đầu nhận ra việc giảm chi phí bán hàng và sự cạnh tranh không cần thiết giữa các đại lý sẽ có lợi cho họ về lâu dài. Các chuyên gia đánh giá đơn đặt hàng đơn giản, hàng tồn kho thấp hơn và quy trình mua hàng trực tuyến là tương lai của các hãng xe.