Các nhà sản xuất ôtô Nhật Bản kỳ vọng lợi nhuận khủng năm 2022
Giám đốc điều hành của nhà sản xuất ôtô Nissan Motor Co., cho biết nếu có được nguồn cung chất bán dẫn nhiều hơn, thì lợi nhuận sẽ còn cao hơn nữa.
Các nhà sản xuất ôtô hàng đầu của Nhật Bản đang trên đà tăng lợi nhuận nhờ giá xe cao hơn do nhu cầu mạnh, bù đắp cho việc nhà máy ngừng hoạt động do dịch COVID-19 và tình trạng thiếu chip gây ra.
Trong báo cáo về thu nhập công bố đầu tuần này, Ashwani Gupta, Giám đốc điều hành của nhà sản xuất ôtô Nissan Motor Co., cho biết nếu có được nguồn cung chất bán dẫn nhiều hơn, thì lợi nhuận sẽ còn cao hơn nữa.
Nhà sản xuất ôtô Honda Motor Co. đã “nối gót” Nissan khi nâng dự báo lợi nhuận hoạt động cho năm tài chính đến hết tháng 3/2022, sau sự khởi đầu khó khăn vào năm 2021.
Trong khi đó, Toyota Motor Corp. giữ nguyên dự báo lợi nhuận hoạt động ở mức 2.800 tỷ yen (24 tỷ USD), ngay cả sau khi ngừng sản xuất trong nước vài ngày trong tháng 1/2022.
Trong nửa thế kỷ qua, các nhà sản xuất ôtô đã chứng minh rằng hoạt động sản xuất của Nhật Bản không chỉ có thể cạnh tranh mà còn thống trị ngành công nghiệp ôtô toàn cầu.
Song hiện nay, tình hình của các nhà sản xuất ôtô Nhật Bản khá khó đoán định bởi cuộc khủng hoảng chip toàn cầu, nhu cầu máy tính, tiện ích và thiết bị bùng nổ khi mọi người phải làm việc từ xa và dành nhiều thời gian ở nhà hơn.
Mặc dù tình trạng khan hiếm nguồn cung chất bán dẫn được dự báo sẽ giảm bớt vào cuối năm, nhưng nguồn cung chip analog có thể sẽ vẫn thắt chặt do nhu cầu ngày càng tăng.
Chip analog đang được sử dụng nhiều trong lĩnh vực ôtô do nhu cầu điện khí hóa và tự động hóa ngày càng tăng. Cuộc khủng hoảng chip năm 2021 chủ yếu là do sự thiếu hụt bộ vi xử lý, loại chip điện toán chính được sử dụng trong điện thoại thông minh và máy tính.
Công ty phân tích dữ liệu IHS Markit cho hay chip analog có thể trở thành yếu tố cản trở lớn đối với hoạt động sản xuất xe trong ba năm tới.
So với triển vọng ban đầu, Toyota dường như vẫn đang đi đúng hướng. Dự báo lợi nhuận hoạt động của nhà sản xuất ôtô lớn nhất thế giới này cao hơn một chút so với triển vọng ban đầu được đưa ra vào tháng 5/2021, trong khi dự báo doanh số bán hàng của hãng đã bị cắt giảm một chút do tạm dừng sản xuất.
Trong khi đó, Honda đã buộc phải hạ triển vọng vào tháng 11/2021 vì sự cố chip, làm dấy lên lo ngại về khả năng phục hồi lợi nhuận và doanh số bán hàng.
Tuy nhiên, nhà sản xuất ôtô này đã phục hồi trở lại trong tuần này và dự báo đạt lợi nhuận kinh doanh 800 tỷ yen trong năm tài chính kết thúc tháng 3/2021, cao hơn so với dự báo ban đầu đưa ra trước đó.
Nissan, ban đầu dự báo lợi nhuận không đổi, dự đoán đạt lợi nhuận 210 tỷ yen cho năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2021, nhờ tỷ giá hối đoái tốt.
Nissan cũng đã bắt tay vào kế hoạch khôi phục đưa ra năm 2020, trong đó cắt giảm khoảng 300 tỷ yen chi phí hàng năm, giảm công suất và cắt giảm các ưu đãi làm hao mòn lợi nhuận.
Koji Endo, một nhà phân tích tại SBI Securities, nhận thấy nguồn cung chất bán dẫn được cải thiện trong bối cảnh các nhà sản xuất chip tăng cường sản xuất trên toàn cầu.
Theo ông Koji Endo, tình trạng khan hiếm nguồn cung có thể sẽ tiếp diễn trong nửa đầu năm tài chính và cải thiện trong nửa sau.
Mặc dù vậy, có thể còn quá sớm để ăn mừng. Giám đốc tài chính của Mitsubishi Motors Corp. Koji Ikeya cho biết triển vọng vẫn còn ảm đạm, với khả năng cao rằng cuộc khủng hoảng chip tiếp tục kéo dài.
Các nhà phân tích tại Bloomberg Intelligence nói rằng hoạt động sản xuất ôtô hiện đang bắt đầu vượt kế hoạch sản lượng.
Các nhà phân tích Masahiro Wakasugi và Tatsuo Yoshida cho hay tình trạng thiếu hụt chip vẫn tiếp diễn, song các nhà sản xuất ôtô có thể đạt mức sản xuất trước dịch COVID nếu họ tăng 5-10% sản lượng vào năm 2022./.