Các nhà vườn ở Trà Vinh phấn khởi khi trái măng cụt được mùa, được giá
Giá măng cụt đầu vụ thu hoạch hiện đang được các thương lái thu mua tại vườn ở huyện Cầu Kè (Trà Vinh) với giá từ 70.000-100.000 đồng/kg, tăng gấp hai lần so mùa vụ thu hoạch năm trước.

Ảnh minh họa. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)
Hiện nay, các nhà vườn ở huyện Cầu Kè (tỉnh Trà Vinh) chuyên trồng cây ăn trái đặc sản măng cụt phấn khởi vì được mùa, được giá.
Giá măng cụt đầu vụ thu hoạch hiện đang được các thương lái thu mua tại vườn với giá từ 70.000-100.000 đồng/kg, tăng gấp hai lần so mùa vụ thu hoạch năm trước.
Nhà vườn Đỗ Văn Tuấn, ấp Tân Qui I, xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè chuyên trồng cây đặc sản măng cụt cho biết từ trung tuần tháng 5/2025, khi vụ thu hoạch măng cụt mới bắt đầu đã có nhiều thương lái tìm đến tận vườn để hợp đồng thu mua.
Điều làm cho nhà vườn trồng măng cụt vui nhất là mùa vụ măng cụt gặp thời tiết thuận lợi, nước mặn không kéo dài, lấn sâu vào kênh mương thủy lợi, không xuất hiện nhiều cơn mưa trái mùa nên chất lượng trái ngon và năng suất tăng cao.
Nhà vườn Nguyễn Thị Hạnh cùng xã An Phú Tân cho biết gia đình có 0,7ha măng cụt với hơn 120 cây đã 15 năm tuổi.
Năm qua, do nước mặn xâm nhập sâu vào các sông và các kênh thủy lợi đầu mối, thêm vào đó là nắng nóng kéo dài ngay vào giai đoạn cây măng cụt ra hoa, cho trái non, thiếu nước tưới nên làm giảm năng suất từ 40-50% và chất lượng trái cũng bị thiệt hại nhiều.
Nhưng năm nay, nhờ thời tiết thuận lợi, nước mặn không lấn sâu vào kênh mương, măng cụt cho trái đạt từ 10-11 tấn/ha.
Theo Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Cầu Kè Phạm Văn Kha, địa phương có diện tích trồng cây ăn trái đặc sản măng cụt nhiều nhất tỉnh. Hiện toàn huyện có gần 500ha măng cụt cho trái ở độ tuổi từ 10 đến trên 20 năm.
Tuy hiện nay, cây măng cụt đã có nhiều địa phương ở các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trồng, nhưng măng cụt vùng đất Cầu Kè vẫn được các thương lái ưu tiên thu mua vì trái bóng đẹp, vỏ mỏng, ruột dầy và rất ngon ngọt. Măng cụt của huyện Cầu Kè cũng được chứng nhận thương hiệu cùng với dừa sáp từ năm 2020./.