Các nước dần học cách sống chung an toàn với dịch bệnh COVID-19
Dịch bệnh COVID-19 sẽ không thể biến mất trong tương lai gần, do đó việc thực hiện nghiêm các quy định y tế phòng chống dịch bệnh và tiêm chủng là 'chìa khóa' để kiểm soát căn bệnh này.
Chuyên gia y tế cho rằng việc sống chung với COVID-19 là một “thực tế phải cùng nhau đối mặt” trên cơ sở cảnh báo của các nhà dịch tễ học rằng căn bệnh này sẽ không biến mất trong tương lai gần.
Indonesia: Chuyển tiếp đại dịch COVID-19 sang bệnh đặc hữu
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, ngày 10/9, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã kêu gọi dân chúng bắt đầu học cách sống chung với COVID-19 khi căn bệnh này không còn được coi là đại dịch nữa.
Phát biểu trong chuyến thị sát tại Đặc khu hành chính Yogyakarta, Tổng thống Widodo nhấn mạnh: “Chúng ta phải bắt đầu chuẩn bị cho quá trình chuyển tiếp từ đại dịch sang bệnh đặc hữu và cũng bắt đầu học cách sống chung với COVID-19,” đồng thời vẫn cần tuân thủ nghiêm các quy định y tế, đặc biệt là việc đeo khẩu trang.
Động thái thay đổi nhận thức về COVID-19 của Chính phủ Indonesia như một loại bệnh đặc hữu xuất phát từ nhận định rằng căn bệnh này sẽ không thể biến mất trong tương lai gần.
Cùng ngày, phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Y tế Budi Gunadi Sadikin cho hay trong giai đoạn chuyển tiếp này, cộng đồng đã có thể bắt đầu các hoạt động phù hợp với mức độ áp dụng lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng (PPKM) tại khu vực sinh sống.
Theo Bộ trưởng Budi, người dân cũng phải thực hiện nghiêm các quy định y tế và ngay lập tức đi tiêm chủng. Công tác xét nghiệm, truy vết, điều trị và cách ly tập trung cần được thúc đẩy hơn nữa nhằm nhanh chóng phát hiện các ca nhiễm mới.
Ông cũng nhấn mạnh theo chỉ đạo chuẩn bị sống chung với COVID-19 của Tổng thống Widodo, việc thực hiện nghiêm các quy định y tế và tiêm chủng là “chìa khóa” để kiểm soát căn bệnh này.
Trong những tuần gần đây, Indonesia đã dần nới lỏng các hạn chế xã hội, theo đó cho phép các trung tâm thương mại, địa điểm cầu nguyện và nhà hàng nâng công suất và thời gian hoạt động, đồng thời thí điểm mở cửa trở lại một số điểm du lịch tại các khu vực có nguy cơ lây lan dịch ở mức trung bình.
Thái Lan tiêm liều tăng cường cho người dân Phuket
Tại Thái Lan, giới chức y tế đã chuẩn bị tiêm vaccine ngừa COVID-19 mũi thứ 3 cho người dân hòn đảo du lịch Phuket.
Trả lời phỏng vấn truyền thông sở tại, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Y tế Công cộng Anutin Charnvirakul cho biết việc tiêm mũi thứ ba cho người dân Phuket sẽ giúp đảm bảo sự thành công của chương trình "Phuket sandbox,” vì người dân địa phương có thể tiếp xúc gần với du khách quốc tế.
Chương trình Phuket Sandbox, được triển khai vào tháng Bảy, cho phép nhập cảnh đối với khách du lịch nước ngoài đã tiêm phòng đầy đủ mà không cần phải cách ly.
Ông Anutin cũng lưu ý thêm rằng người dân Phuket đã được tiêm hai mũi vaccine của hãng Sinovac sẽ có đủ điều kiện để tiêm mũi thứ ba là vaccine của hãng AstraZeneca.
Cục trưởng Cục Kiểm soát dịch bệnh Opas Karnkawinpong cho biết 20.000 liều vaccine của AstraZeneca đã được chuyển đến Phuket để tiến hành tiêm mũi nhắc lại.
Phuket là tỉnh đầu tiên của Thái Lan từ bỏ việc bắt buộc cách ly đối với du khách quốc tế đã được tiêm phòng sau khi đạt được mục tiêu tiêm chủng cho 70% người dân.
Hòn đảo này đã đón hơn 26.000 khách du lịch nước ngoài từ ngày 1/7 đến ngày 31/8, tạo ra doanh thu lên tới 1,6 tỷ baht (khoảng 48,9 triệu USD).
Sri Lanka gia hạn lệnh giới nghiêm
Ngày 10/9, Bộ trưởng Y tế Sri Lanka Keheliya Rambukwella tuyên bố lệnh giới nghiêm trên toàn quốc, dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 13/9, sẽ được gia hạn đến 4h ngày 21/9 để ngăn ngừa dịch COVID-19 lây lan.
Lệnh giới nghiêm này sẽ được dỡ bỏ sau quyết định của Tổng thống Gotabaya Rajapaksa trong cuộc họp với Lực lượng đặc trách ứng phó với COVID-19.
Bộ trưởng Rambukwella cho biết số lượng bệnh nhân COVID-19 ở nước này đang giảm dần và giới chức trách tin tưởng rằng Sri Lanka sẽ một lần nữa có thể mở cửa trở lại mà không gặp rủi ro. Tuy vậy, ông nhấn mạnh người dân cần tiếp tục tuân thủ các quy định phòng dịch cũng như tiêm vaccine ngừa COVID-19./.