Các nước dành nhiều nguồn lực để phát triển giáo dục
Chính quyền các quốc gia trên thế giới hiện không chỉ đầu tư nguồn tài chính khổng lồ để nâng cao chất lượng giáo dục, mà còn chú trọng vào việc thay đổi chính sách nhằm cải thiện lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.
Đầu tư mạnh cho phát triển giáo dục
Mới đây, Nhật Bản đã thông báo kế hoạch đầy tham vọng để tăng mức độ cạnh tranh giáo dục với các quốc gia phát triển trên thế giới. Bộ Giáo dục Nhật Bản hôm 23/6 vừa qua cho biết sẽ dành khoản đầu tư kỷ lục tới 300 tỷ yen (tương đương hơn 2 tỷ USD) nhằm thúc đẩy việc nghiên cứu khoa học - kỹ thuật tại 111 trường đại học và trung học dạy nghề.
Theo số liệu của Bộ Giáo dục Nhật Bản, trong năm 2019, nước này chi khoảng 12.474 USD cho mỗi học sinh ở các cơ sở giáo dục, từ cấp tiểu học đến đại học. Tính riêng ở bậc đại học, mức chi tiêu trung bình cho mỗi sinh viên là 19.504 USD/năm.
Nhằm hiện thực hóa mục tiêu ươm mầm tài năng tương lai cho đất nước, các bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ hằng năm đều cung cấp các gói hỗ trợ tài chính cho ngành công nghệ thông tin, số hóa, khử cacbon và nhiều lĩnh vực khác.
Điều này cho thấy nỗ lực của Tokyo để thực hiện mục tiêu nâng tỷ lệ sinh viên ngành khoa học lên 50%, khi mà trước đó tỷ lệ này chỉ là 35%, thấp hơn các quốc gia khác như Mỹ 38% và Anh 45%.
Bên cạnh đó, Chính phủ Nhật Bản sẽ tài trợ thêm 1 tỷ yen cho 51 trường đại học quốc gia, công lập và tư thục, các trường dạy nghề đang mở rộng chương trình giảng dạy và tăng chỉ tiêu sinh viên cho các ngành liên quan đến công nghệ thông tin.
Nhằm nâng cao tỷ lệ sinh viên khoa học, chính quyền Tokyo đang có kế hoạch nới lỏng các quy định, bao gồm cả số lượng nhân viên, để thành lập thêm nhiều chuyên ngành khoa học - kỹ thuật mới. Ngoài ra, bắt đầu từ năm tài chính 2023 -2024, Nhật Bản sẽ mở rộng điều kiện được nhận học bổng đối với sinh viên có thu nhập thấp và thu nhập trung bình.
Trong khi đó, Phần Lan, một trong những quốc gia có nền giáo dục tiên tiến nhất thế giới, cũng dành nhiều ưu tiên cho lĩnh vực tiềm năng này; minh chứng là mức chi tiêu 11.766 USD vào năm 2018 cho mỗi học sinh từ cấp tiểu học đến đại học tại quốc gia Bắc Âu - cao hơn mức trung bình 10.000 USD của các nước Tổ chức Hợp tác phát triển và kinh tế (OECD).
Nguồn ngân sách quốc dành cho phát triển cơ sở giáo dục tại Phần Lan cũng cao hơn mức trung bình của các nước OECD. Trong năm 2018, Phần Lan đã chi 5,1% GDP cho các cơ sở giáo dục từ tiểu học đến đại học, cao hơn mức 0,3% của các nước thành viên OECD.
Không những vậy, để cải thiện chất lượng đội ngũ cán bộ giảng dạy, Phần Lan cũng trả thù lao cho giáo viên và nhân viên khác rất cao, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng chi tiêu dành cho giáo dục ở các cấp. Theo thống kê, trong năm 2018, Phần Lan phân bổ 61% chi tiêu cho lương thưởng của nhân viên, so với mức trung bình 74% ở các nước OECD.
Bên cạnh đó, Phần Lan luôn có những chính sách tiến bộ, thậm chí là đi trước thời đại. Có thể kể đến chính sách bình đẳng về đầu tư cơ sở vật chất, học liệu giữa các trường, cho đến bình đẳng trong việc phân bổ các môn học, không ưu tiên bất kỳ môn nào.
Quốc gia Bắc Âu cũng áp dụng chính sách miễn phí học phí và các khoản chi tiêu khác như: bữa trưa, du lịch, xe buýt cũng khiến cho gia đình, học sinh giảm bớt gánh nặng tài chính.
Việc chú trọng sự tự nguyện, tự giác học tập, không quá đặt nặng kiến thức, các kỳ thi hay bài tập về nhà cũng sẽ kích thích tinh thần tự học, giảm bớt áp lực cho học sinh.
Nâng cao vị thế của giáo dục nghề nghiệp
Nhằm tăng cơ hội giáo dục nghề nghiệp (GDNN) cho học sinh, sinh viên, ngày 13/2/2019, Trung Quốc đã công bố “Kế hoạch thực hiện cải cách GDNN quốc gia”. Theo đó, Trung Quốc cam kết tăng cường hỗ trợ tài chính cho các trường nghề và học bổng quốc gia cho giáo dục nghề nghiệp bậc trung cấp nghề.
Hệ thống GDNN của Trung Quốc được chia thành trung cấp nghề và cao đẳng nghề. Trung cấp nghề dành cho cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, những người không muốn theo đuổi chương trình học tại các trường trung học phổ thông. Cao đẳng nghề dành cho học sinh tốt nghiệp phổ thông trung học, và được tiếp nhận thông qua Kỳ thi tuyển sinh vào hệ cao đẳng “Gaokao”.
Đặc biệt hơn, Luật GDNN (sửa đổi), được Chính phủ Trung Quốc thông qua và chính thức có hiệu lực thi hành từ đầu tháng 5 năm ngoái. Luật GDNN (sửa đổi) được kỳ vọng cải thiện vị thế của đào tạo nghề và nhấn mạnh tầm quan trọng của ngành này so với giáo dục phổ thông. Đây được coi là lần cải cách lớn nhất đầu tiên trong 25 năm kể từ khi luật được xây dựng và ban hành vào năm 1996.
Theo quy định mới, học sinh tốt nghiệp các trường đào tạo nghề được hưởng cơ hội việc làm và phát triển nghề nghiệp tương đương với học sinh tốt nghiệp trường chính quy cùng trình độ.
Luật mới quy định, GDNN sẽ tích hợp với giáo dục phổ thông, từ đó tạo điều kiện cho học sinh các trường đào tạo nghề theo đuổi trình độ học vấn cao hơn. Trường nghề phải nhận học sinh khuyết tật, tăng cường xây dựng cơ sở vật chất và trợ giúp cần thiết cho cuộc sống hằng ngày của các em.
Chính quyền các cấp phải tạo môi trường việc làm bình đẳng cho sinh viên tốt nghiệp trường nghề và cấm các DN đưa ra yêu cầu tuyển dụng cản trở cơ hội việc làm của học sinh trường nghề.
Bà Song Fang, một quan chức thuộc Ủy ban Thường vụ Lập pháp Trung Quốc, cho biết, việc thực thi luật mới có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển GDNN chất lượng cao. Luật mới sẽ thúc đẩy cơ hội việc làm, cơ hội khởi nghiệp và đội ngũ chuyên gia kỹ thuật.
Bà Song Fang chia sẻ với tờ China Daily: “Để nâng cao vị thế của đào tạo nghề, luật sửa đổi mới nhấn mạnh GDNN có tầm quan trọng như giáo dục phổ thông. Do đó, tôi hy vọng chính quyền các cấp sẽ tăng cường tài trợ cho GDNN. Tăng cường bồi dưỡng, quản lý giáo viên, học sinh nhằm xây dựng môi trường học tập tốt hơn”.
Trong khi đó, ông Zhang Tao, quan chức thuộc Ủy ban Thường vụ Lập pháp Trung Quốc, đánh giá luật sửa đổi khuyến khích các DN tham gia vào quá trình đào tạo nghề để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Cũng có quan điểm tương tự, ông Lin Yu, quan chức Bộ Giáo dục, nhận định luật sửa đổi mới đã đặt nền tảng vững chắc cho sự phát triển của GDNN.
Theo ông Lin, Bộ Giáo dục Trung Quốc sẽ thúc đẩy việc hướng nghiệp cho học sinh phổ thông các cấp, đồng thời tổ chức kỳ thi tuyển sinh độc lập cho các trường đại học, cao đẳng nghề.
Bộ dự kiến xây dựng hàng loạt trường cao đẳng nghề chất lượng cao đào tạo trình độ cử nhân theo Kế hoạch 5 năm (2021 - 2025) để đào tạo nhân lực có trình độ cao. Các trường đại học, cao đẳng nghề được yêu cầu dành một tỷ lệ chỉ tiêu tuyển sinh nhất định cho thí sinh tốt nghiệp trung cấp nghề.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/cac-nuoc-danh-nhieu-nguon-luc-de-phat-trien-giao-duc.html