Các nước đánh thuế đối với thuốc lá như thế nào?

Các chính phủ thu hơn 250 tỷ USD từ thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với thuốc lá mỗi năm trên toàn cầu nhưng chỉ dành khoảng 1 tỷ USD cho việc kiểm soát thuốc lá.

Theo PwC Việt Nam (nhà cung cấp lớn nhất thế giới về các dịch vụ kiểm toán, tư vấn thuế, tư vấn pháp lý), tại châu Á và châu Âu, cơ cấu thuế TTĐB như sau: thuế tuyệt đối gồm 66 quốc gia, thuế theo tỷ lệ % 47 quốc gia và thuế hỗn hợp là 61 quốc gia.

Philippines

Từ năm 1997 - 2012, Philippines áp dụng hệ thống thuế tuyệt đối 4 bậc với mức thuế khoảng từ PHP 2,71-28,3/bao 12 điếu tùy giá bán sản phẩm. Không thực hiện điều chỉnh thuế hàng năm. Mức thuế TTĐB thấp hơn nhiều so các nước có chính sách kiểm soát thuốc lá nghiêm ngặt.

Từ năm 2013 – 2016, Philippines chuyển từ hệ thống thuế tuyệt đối 4 bậc sang 2 bậc với mức thuế từ PHP 12 - 25/bao 12 điếu năm 2013, tăng dần lên PHP 25 - 29/bao 12 điếu vào năm 2016. Khối lượng thuốc lá được tiêu thụ đã giảm.

Từ năm 2017 trở đi hệ thống thuế tuyệt đối 1 bậc thống nhất (thuế bắt đầu từ ngưỡng PHP 30 vào năm 2017 và tăng dần lên đến PHP 60 vào năm 2023 cho mỗi bao 12 điếu. Thực hiện điều chỉnh thuế TTĐB hàng năm, theo đó thuế TTĐB tăng từ 4%/năm từ năm 2018 và tăng 5%/năm từ năm 2024.

Hàn Quốc

Trong giai đoạn 1989 đến 2016, Hàn Quốc đã thay đổi từ hệ thống thuế TTĐB theo tỷ lệ % sang thuế tuyệt đối đơn bậc. Từ năm 1996 đến năm 2005 nhiều lần điều chỉnh tăng thuế TTĐB và ban hành các loại thuế, phí khác đối với thuốc lá. Thuế tăng dần theo thời gian từ 360 won/bao lên 1.565 won/bao.

Từ năm 2015 Hàn Quốc tăng thuế thuốc lá từ 1.565 won/bao lên 3.323 won/ba0. Doanh thu tăng 49% năm 2016 so với năm 2014. Đáng chú ý, tại Hàn Quốc trong thời gian trên tỷ lệ hút thuốc có xu hướng giảm dần. Hàn Quốc bắt đầu ghi nhận thuốc lá lậu từ năm 2015 khi thuế tăng đột biến.

Đức

Trong giai đoạn 2002 - 2010 tăng thuế TTĐB mạnh, nhưng do ảnh hưởng tiêu cực, phải điều chỉnh giảm thuế. Cụ thể, giai đoạn 2002 - 2005, tăng thuế từ 55,9 Euro/1.000 điếu (23,3%) lên 82,7 Euro/1.000 điếu (25,3%). Người tiêu dùng chuyển sang mua các loại thuốc lá từ các quốc gia khác. Lượng tiêu thụ thuốc lá hợp pháp giảm 34%.

Từ năm 2011 - 2015 Đức tăng dần thuế TTĐB trong 5 năm từ 80,7 Euro/1.000 điếu (24,7%) lên 96,3 Euro/1.000 điếu (21.7%), khi đó mức tiêu thụ thuốc lá giảm khoảng 3%/năm.

Giai đoạn 2016 - 2021 là gia đoạn bình ổn tăng nhẹ từ 96,3 Euro/1.000 điếu lên 98,2 Euro/1.000 điếu. Thu thuế TTĐB vẫn tăng trưởng ở mức vừa phải, nạn buôn bán thuốc lá lậu trong nước cũng đã giảm mạnh.

Anh

Nước Anh áp dụng biểu thuế lũy tiến, thuế thuốc lá được điều chỉnh để bằng hoặc cao hơn tỷ lệ lạm phát (trung bình 5%/năm).

Năm 2011, Anh tăng mạnh thuế TTĐB với thuốc lá. Thuế theo tỷ lệ phần trăm đã giảm từ 24% xuống 16,5% trong khi thuế tuyệt đối tăng lên khoảng 30% (từ 119 Euro/1.000 điếu lên 155 Euro/1.000 điếu).

Năm 2017, Anh ban hành chính sách thuế TTĐB tối thiểu (MET). Mức giá sàn được áp dụng cho cả hai thành phần thuế (thuế tuyệt đối và thuế theo tỷ lệ phần trăm). Bắt đầu từ 268,63 Euro năm 2017 tăng dần lên 347,86 Euro/1.000 điếu năm 2021. Ngoài mức sàn, mức thuế tuyệt đôi cũng tăng theo thời gian từ 207,99 Euro năm 2017 lên 262.90 Euro năm 2021.

Phương pháp áp dụng thu thuế TTĐB thuốc lá của Anh có tác dụng là mức tiêu thụ thuốc lá phải trả thuế của Anh giảm đều đặn 49,5 tỷ điếu trong giai đoạn 2005 - 2006 xuống còn 29,5 tỷ điếu trong năm 2016 - 2017.

Tuy nhiên, điều đó lại tạo ra thị trường tiêu thụ lớn cho thuốc lá bất hợp pháp và thuốc lá giả chiếm tới 20% thị phần. Nạn buôn lậu trở nên trầm trọng, khó kiểm soát, hình thành các tổ chức buôn lậu quy mô lớn.

Malaysia

Giai đoạn từ 2014 - 2015 Malaysia liên tiếp tăng thuế TTĐB. Thuế TTĐB tuyệt đối khoảng 40% (từ 0,28 RM/điếu vào năm 2014 lên 0,4 RM/điếu vào năm 2015).

Giai đoạn 2016 - 2018, nước này tăng gấp đôi thuế doanh thu từ 5% lên 10% năm 2018 khiến cho giá bán lẻ thuốc lá càng tăng mạnh. Giá thuốc lá hợp pháp và bất hợp pháp chênh lệch rất lớn.

Theo đó, trong giai đoạn từ 2014 - 2020 tại Malaysia người hút thuốc lá chuyển từ tiêu thụ các sản phẩm hợp pháp sang thuốc lá lậu có giá cực kỳ thấp. Đây là đất nước xếp thứ nhất trên thế giới về thuốc lá lậu. Thuốc lá lậu chiếm 65% thị phần năm 2020. 3 nhà sản xuất thuốc lá đã đóng cửa các nhà máy, kéo theo những lo ngại về sức khỏe và tình trạng thất nghiệp của công nhân trong ngành thuốc lá. Thất thu thuế chiếm tới 141% thu thuế từ thuốc lá vào năm 2021.

P.V

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/song-khoe/cac-nuoc-danh-thue-doi-voi-thuoc-la-nhu-the-nao/256210.htm