Các nước EU mâu thuẫn trong vấn đề mở lại biên giới

Ảnh chỉ có tính minh họa. Nguồn: Forbes

* “Bộ tứ căn cơ'” của EU sẽ đề xuất một kế hoạch cứu trợ kinh tế mới

Trong cuộc họp trực tuyến ngày 20/5, các bộ trưởng du lịch trong Liên minh châu Âu (EU) đã thảo luận về lộ trình dần mở lại biên giới vào mùa hè theo đề xuất của Ủy ban châu Âu (EC). Tuy nhiên, các bên không đạt được đồng thuận trong vấn đề này.

Phóng viên TTXVN tại châu Âu cho biết việc dịch bệnh COVID-19 đang có những chuyển biến tích cực đã tạo động lực để các bên đi tới quyết đinh thảo luận về việc mở lại biên giới và khôi phục ngành du lịch sau thời gian dài chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề.

Thế nhưng bộ trưởng cả 27 nước EU đã không thể đồng ý về toàn bộ kế hoạch do EC đề xuất. Ông Gari Capelli, Bộ trưởng Du lịch Croatia, nước giữ chức Chủ tịch luân phiên EU, cho rằng cần thảo luận thêm về cách áp dụng “gói các biện pháp về du lịch” vì châu Âu không thể liều lĩnh chấp nhận rủi ro sau khi vừa trải qua hơn một tháng phong tỏa.

Theo ông, các nước cần mở lại biên giới một cách có trách nhiệm bằng cách ký các thỏa thuận song phương, nhất là giữa các nước có cùng cấp độ dịch bệnh, để đảm bảo dịch không bùng phát trở lại. Đối với những nước có diễn biến dịch nguy hiểm thì cần làm thận trọng hơn và nên mở lại biên giới sau các nước khác.

Cũng tại cuộc họp, Pháp yêu cầu phải có sự phối hợp tốt hơn giữa các quốc gia. Mục tiêu của Paris là mở lại biên giới nội bộ EU từ ngày 15/6, nhưng phải đảm bảo tránh để xảy ra mở cửa ở nhiều tốc độ khác nhau. Trong khi đó, Đức muốn tập hợp 11 quốc gia phía Nam EU để bàn cách phối hợp mở lại biên giới.

Hiện tại, các nước trong khu vực Schengen đang áp dụng các biện pháp mở cửa biên giới không đồng bộ nhau. Italy tuyên bố mở lại biên giới và sân bay từ ngày 3/6. Hy Lạp dự kiến nối lại các chuyến bay đến từ ngày 1/7; cho phép khách sạn, nhà hàng hoạt động trở lại từ ngày 15/6; đồng thời giảm thuế một số dịch vụ và mặt hàng như phà, chuyến bay, xe buýt, đồ uống không cồn…

Theo dự kiến, Ủy viên phụ trách thị trường nội bộ Thierry Breton sẽ trình bày gói các biện pháp tài chính hỗ trợ ngành du lịch ở các nước bị ảnh hưởng nặng nhất vào ngày 27/5 tới.

Trong diễn biến khác, cùng ngày, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cho biết bốn quốc gia châu Âu sẽ đề xuất một giải pháp thay thế cứng rắn hơn cho một quỹ hỗ trợ khổng lồ mà Pháp và Đức đưa ra mới đây, nhằm giúp nền kinh tế Liên minh châu âu (EU) vượt qua cuộc khủng hoảng COVID-19.

Theo đó, Hà Lan, Áo, Đan Mạch và Thụy Điển - được mệnh danh là "Bộ tứ căn cơ" - sẽ đưa ra một gói cứu trợ khác bên cạnh đề xuất trị giá 500 tỉ euro (546 tỉ USD) do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Angela Merkel đưa ra ngày 18/5.

Tuy nhiên, gói cứu trợ của bộ tứ này sẽ đòi hỏi có sự đảm bảo rằng các nước nhận viện trợ sẽ phải tiến hành cải cách, và rằng bất kỳ sự hỗ trợ nào cũng phải ở dạng cho vay chứ không phải khoản tài trợ không hoàn lại.

Phát biểu trong một cuộc họp báo, Thủ tướng Rutte nhấn mạnh các đề xuất của Hà Lan và ba nước còn lại nêu rõ nếu một nước đưa ra yêu cầu cần được giúp đỡ, nước đó phải thực hiện những cải cách thực sự sâu rộng để đảm bảo họ có thể tự chăm sóc bản thân vào lần khủng hoảng tới.

Pháp và Đức là hai trong số các nền kinh tế mạnh nhất trong EU và cùng chiếm khoảng một nửa nền kinh tế Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone).

Điều này đồng nghĩa bất cứ quyết sách quan trọng nào ở cấp EU cũng đều cần có sự ủng hộ của Pháp và Đức. Do vậy, việc Berlin bất ngờ chấp nhận kế hoạch hồi phục kinh tế hậu COVID-19 dựa trên việc phát hành các khoản nợ chung được nhiều người coi là “mang tính lịch sử”.

Nhưng những quốc gia nổi tiếng về tiết kiệm như Hà Lan đã tỏ ra không đồng tình với gói hỗ trợ trên trước thềm hội nghị thượng đỉnh EU vào tuần tới, nơi kế hoạch dự kiến sẽ được đưa ra ký kết.

Chính điều này đã gây nên căng thẳng giữa những quốc gia đó với các thành viên EU có mức nợ cao như Italy và Tây Ban Nha, vốn cũng là những nước phải gánh chịu tác động tồi tệ nhất từ đại dịch COVID-19 tại châu Âu.

Thủ tướng Áo Sebastian Kurz trước đó đã viết trên trang Twitter cá nhân rằng ông vừa có một cuộc trao đổi với các Thủ tướng Đan Mạch, Hà Lan và Thụy Điển về vấn đề nói trên.

Ông nhấn mạnh quan điểm của các nhà lãnh đạo này vẫn không thay đổi ở chỗ họ sẵn sàng giúp đỡ hầu hết các quốc gia bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 thông qua các khoản vay, nhưng vẫn không muốn tăng ngân sách tổng thể của EU trong nhiều năm tới.

L.H (tổng hợp từ TTXVN /Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/240061/cac-nuoc-eu-mau-thuan-trong-van-de-mo-lai-bien-gioi.html