Các nước khu vực Trung Âu hứng chịu tình trạng lũ lụt nghiêm trọng

Cảnh ngập lụt tại khu vực miền Tây Nam Ba Lan, ngày 15/9/2024. Ảnh: PAP/TTXVN

Cảnh ngập lụt tại khu vực miền Tây Nam Ba Lan, ngày 15/9/2024. Ảnh: PAP/TTXVN

* Báo động tốc độ sông băng tan chảy ở Trung Á

Một người chết đuối ở Tây Nam Ba Lan, một nhân viên cứu hộ thiệt mạng ở Áo và hàng nghìn người phải sơ tán ở Cộng hòa Czech sau khi mưa lớn tiếp tục ở Trung Âu ngày 15/9, gây lũ lụt ở một số quốc gia trong khu vực.

Vùng áp thấp có tên Boris đã gây ra mưa lớn trong nhiều ngày và các con sông từ Ba Lan đến Romania đã vỡ bờ, khiến 5 người thiệt mạng vào ngày 15/9. Dự báo mưa và gió mạnh sẽ tiếp tục cho đến ít nhất là ngày 16/9.

Một số nơi ở Cộng hòa Czech và Ba Lan phải đối mặt với trận lũ lụt nghiêm trọng nhất trong gần ba thập kỷ, khi các thị trấn phải sơ tán hàng nghìn dân. 25.000 ngôi nhà ở Cộng hòa Czech bị mất điện.

Phó Thủ tướng Áo Werner Kogler cho biết một người lính cứu hỏa đã thiệt mạng khi đang khắc phục lũ lụt ở Hạ Áo, khi chính quyền tuyên bố tỉnh bao quanh thủ đô Vienna là khu vực thảm họa.

Trong khi đó, một cây cầu đã bị sập ở thị trấn lịch sử Glucholazy của Ba Lan gần biên giới Cộng hòa Czech. Truyền thông địa phương cho biết một ngôi nhà bị cuốn trôi và một cây cầu bị sập ở thị trấn miền núi Stronie Slaskie, nơi một con đập bị vỡ, theo Viện Thời tiết Ba Lan. Người dân ở một số khu vực bị lũ lụt đang chuẩn bị ứng phó với tình hình ngày càng xấu đi.

Cảnh sát Cộng hòa Czech cho biết họ đang tìm kiếm ba người trong một chiếc ô tô lao xuống sông Staric hôm 14/9 gần Lipova-lazne, một ngôi làng cách Praha khoảng 235 km về phía đông. Lượng mưa trong khu vực đã đạt khoảng 500 mm kể từ thứ 4.

Đoạn phim của Reuters cho thấy nước lũ tràn qua Lipova-lazne và Jesenik lân cận, làm hư hại một số ngôi nhà và cuốn theo các mảnh vỡ. Anh Mirek Burianek, một người dân Jesenik, nói anh không biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Mạng Internet bị mất, điện thoại không liên lạc được.

Một người dân có tên Pavel Bily ở Lipova-lazne, cho rằng lũ lụt thậm chí còn tồi tệ hơn những gì từng thấy vào năm 1997. Nhà của anh Pavel Bily chìm trong nước và anh không biết liệu mình có quay lại được hay không.

Cảnh sát và lực lượng cứu hỏa Cộng hòa Czech đã sử dụng trực thăng để sơ tán người dân mắc kẹt. Trên đài truyền hình Czech, người đứng đầu cơ quan cứu hỏa cho biết hơn 10.000 người đã được sơ tán.

Ngay bên kia biên giới Ba Lan, một người đã chết ở quận Klodzko, nơi mà Thủ tướng Donald Tusk cho biết là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất nước này sau cuộc họp với các quan chức ở thị trấn chính.

Thị trấn Klodzko bị ngập một phần trong nước khi mực nước sông địa phương vượt qua mức kỷ lục được ghi nhận vào năm 1997, khi lũ lụt khiến 56 người ở Ba Lan thiệt mạng.

Các quan chức ở Glucholazy gần đó đã ra lệnh sơ tán sớm vào ngày 15/9, mặc dù những nỗ lực bảo vệ cơ sở hạ tầng của thị trấn đã không thể ngăn chặn được vụ sập cầu.

Tại thủ đô Budapest của Hungary, các quan chức đã nâng dự báo mực nước sông Danube trong nửa cuối tuần này lên hơn 8,5m, gần đạt kỷ lục 8,91m vào năm 2013.

* Hàng nghìn sông băng trên những đỉnh núi ở độ cao chót vót 4.000m so với mặt nước biển thuộc rặng Thiên Sơn ở khu vực Trung Á đang tan chảy với tốc độ đáng báo động, do ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Đây là dãy núi chạy qua Trung Quốc, Kazakhstan và Uzbekistan.

Theo nhà khoa học Gulbara Omorova, cách đây 8 - 10 năm, trên các dòng sông băng còn có tuyết. Nhưng khoảng 3 - 4 năm trở lại đây, tuyết đã hoàn toàn biến mất và các sông băng không thể tái tạo vì nhiệt độ tăng cao.

Bà Omorova cảnh báo các dòng sông băng đang tan chảy với tốc độ dữ dội hơn nhiều so với trước. Thậm chí, sông băng Adygene còn đang co lại, vì đã thu hẹp hơn 900m mỗi năm kể từ những năm 1960. Đây từng là sông băng hùng vĩ một thời trên dãy Thiên Sơn, nhưng nay cũng giống như hàng nghìn sông băng khác trong khu vực đang dần biến mất.

Theo một báo cáo của Ngân hàng Phát triển Á - Âu, có khoảng 14 - 30% sông băng ở Thiên Sơn và Pamir, hai dãy núi chính ở Trung Á, đã tan chảy trong 60 năm qua. Các nhà khoa học cảnh báo năm 2024 có khả năng sẽ là năm nóng nhất trong lịch sử và sự nóng lên của Trái đất sẽ gây ra những tác động rất lớn tới môi trường, đặc biệt ở Trung Á là nơi đã chứng kiến nhiều thảm họa thời tiết khắc nghiệt trong thời gian qua.

Theo đánh giá, sự tan chảy của hàng nghìn dòng sông băng cùng lúc ở Trung Á sẽ gây ra mối đe dọa lớn đối với người dân trong khu vực, nhất là những vùng không giáp biển. Sông băng tan sẽ làm thay đổi trữ lượng nước ngọt và ảnh hưởng đến vấn đề an ninh lương thực.

Tại Kyrgyzstan, nước tan chảy từ sông băng tạo thành các hồ chứa mới và đổ xuống phía dưới các ngọn núi tạo thành dòng lũ chảy siết. Thủ đô Bishkek cũng nằm trong vùng nguy hiểm.

Ngoài ra, sự thay đổi trữ lượng nước ngọt, nhất là tình trạng khan hiếm, sẽ là nguồn cơn gây căng thẳng giữa các nước láng giềng. Là hai nước có địa hình nhiều núi, Kyrgyzstan và Tajikistan có khoảng 10.000 sông băng và đây là nguồn cung cấp nước chính cho Trung Á. Khi các sông băng co hẹp hoặc không còn, vấn đề thiếu nước ở Trung Á sẽ trở thành nguyên nhân gây mâu thuẫn.

Đáng chú ý, bên cạnh nhiệt độ tăng làm tan băng, các sông băng còn đối mặt với mối đe dọa khác là nhu cầu ngày càng tăng đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên khổng lồ ẩn sâu dưới những lớp băng. Việc khai thác vàng bằng hóa chất đã đẩy nhanh tăng tốc độ băng tan chảy và khiến các sông băng bị bào mòn nhanh hơn.

Trong một cảnh báo đưa ra vào năm ngoái, Tổng thống Kyrgyzstan, Sadyr Japarov, dẫn các dự báo cho thấy các sông băng ở Trung Á sẽ giảm một nửa vào năm 2050 và có thể biến mất hoàn toàn vào năm 2100.

T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/92/320759/cac-nuoc-khu-vuc-trung-au-hung-chiu-tinh-trang-lu-lut-nghiem-trong.html