Cấp bách khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão số 3 để bảo đảm đời sống nhân dân
Thực hiện Nghị quyết số 143/NQ-CP của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), ngày 18/9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức Hội nghị hỗ trợ phục hồi sản xuất trồng trọt sau bão, lũ tại các tỉnh, thành phía Bắc.
Những số liệu cấp bách cần lời giải
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung cho biết, bão số 3 vừa qua đã làm lĩnh vực trồng trọt bị thiệt hại khoảng 4.000 tỷ đồng. Trong đó, diện tích trồng lúa hơn 200 ngàn ha bị ngập úng, gây thiệt hại khoảng 3.000 tỷ đồng; riêng hoa màu có 50.612ha bị ngập úng và 38.104ha cây ăn quả bị hư hại, gây thiệt hại khoảng 1.250 tỷ đồng...
Bà Nguyễn Thị Thu Hương - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, Cục đã tổng hợp nhu cầu hạt giống để hỗ trợ địa phương khôi phục sản xuất. Trong đó nhu cầu giống lúa khoảng 15.000 tấn (kho dự trữ quốc gia có khoảng trên 4.100 tấn); rau các loại 112,5 tấn (kho dự trữ quốc gia có khoảng 0,25 tấn); giống ngô khoảng 1.080 tấn (kho dự trữ quốc gia có khoảng 275,4 tấn).
Do đó, các đơn vị xem xét, chủ động hỗ trợ giống cây trồng cho bà con nông dân tại các địa phương bị ảnh hưởng lớn của mưa bão. Cục Trồng trọt cũng đề nghị các đơn vị sản xuất kinh doanh giống cây trồng không nâng giá bán giống cây trồng trong dịp này nhằm góp phần giúp bà con nông dân vùng mưa bão giảm bớt khó khăn, khắc phục sản xuất để sớm ổn định đời sống.
Trước đó, Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân cho biết, bão số 3 và mưa lũ sau bão đã gây thiệt hại, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là nuôi trồng thủy sản. Tính toán sơ bộ, thủy sản thiệt hại khoảng 2.500 tỷ đồng. Bão số 3 và mưa lũ sau bão đã làm trên 3.700 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi. Chăn nuôi cũng khoảng 2.000 tỷ đồng với trên 26.000 con gia súc, trên 2,9 triệu con gia cầm bị chết. Đây cũng chính là thiệt hại về nguồn cung thực phẩm lớn cho cuối năm.
Những giải pháp trước mắt bảo đảm khôi phục sản xuất
Trước những thiệt hại cực lớn của nông nghiệp sau cơn bão số 3, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT giao nhiệm vụ cho các Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực họp với các địa phương, các doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng tìm các phương án tối ưu, cụ thể để hỗ trợ các giải pháp về kỹ thuật, con giống, vật tư sản xuất, thức ăn, thuốc…
Bộ NN&PTNT cũng đề xuất Chính phủ hoãn, giãn nợ và có những hỗ trợ nhất định đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình và đặc biệt phải tiếp tục giải quyết vấn đề về bảo hiểm, tái bảo hiểm để phát triển thủy sản, chăn nuôi cũng như các lĩnh vực khác một cách bền vững hơn.
Để sớm có nguồn lực phục hồi sản xuất, Bộ NN&PTNT cũng kêu gọi sự chung tay của các doanh nghiệp cùng chung tay chia sẻ với sự mất mát của người dân. Thứ trưởng Hoàng Trung gửi lời cảm ơn và đánh giá cao những chia sẻ của cộng đồng doanh nghiệp. Sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp với khả năng cao nhất, tinh thần nhanh chóng, kịp thời nhất sẽ là mối liên hệ hỗ trợ người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống, phục hồi sản xuất.
Theo Bộ NN&PTNT, đến sáng 18/9, các nước và tổ chức quốc tế đã cam kết hỗ trợ hơn 13 triệu USD và đã tiếp nhận 200 tấn hàng cứu trợ (theo thống kê chưa đầy đủ) từ các Chính phủ Australia, Thụy Sỹ, Ấn Độ, Nhật Bản (JICA), Trung tâm AaHA của ASEAN, các cơ quan Liên hợp quốc (UNDP, UNICEF), tổ chức Samaritan’s Purse. Bộ NN&PTNT đã điều phối và nhanh chóng vận chuyển hết hàng hóa đến các địa phương: Yên Bái, Lào Cai, Cao Bằng, Tuyên Quang, Lạng Sơn để hỗ trợ người dân vùng lũ...
Ngoài ra, các hiệp hội, doanh nghiệp, công ty, tổ chức, cá nhân đã ủng hộ cho riêng lĩnh vực trồng trọt hơn 14 tỷ đồng (bao gồm tiền mặt và vật tư đầu vào).