Các nước thành viên WHO ủng hộ thỏa thuận toàn cầu chống đại dịch

Ngay trong ngày khai mạc kỳ họp Đại hội đồng Y tế thế giới (WHA) thường niên lần thứ 78 tại Geneva, Thụy Sĩ, ngày 19/5, với đa số phiếu ủng hộ, các nước thành viên Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ủng hộ một thỏa thuận toàn cầu có tính đột phá nhằm cải thiện công tác ứng phó với đại dịch trong tương lai.

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại bệnh viện ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 13/2/2020. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại bệnh viện ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 13/2/2020. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN

Tổng cộng có 124 quốc gia bỏ phiếu ủng hộ, không có quốc gia nào bỏ phiếu chống và 11 nước bỏ phiếu trắng. Dự thảo thỏa thuận đề cập đến các cấu trúc bất bình đẳng trong việc phát triển thuốc, vaccine và dụng cụ y tế, rút ra từ bài học của đại dịch COVID-19 vốn đã cướp đi sinh mạng của hàng triệu người trong giai đoạn 2020–2022.

Dự kiến thỏa thuận sẽ được chính thức thông qua trong ngày 20/5 trong phiên toàn thể của WHA. Tuy nhiên, thỏa thuận này sẽ chưa có hiệu lực ngay, vì cần phải đàm phán thêm phần phụ lục về chia sẻ nguồn bệnh - có thể mất tới 2 năm - và sau đó cần có sự phê chuẩn của từng quốc gia.

Trong một tuyên bố, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus khẳng định các chính phủ trên khắp thế giới đang giúp nước mình và cộng đồng toàn cầu trở nên công bằng hơn, khỏe mạnh hơn và an toàn hơn trước các mối đe dọa do các tác nhân gây bệnh và virus có khả năng gây ra đại dịch.

Sau 3 năm đàm phán khó khăn, thỏa thuận này được nhiều nhà ngoại giao và chuyên gia đánh giá là một chiến thắng của hợp tác toàn cầu, trong bối cảnh các tổ chức đa phương như WHO đang chịu ảnh hưởng tiêu cực do Mỹ cắt giảm mạnh tài trợ. Các nhà đàm phán Mỹ đã rút khỏi các cuộc đàm phán sau khi Tổng thống Donald Trump bắt đầu quá trình rút Mỹ khỏi WHO trong 12 tháng sau khi ông nhậm chức. Do đó, Mỹ sẽ không bị ràng buộc bởi thỏa thuận này.

Tại kỳ họp năm nay, các đại biểu sẽ thảo luận về khoảng 75 nội dung nghị sự, bao gồm: nguồn nhân lực y tế, tình trạng kháng thuốc, tình trạng khẩn cấp y tế, bại liệt, biến đổi khí hậu,… Một vấn đề quan trọng khác là tài chính bền vững. WHA dự kiến sẽ bàn về ngân sách chương trình năm 2026-2027, có thể sẽ giảm từ 5,3 tỷ USD xuống còn 4,267 tỷ USD, đồng thời tái định hướng ưu tiên, củng cố chức năng cốt lõi và nâng cao hiệu quả tổ chức.

WHA là cơ quan ra quyết định cao nhất của WHO. Nhiệm vụ chính của cơ quan này là xác lập chính sách tổ chức và thông qua chương trình ngân sách. Phiên họp năm nay dự kiến kết thúc vào ngày 27/5.

Hoàng An (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/cac-nuoc-thanh-vien-who-ung-ho-thoa-thuan-toan-cau-chong-dai-dich-20250520100608539.htm