WHO thông qua Hiệp ước Đại dịch toàn cầu sau COVID-19

WHO chính thức thông qua hiệp ước nhằm ngăn đại dịch tương lai, tăng phối hợp quốc tế, chia sẻ mầm bệnh và phân phối công bằng vaccine.

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus trình bày báo cáo của mình trước các đại biểu trong Đại hội đồng Y tế Thế giới tại Geneva vào ngày 19/5. Ảnh: AFP.

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus trình bày báo cáo của mình trước các đại biểu trong Đại hội đồng Y tế Thế giới tại Geneva vào ngày 19/5. Ảnh: AFP.

Ngày 20/5, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chính thức thông qua một Hiệp ước Đại dịch mang tính bước ngoặt, đánh dấu bước tiến lớn trong nỗ lực toàn cầu nhằm đối phó với các cuộc khủng hoảng y tế trong tương lai. Hiệp ước này là kết quả của hơn 3 năm đàm phán căng thẳng, bắt đầu từ sau đại dịch COVID-19.

Mục tiêu của hiệp ước là khắc phục tình trạng phản ứng rời rạc và hỗn loạn quốc tế như từng xảy ra trong COVID-19. Thay vào đó, hiệp ước đề ra các cơ chế cải thiện phối hợp toàn cầu, nâng cao năng lực giám sát, và đảm bảo tiếp cận công bằng vaccine và phương pháp điều trị trong các đại dịch tương lai.

Hiệp ước được Đại hội đồng thường niên của WHO thông qua tại trụ sở ở Geneva. Sau khi bỏ phiếu, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu với AFP rằng: "Hôm nay là một ngày lịch sử".

Bản thảo hiệp ước đã được thống nhất theo hình thức đồng thuận vào tháng trước, sau nhiều vòng đàm phán căng thẳng. Trong suốt quá trình, Mỹ đã rút khỏi các cuộc thảo luận, sau khi Tổng thống Donald Trump quyết định đưa Mỹ ra khỏi WHO – một quy trình kéo dài một năm để hoàn tất.

“Thế giới hôm nay an toàn hơn nhờ vào sự lãnh đạo, hợp tác và cam kết của các quốc gia thành viên trong việc thông qua Hiệp ước Đại dịch lịch sử của WHO”, ông Tedros nói. “Hiệp ước này là chiến thắng của y tế cộng đồng, của khoa học, và của hành động đa phương. Nó đảm bảo rằng chúng ta có thể cùng nhau bảo vệ thế giới tốt hơn trước các mối đe dọa đại dịch trong tương lai”.

Ông cũng nói thêm rằng cộng đồng quốc tế đang công nhận một điều hiển nhiên: “Không ai trong chúng ta được phép trở nên mong manh như đã từng trong COVID-19 – cả người dân, xã hội hay nền kinh tế”.

Lộ trình phê chuẩn

Hiệp ước hướng đến việc phát hiện và ứng phó đại dịch hiệu quả hơn thông qua hợp tác quốc tế sâu rộng, giám sát tăng cường, và tiếp cận bình đẳng hơn với vaccine, xét nghiệm và phương pháp điều trị.

Trong quá trình đàm phán, căng thẳng nổ ra giữa các nước giàu và các nước đang phát triển, khi nhiều nước nghèo cảm thấy bị gạt ra bên lề trong việc tiếp cận vaccine COVID-19.

Một số quốc gia cũng phản đối hiệp ước với lý do lo ngại mất chủ quyền. Để giải quyết điều này, đại diện Pháp và Nam Phi – đồng chủ trì quá trình đàm phán – đã nhấn mạnh: “Hiệp ước này không làm suy yếu chủ quyền quốc gia. Mục tiêu là tạo ra một hệ thống dựa trên luật lệ, mang tính dài hạn và thích nghi với tương lai”.

Từ nay đến tháng 5/2026, các quốc gia sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế Tiếp cận mầm bệnh và Chia sẻ quyền lợi (PABS) – một phần trọng yếu trong hiệp ước.

Cơ chế PABS nhằm đảm bảo chia sẻ thông tin và mẫu mầm bệnh có khả năng gây đại dịch, cũng như phân phối công bằng các lợi ích từ đó, như vaccine, xét nghiệm và thuốc điều trị.

Khi PABS hoàn thiện, hiệp ước sẽ cần được ít nhất 60 quốc gia phê chuẩn để chính thức có hiệu lực.

Phát biểu tại phiên họp, bà Anne-Claire Amprou – Đại sứ Pháp về y tế toàn cầu, cho rằng: “Trong bối cảnh thế giới chia rẽ và địa chính trị đầy biến động, việc thông qua hiệp ước này là bằng chứng rõ ràng rằng chúng ta vẫn có thể đồng hành”.

Huyền Chi

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/who-thong-qua-hiep-uoc-dai-dich-toan-cau-sau-covid-19-post185725.html