Các nước trồng cà phê quay cuồng với biến đổi khí hậu, Việt Nam cần làm gì?
Sản xuất cà phê của Brazil có thể sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong số tất cả các quốc gia sản xuất cà phê được phần mềm Gro Intelligence nghiên cứu.
Khi mùa cháy rừng lên đến đỉnh điểm ở khu vực Amazon, những người sản xuất cà phê cách đó hàng nghìn cây số cũng sống trong địa ngục. Các trang trại như của ông Felipe Barretto Croce ở Mococa, bang Sao Paulo, đã chứng kiến hỏa hoạn gia tăng trong những năm gần đây và đây cũng là thứ gây nguy hiểm cho hoạt động sản xuất của quốc gia xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới.
Croce giải thích: “Tháng 8 và tháng 9 là những tháng quan trọng cuối mùa khô - nước bốc hơi khiến đất mất nước. Tình hình bắt đầu trở nên nghiêm trọng, chúng tôi thấy rất nhiều đám cháy và các vụ cháy rừng xung quanh đây”.
Khu Fazenda Ambiental Fortaleza (FAF), thuộc sở hữu của gia đình Felipe, nằm ở vùng nông thôn Sao Paulo, nơi 10 ha cà phê arabica đang ngày càng trở nên dễ bị tổn thương trước những thay đổi về môi trường, mà chủ yếu là do thảm thực vật ở Amazon đang dần biến mất.
Croce nói: “Trong những năm gần đây, chúng tôi hứng chịu những ngày thời tiết khắc nghiệt, lạnh thấu xương hơn và nắng nóng gay gắt hơn. Nhìn chung, chúng tôi đang chứng kiến tình trạng thiếu mưa. Điều này có lẽ là do nạn phá rừng xảy ra xung quanh đây, ở Cerrado và Amazon”.
Các mùa khô nóng như vậy được dự báo sẽ còn tồi tệ và thường xuyên hơn. Phần mềm khí hậu Gro Intelligence ước tính rằng số ngày có nhiệt độ khắc nghiệt trên 34°C trong thời kỳ ra hoa quan trọng của cây cà phê (từ tháng 9 đến tháng 10), sẽ tăng lên tới 10 ngày mỗi tháng vào năm 2050. Dữ liệu cho thấy sản xuất cà phê của Brazil có thể sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong số tất cả các quốc gia sản xuất cà phê được phần mềm Gro Intelligence nghiên cứu (Colombia, Peru, Kenya và Ethiopia), với lượng mưa cũng được dự đoán sẽ giảm 10% vào giữa thế kỷ này.
Hai loài cà phê được trồng ở Brazil là Robusta và Arabica nhưng có nhiều giống khác nhau ở 15 vùng sản xuất. Arabica, với hương vị trái cây phong phú, là loại cà phê được nhiều hộ nông dân lựa chọn gieo trồng. Tuy nhiên, nó dễ bị ảnh hưởng hơn nhiều bởi biến đổi khí hậu. Nghiên cứu cho thấy rằng việc tiếp xúc với nhiệt độ trên 30°C có thể dẫn đến những bất thường và thoái hóa của cây cà phê. Kể từ năm 2010, nhiệt độ ở tất cả các đầu mối sản xuất cà phê của Brazil đã tăng trung bình 1,2 độ C trong thời kỳ cây cà phê ra hoa.
Với tình trạng thời tiết khắc nghiệt diễn ra thường xuyên hơn, thời gian “nghỉ ngơi” giữa các đợt khí căng thẳng hậu ở các đồn điền cà phê Brazil ngày càng ngắn hơn. Điều này đồng nghĩa với việc cây trồng không có đủ thời gian phục hồi cần thiết. Ảnh hưởng của đợt hạn hán nghiêm trọng vào năm 2020 và đợt sương giá tồi tệ nhất trong 27 năm vào năm 2021 vẫn đang được cảm nhận rõ ràng đối với các loài cà phê Arabica vốn rất nhạy cảm.
Xa hơn về phía nam, ở Bragança Paulista, cũng thuộc bang São Paulo, José Oscar Ferreira Cintra, một nông dân trồng cà phê thế hệ thứ năm, đang trồng thứ cà phê có tốc độ sinh trưởng nhanh mà ông mô tả là “Ferrari của cà phê”. Nhưng Cintra cũng kinh hoàng trước hành vi thất thường của cây cà phê Ferrari.
Cintra phàn nàn: “Khí hậu thật hỗn loạn. Không hề có trình tự logic như trước đây. Những thời điểm lẽ ra trời phải khô ráo thì lại mưa. Điều ngược lại cũng xảy ra. Và bản thân cây cà phê cũng không biết phản ứng thế nào. Thời tiết hoàn toàn phá vỡ trình tự logic của cây. Cây có hoa, chumbinho (giai đoạn đầu kết trái), cà phê chín, cà phê khô, tất cả cùng xảy ra một lúc. Thật là kinh hoàng”.
Cintra chỉ ra rằng trình tự phi logic này của cây dẫn đến quá trình chín không đồng đều của cà phê, điều này không chỉ làm giảm chất lượng và hương vị của hạt mà còn khiến các vườn dễ bị bệnh hơn.
Cintra giải thích: “Sự biến đổi khí hậu này ảnh hưởng đến sức khỏe của cây trồng. Khi cây khỏe mạnh, nó khó có thể mắc bệnh. Hoặc nếu có, nó sẽ chống cự và vượt qua. Giờ đây, với sự thay đổi, cây cà phê đã trở thành một loài thực vật không còn khả năng tự vệ”.
Tác động ngay cả ở những vùng có nhiều nước
Từ những ngọn núi trùng điệp tại Matas de Minas ở ranh giới giữa Minas Gerais và Espírito Santo, đến những ngọn đồi nhấp nhô ở Mogiana, thuộc bang Sao Paulo, không có vùng trồng cà phê nào giống vùng nào. Điều này cũng có nghĩa là tác động của khí hậu tại các vùng khác nhau và nông dân phải ứng phó với nghịch cảnh khác nhau.
Nằm trên độ cao hơn 1.400 mét, trang trại cà phê của Afonso Donizete Lacerda ở Dores do Rio Preto, Espírito Santo, đã thoát khỏi một số vấn đề mà các nhà sản xuất cà phê ở các khu vực khác phải đối mặt.
Lacerda cho biết: “Xung quanh khu vực có rất nhiều suối nên nước ở đây không phải là vấn đề. Chúng tôi ở đây nhận được lượng mưa 1.600mm mỗi năm, đủ cho các đồn điền cà phê. Vì thế, chúng tôi không cần tưới thêm gì cả”.
Nhưng ngay cả ở trang trại của Lacerda, một nhà sản xuất cà phê trong 200 năm, các thói quen thời tiết đang thay đổi. Lacerda kể: “Trong 5 năm qua, đợt hoa nở vào tháng 3 đã cho năng suất ít hơn. Tháng 1 có mưa và chúng tôi nghĩ đó là nguyên nhân ảnh hưởng đến việc giảm số lượng hoa nở muộn ở đây”.
Theo dự đoán trong một nghiên cứu năm 2022 của Đại học Zurich, hơn 50% đất đai trên thế giới sẽ trở nên không thích hợp cho việc trồng cà phê do biến đổi khí hậu vào đầu thế kỷ này. Do vậy, việc sản xuất cà phê ở Brazil đương nhiên cần phải tính đến di canh sang độ cao cao hơn hoặc vùng lạnh hơn.
Espirito Santo và bang Rondonia của Amazon là nơi trồng loại cà phê khác của Brazil, Canephora (hay còn gọi dân dã là Conilon, tương tự như Robusta). Robusta và Conilon được nhiều người cho là có khả năng chống chọi tốt hơn với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, một thống kê gần đây của các học giả ở Ý nhấn mạnh việc thiếu các nghiên cứu về Robusta so với giống Arabica vốn rất phổ biến. Mặc dù vậy, các dự đoán cho thấy Brazil có thể mất tới 60% diện tích thích hợp trồng cà phê Conilon vào năm 2050. Dù cho sản lượng ở bang Rondonia năm nay không bị ảnh hưởng bởi thời tiết khắc nghiệt, nhưng đó lại là một câu chuyện rất khác ở Espírito Santo, nơi xảy ra các hiện tượng khí hậu dị thường với mùa đông lạnh giá và thiếu lượng mưa đã làm giảm tổng sản lượng Conilon xuống 10,8%.
Tuy nhiên, chuyên gia khí tượng nông nghiệp Jurandir Zullo Junior, từ Trung tâm Nghiên cứu Khí tượng và Khí hậu Ứng dụng vào Nông nghiệp tại Đại học bang Campinas (Cepagri/Unicamp), cảnh báo về nguy cơ các đồn điền cà phê phải di canh sang các khu vực sản xuất ít truyền thống hơn.
Zullo Junior giải thích: “Mối quan tâm chính là sản xuất cà phê đòi hỏi phải có cơ cấu. Nó không phải là loại cây mà bạn có thể dễ dàng di canh như ngũ cốc, loại cây mà chẳng hạn là đậu có thể thu hoạch trong 120 ngày hoặc 90 ngày. Nông dân thường quen trồng một vài loại cây, họ canh tác dựa vào truyền thống và kinh nghiệm. Đó là lý do tại sao họ rất khó khăn để thích nghi với cây trồng lâu năm”.
Làm thế nào để thích ứng với một loại cây trồng mong manh?
Với 78% tổng lượng cà phê ở Brazil được sản xuất bởi các trang trại nhỏ, sự thích ứng sẽ là chìa khóa. Tuy nhiên, không có giải pháp nào phù hợp cho tất cả và bản thân sự thích ứng sẽ không đảm bảo sự tồn tại của cây cà phê trên khắp các khu vực đa dạng này.
Theo Zullo Junior, người đã nghiên cứu ảnh hưởng của khí hậu đến nông nghiệp trong gần 40 năm, cà phê là cây trồng đặc biệt dễ bị tổn thương trước những thay đổi về nhiệt độ và lượng mưa. Ông cho biết: “Tổn thất và sụt giảm sản lượng rất cao bởi vì ngoài tự nhiên, cây trồng có một phạm vi thích ứng được giới hạn rõ ràng. Riêng cà phê ở đây là loài thực vật sống dưới tán, tức khu vực có bóng râm bên dưới tán rừng nên nó không chịu được nhiệt độ rất cao hoặc rất thấp”.
Kỹ thuật thích ứng được sử dụng rộng rãi nhất ở Brazil là tưới tiêu, cho phép người trồng tưới nước cho cây cà phê trong thời kỳ khô hạn và giảm mất nước cho cây. Nhưng mỗi vùng có nguồn nước khác nhau. Với hạn hán gia tăng, một số nông dân bắt đầu dần lo ngại về việc quản lý tài nguyên nước từ chính quyền.
Một nghiên cứu của Đại học Campinas phát hiện ra một kỹ thuật thích ứng khác: che bóng, tức là trồng cây lớn hơn giữa các cây cà phê để tạo bóng mát, có thể làm giảm nhiệt độ không khí xuống 0,6 độ C, cũng như giảm các nguy cơ khác như như gió và độ ẩm tăng lên. Bóng mát cũng ngăn chặn sự thoái hóa của đất, có tác dụng kiểm soát sâu bệnh và hấp thụ carbon.
Theo Zullo Junior, thích ứng là điều cần được đầu tư. Hiện nay, nghiên cứu đang chuyển sang giúp tìm ra các giải pháp không chỉ bảo vệ cây cà phê khỏi bệnh tật và sâu bệnh mà còn giúp chúng chống chọi với biến đổi khí hậu.
Zullo Junior giải thích: “Cải tiến di truyền là phát triển cây trồng có khả năng thích nghi tốt hơn với áp lực thời tiết. Đây có lẽ là kỹ thuật phù hợp nhất nhưng cần có thời gian để phát triển, ít nhất là 15 năm”.
Trang trại gia đình là một phần của giải pháp
Nông nghiệp không chỉ được coi là một trong những ngành dễ bị tổn thương nhất trước tình trạng khẩn cấp về khí hậu mà còn được công nhận rộng rãi là một phần quan trọng của giải pháp nhờ khả năng giảm phát thải khí nhà kính.
Nhiều hộ sản xuất cà phê gia đình ở Brazil nhận thức rõ điều này, vì trong nhiều thế hệ, họ đã nỗ lực sản xuất cà phê chất lượng cao nhưng vẫn đảm bảo cho cân bằng sinh thái mong manh ở địa phương. Niềm đam mê bảo vệ và khôi phục đa dạng sinh học thông qua nông lâm kết hợp là trọng tâm với trang trại FAF của Felipe Barretto Croce và cách tiếp cận này đang tạo ra kết quả tích cực cho sản xuất và bảo vệ môi trường.
Croce tự nhận xét: “Tôi đang thay đổi hoàn toàn cách quản lý mọi thứ. Hôm nay, tôi đang trồng bằng phương pháp nông lâm kết hợp ở giữa vườn cà phê được cơ giới hóa hoàn toàn, để tạo ra môi trường sống thoải mái, cân bằng và ổn định cho cây cà phê của tôi”.
Trang trại FAF, nơi có hơn 40% diện tích rừng, sử dụng nhiều kỹ thuật khác nhau như trồng rừng và chắn gió (giữ độ ẩm trong đất), để đảm bảo sức khỏe không chỉ cho cây cà phê mà còn cho cả đất và các loài thụ phấn quan trọng.
Nghiên cứu được thực hiện bởi Đại học Liên bang Alfenas ở Minas Gerais, trong đó có FAF, cho thấy năng suất tăng từ 30% trở lên do hiệu quả của thụ phấn tự nhiên. Mạng lưới sản xuất, bảo vệ và tái tạo tự nhiên đầy tinh tế này dường như đang mang lại kết quả tốt và có khả năng giảm thiểu một số tác động từ biến đổi khí hậu.
Croce kết luận: “Với tình trạng biến đổi khí hậu và sự tàn phá đa dạng sinh học xung quanh chúng ta, việc chuẩn bị cho một tương lai phức tạp chưa bao giờ quan trọng hơn thế”.
Ngày 12.10, tại thành phố Buôn Ma Thuột, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) phối hợp với Tổ chức Nghiên cứu Nông lâm Quốc tế (ICRAF) tại Việt Nam, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai sơ kết dự án “Nâng cao tính bền vững, năng suất và giá trị kinh tế của hệ thống canh tác và chuỗi giá trị của cà phê và hồ tiêu ở khu vực Tây Nguyên” năm 2023 (Dự án V-SCOPE).
Dự án V-SCOPE được triển khai từ tháng 2.2021 đến tháng 9.2024 tại ba tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, với sự tham gia của gần 300 nông hộ trồng cà phê và hồ tiêu.
Dự án hướng tới nâng cao sinh kế cho các nông hộ nhỏ và cộng đồng nông thôn; hỗ trợ quản lý tài nguyên thiên nhiên và giúp sản xuất bền vững; thúc đẩy chuỗi giá trị thị trường thực phẩm nông nghiệp toàn diện thông qua hợp tác với khu vực tư nhân và nông dân.
Dự án có bốn hợp phần chính là cải thiện sức khỏe đất và kiểm soát sâu bệnh từ đất ở các trang trại cà phê và hồ tiêu cũng như trong vườn ươm; phương pháp canh tác bền vững và hệ thống trồng trọt mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, phù hợp với bối cảnh khác nhau; cải thiện chuỗi giá trị địa phương tăng cường đối thoại công tư quốc gia; cải thiện các sáng kiến cảnh quan nhiều bên liên quan và chiến lược mở rộng quy mô tăng cường đối thoại công tư ở địa phương.
Sau thời gian triển khai, dự án đã đạt nhiều kết quả tích cực. Từ tháng 7.2022 đến tháng 8.2023, dự án đã phát hiện những thay đổi quan trọng như mức tưới 400 lít/cây/vụ phù hợp với vườn cà phê độc canh; cây cà phê được trồng dưới bóng cây ăn quả có mức tiêu thụ nước thấp hơn 20-30% so với điều kiện độc canh; thiết kế các phương pháp thực hành hiệu quả và hệ thống canh tác tích hợp; cải thiện chuỗi giá trị và liên quan đến khía cạnh giới. Bên cạnh đó, dự án đã có các thử nghiệm về tưới tiêu có thể giúp vùng Tây Nguyên thích ứng với biến đổi khí hậu.