Các 'ông lớn' Mỹ, Anh vẫn âm thầm kiếm bộn tiền ở Nga
Các công ty phương Tây vẫn đang tận hưởng siêu lợi nhuận ở thị trường Nga trong khi Ukraine kêu gọi hành động cứng rắn hơn.
Theo dữ liệu do chi nhánh Nga của tạp chí kinh doanh Forbes tổng hợp, các công ty lớn của phương Tây vẫn thống trị Danh sách 50 công ty nước ngoài lớn nhất hoạt động tại Nga hơn 19 tháng sau chiến dịch của nước này ở Ukraine, trong đó có 8 doanh nghiệp Mỹ và 2 doanh nghiệp Anh.
Tập đoàn hàng tiêu dùng Unilever của Vương quốc Anh đã nhận được khoảng 700 triệu bảng từ các lợi nhuận ở Nga vào năm 2022, trong khi gã khổng lồ dược phẩm AstraZeneca của Anh, nhà phát triển vắc-xin Covid-19 hàng đầu, chứng kiến thu nhập hàng năm tăng mạnh lên 450 triệu bảng.
Mỹ đứng đầu bảng với 8 công ty, trong đó có nhà sản xuất thuốc lá Philip Morris International, công ty đứng thứ 3 trong danh sách với doanh thu 3,3 tỷ bảng. Các gã khổng lồ thực phẩm PepsiCo và Mars xếp thứ 4 và thứ 8 với doanh thu lần lượt là 2,5 tỷ bảng và 1,7 tỷ bảng.
Cả PepsiCo và Mars đều bị Cơ quan Phòng chống Tham nhũng Quốc gia Ukraine (NACP) gán mác “nhà tài trợ chiến tranh quốc tế” vì vẫn đang kinh doanh ở Nga bất chấp áp lực phải rút khỏi thị trường béo bở này.
Danh sách 50 công ty nước ngoài lớn nhất hoạt động tại Nga, được công bố hàng năm, đã thay đổi rõ rệt kể từ năm ngoái, với 22 công ty bị loại khỏi danh sách sau khi rút khỏi thị trường Nga, bao gồm cả công ty dẫn đầu trước đó là nhà sản xuất ô tô Đức Volkswagen, cũng như Renault, Apple, Toyota và Samsung.
Một số vị trí trong số đó đã được thay thế bởi các công ty từ các quốc gia có quan hệ tốt với Nga, bao gồm Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, những quốc gia có tổng cộng 11 công ty trong danh sách, tăng so với chỉ 2 công ty vào năm ngoái.
Chuỗi bán lẻ của Pháp Leroy Merlin hiện là công ty nước ngoài lớn nhất ở Nga với doanh thu hàng năm là 4,4 tỷ bảng, tăng 16% so với năm 2021. Một trong 5 công ty của Pháp trong danh sách còn có thương hiệu mỹ phẩm L’Oreal.
Unilever đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận từ trang iNews (Anh). Gã khổng lồ hàng tiêu dùng trước đó đã đáp trả những lời chỉ trích bằng tuyên bố rằng họ đã “dừng tất cả hoạt động xuất nhập khẩu các sản phẩm của chúng tôi vào và ra khỏi Nga” nhưng “chúng tôi không nghĩ việc bỏ rơi người dân của mình ở Nga là đúng đắn”.
Tuyên bố lưu ý rằng chính quyền Nga đã tiếp quản các doanh nghiệp nước ngoài đang tìm cách rút khỏi thị trường, chẳng hạn như nhà sản xuất thực phẩm Pháp Danone và nhà sản xuất bia Carlsberg của Đan Mạch, đồng thời cho biết họ mong muốn “tránh nguy cơ hoạt động kinh doanh của chúng tôi rơi vào tay nhà nước Nga”.
AstraZeneca đã phản hồi bằng cách lưu ý rằng các loại thuốc thường được miễn trừng phạt và hoạt động của họ ở Nga chỉ giới hạn ở các phương pháp điều trị bảo tồn sự sống như thuốc điều trị ung thư. Công ty đã đưa ra một tuyên bố vào tháng 8 làm rõ chi tiết về các hoạt động ở Nga.
“Ở Nga, chúng tôi không bắt đầu thử nghiệm lâm sàng toàn cầu và tập trung vào việc cung cấp các loại thuốc thiết yếu và bảo tồn sự sống. Chúng tôi tuân thủ tất cả các lệnh cấm đầu tư hiện hành”, AstraZeneca cho biết.
Các nhà vận động Ukraine từ lâu đã yêu cầu các công ty đa quốc gia nước ngoài cũng như chính phủ nước họ có hành động mạnh mẽ hơn.
Một nghiên cứu gần đây của Trường Kinh tế Kiev cho thấy các công ty nước ngoài đã kiếm được hơn 175 tỷ bảng Anh từ lợi nhuận ở Nga vào năm 2022, đóng góp hàng tỷ bảng tiền thuế cho Điện Kremlin.
“Các công ty thường viện dẫn tính chất thiết yếu của hàng hóa mà họ cung cấp để bào chữa”, các nhà nghiên cứu tại Trường Kinh tế Kiev cho biết. “Tuy nhiên, nhiều người đang mở rộng định nghĩa để bao gồm dầu gội, kem cạo râu và bánh kẹo”.
Nghiên cứu của Trường Kinh tế Kiev kêu gọi các công ty như vậy rút lui và khuyên các chính phủ khuyến khích doanh nghiệp của họ rời khỏi thị trường Nga.
“Các quốc gia cũng nên đưa ra các biện pháp ngăn chặn như phạt tài chính, hạn chế tiếp cận hợp đồng và loại trừ các cơ hội mua sắm công” đối với các trường hợp vi phạm, các nhà nghiên cứu khuyến nghị.
Minh Đức (Theo iNews, KSE Institute)